Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát triển bền vững và toàn diện tiểu vùng Mê Kông

PV - 15:01, 03/04/2018

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) đã khép lại. Với chủ đề “Phát huy 25 năm hợp tác, xây dựng GMS hội nhập, bền vững và thịnh vượng”, Hội nghị GMS 6 đã đề ra những định hướng hợp tác lớn trong trung hạn và khởi động tiến trình xây dựng tầm nhìn hợp tác dài hạn của GMS. Cùng với đó, Hội nghị CLV 10 đã mở ra một trang mới trong hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLB.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo GMS. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo GMS.

 

Xây dựng tầm nhìn hợp tác dài hạn của GMS

Hội nghị GMS 6 đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà hợp tác GMS đã đạt được trong 25 năm qua trên cơ sở triển khai chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”. Quy mô hợp tác đạt hơn 21 tỷ USD với hàng trăm dự án trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là hợp tác kết nối với việc xây dựng mới và nâng cấp nhiều sân bay, 80 cây cầu, 10.000km đường bộ, 500km đường sắt, và 3.000km đường dây truyền tải điện….

Về định hướng hợp tác trong 5 năm tới, Hội nghị thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung đầu tư khu vực vùng 2022 nhằm làm rõ hơn các trọng tâm hợp tác, thực hiện những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm hợp tác GMS trong trung hạn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của các nước thành viên.

Khung đầu tư khu vực 2022 bao gồm 227 dự án với tổng kinh phí lên gần 66 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất một số hướng hợp tác lớn của GMS thời gian tới, bao gồm: Phát triển hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh kết nối khu vực, bảo đảm thông suốt giữa các nước GMS và giữa GMS với các khu vực bên ngoài. Thúc đẩy “kết nối tương hỗ” về thương mại-đầu tư. Hỗ trợ các nước thành viên xây dựng và thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất-chế biến-phân phối sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao; thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng khu vực; nâng cao năng lực tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản sạch; kết nối doanh nghiệp và nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy Chương trình hợp tác kinh tế GMS và tiếp tục ủng hộ các nguyên tắc cơ bản của khuôn khổ hợp tác GMS và khuyến khích tất cả các bên liên quan khởi động việc nghiên cứu hướng đi cho tương lai.

Trang mới trong hợp tác CLV

Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) cũng đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã mở ra một trang mới trong hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLB. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và ASEAN tham dự Hội nghị theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Điều này khẳng định vai trò của khu vực Tam giác phát triển CLV trong cộng đồng ASEAN.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhìn lại các kết quả của chặng đường 18 năm hợp tác Tam giác phát triển CLV. Mặc dù còn nhiều khó khăn, khu vực 13 tỉnh của 3 nước đã có sự phát triển không ngừng, kể cả hạ tầng, các công ty sản xuất kinh doanh, đặc biệt đời sống người dân được nâng lên đáng kể.

Hội nghị cũng đưa ra các chủ trương, biện pháp cụ thể để hiện thực hóa hợp tác ba nước trong thời gian tới như kế hoạch hành động kết nối khu vực sẽ được soạn thảo rõ ràng hơn với một danh mục các công trình; đưa Tam giác phát triển CLV thực sự trở thành một phần không thể thiếu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, gắn kết tốt hơn các chiến lược, kế hoạch Tam giác phát triển với kế hoạch chung của ASEAN để vận động các nguồn lực cho các dự án ưu tiên của khu vực Tam giác phát triển CLV.

Ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác khu vực Tam giác phát triển CLV. Tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước và xây dựng các nền kinh tế CLV hội nhập, bền vững và thịnh vượng và là một bộ phận không thể tách rời của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, thông qua nỗ lực chung của tập thể và các chính sách quốc gia phù hợp.

THANH HUYỀN