Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển các dân tộc rất ít người từ việc sửa đổi Nghị định số 57/2017/NĐ-CP: Điều chỉnh chính sách tuyển sinh (Bài 2)

Cù Hương - Sỹ Hào - 09:04, 19/11/2023

Ngoài được hỗ trợ học tập thì học sinh (HS), sinh viên (SV) thuộc các DTTS rất ít người được ưu tiên tuyển thẳng vào hệ thống các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, chính sách ưu tiên này không chỉ gây khó khăn cho một số trường chuyên biệt, mà còn khiến các cơ sở giáo dục đại học lo ngại về chất lượng đầu vào.

Việc xét tuyển thẳng HS thuộc dân tộc rất ít người khiến cơ hội được vào học tại các trường PTDTNT của HS thuộc các dân tộc khác bị hẹp đi. (Trong ảnh: Trường Mầm no Vàng San, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)
Trường Mầm non Vàng San, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Lo ngại chất lượng đầu vào

Theo quy định tại Điều 3 – Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ (NĐ57), trẻ mẫu giáo, HS, SV thuộc các DTTS rất ít người được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng. Theo đó, trẻ mẫu giáo được học tại các trường mầm non, trường/lớp mẫu giáo công lập; HS tiểu học (TH) được học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTTBT), trường TH; hoàn thành chương trình TH được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTTNT), trường PTTBT, trường THCS; HS tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào học tại các trường PTTNT, trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp.

Đặc biệt, khoản 5 – Điều 3 quy định, HS tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 về kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho rằng, chính sách ưu tiên tuyển thẳng này hiện không còn phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.

“Việc thực hiện chính sách xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gây ra nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng đào tạo”, Báo cáo số 1533/BC-UBDT cho biết.

Kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS do UBDT và Tổng cục Thống kê thực hiện đã phản ánh thực trạng càng lên cấp học cao hơn thì tỷ lệ tham gia của HS thuộc các dân tộc lại thấp xuống. Đơn cử như dân tộc Brâu, tỷ lệ người đi học chung cấp TH là 104,1%; tỷ lệ người đi học chung cấp THCS là 42,9%; tỷ lệ người đi học chung cấp THPT là 33,3%...

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của 5 dân tộc đầu bảng và 5 dân tộc cuối bảng xếp hạng theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 DTTS do UBDT và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019. (Nguồn: dangconsan.vn)
Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của 5 dân tộc đầu bảng và 5 dân tộc cuối bảng xếp hạng theo kết quả điều tra thu thập thông tin 53 DTTS do UBDT và Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2019. (Nguồn: dangconsan.vn)

Với dân tộc Rơ Măm, kết quả thu thập thông tin cho thấy, tỷ lệ người đi học chung cấp TH là 106,1%; tỷ lệ người đi học chung cấp THCS là 77,1%; tỷ lệ người đi học chung cấp THPT là 58,3%. Đặc biệt, trong 5 năm (2017 – 2022), chỉ có 23 em người dân tộc Rơ Măm tốt nghiệp THPT, 11 sinh viên theo học đại học, cao đẳng.

Chất lượng đầu vào thấp sẽ là một rào cản trong việc thực hiện nhiệm vụ của Tiểu dự án 2 – Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg; với nội dung đầu tư, hỗ trợ công tác đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, cần phải điều chỉnh, sửa đổi chính sách gần như “cho không” một suất vào các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học theo quy định tại NĐ57 để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Băn khăn chính sách hỗ trợ

Trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT, UBDT cũng lưu ý, việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển thẳng cũng gây ra khó khăn trong công tác tuyển sinh cho các trường PTDTNT ở những địa phương tập trung đông HS thuộc các DTTS rất ít người. Việc xét tuyển thẳng HS thuộc dân tộc rất ít người khiến cơ hội được vào học tại các trường PTDTNT của HS thuộc các dân tộc khác bị hẹp đi rất nhiều.

Đơn cử như huyện Mường Tè (Lai Châu), ngoài dân tộc Kinh thì đây là địa bàn sinh sống của cộng đồng 8 DTTS: Thái, Hà Nhì, Si La, Mông, Cống, Giáy, Mảng, La Hủ. Theo NĐ57 thì HS các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Si La được thụ hưởng chính sách xét tuyển thẳng vào các trường PTNTNT, trong khi chỉ tiểu tuyển sinh hằng năm của nhà trường chỉ có 300 HS. Do đó, đại bộ phận HS của nhà trường đều thuộc các dân tộc rất ít người, HS thuộc các thành phần dân tộc khác rất ít.

Bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Một giờ học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương – Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)
Bảo đảm chất lượng đầu vào cho các trường dự bị đại học, đại học và sau đại học nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Một giờ học tại Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương – Nguồn ảnh: dangcongsan.vn)

Bên cạnh chính sách xét tuyển thẳng, trẻ em, HS, SV thuộc các dân tộc rất ít người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập trong 12 tháng/năm. Số liệu sơ kết 05 năm (2017 – 2022) thực hiện NĐ57 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2022, đã có hơn 104.219 lượt trẻ em, HS, SV thuộc các DTTS rất ít người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập, với tổng kinh phí đã chi trả gần 710 tỷ đồng.

Chỉ riêng tỉnh Kon Tum, thực hiện chính sách theo NĐ57 đối với dân tộc Brâu và dân tộc Rơ Măm, đã có 295 trẻ mẫu giáo được hưởng chính sách hỗ trợ học tập bằng 30% mức lương cơ sở/trẻ/tháng, kinh phí thực hiện hơn 1,188 tỷ triệu đồng; có 40 HS cấp TH, THCS hưởng chính sách hỗ trợ học tập 40% mức lương cơ sở/HS/tháng, kinh phí thực hiện là gần 316,9 triệu đồng; có 528 HS cấp TH, THCS DTBT hưởng chính sách hỗ trợ học tập 60% mức lương cơ sở/HS/tháng, kinh phí thực hiện là 4,651 tỷ đồng;…

Trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT, UBDT khẳng định, việc thực hiện chính sách hỗ trợ học tập là hết sức cần thiết để phát triển giáo dục ở các dân tộc rất ít người. Tuy nhiên, chính sách chỉ áp dụng cho trẻ mẫu giáo 3 tuổi trở lên, còn trẻ nhà trẻ không có chế độ. Đây là quy định chưa phù hợp, cần được điều chỉnh bởi tỷ lệ hộ nghèo của các DTTS rất ít người hiện còn rất cao (nhiều dân tộc có tỷ lệ nghèo trên 50%, gồm: Mảng 66,3%, Chứt 60,6%, Ơ Đu 56,7%, Cống 54,0%, Lô Lô 53,9%, Pà Thẻn 50,2%), khi thu nhập bình quân đầu người của nhóm hộ nghèo nhất là 1,1 triệu đồng/tháng nên rất khó khăn trong công tác huy động trẻ nhà trẻ ra lớp và công tác quản lý, tổ chức hoạt động bán trú tại các trường mầm non có đông HS dân tộc ít người.

Theo số liệu trong dự thảo Đề án “Hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho trẻ em, HS, SV người DTTS tại vùng DTTS và miền núi” do UBDT thực hiện, từ báo cáo của 32 tỉnh cho thấy, giai đoạn 2010 - 2021, thực trạng bỏ học của HS, SV người DTTS diễn gia ở cả các cấp học, bỏ học nhiều nhất là cấp THCS và THPT. Trong đó, riêng tại các xã khu vực III có 9.037 HS cấp TH bỏ học, cấp THCS là 40.892 HS, cấp THPT là 37.877 HS, sơ cấp là 364 HS, trung cấp là 1.148 HS, cao đẳng là 991 HS, đại học là 954 HS.