Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân người DTTS trong phát triển kinh tế -xã hội

Băng Ngân - Trương Vui - 08:20, 08/11/2023

Với sự nỗ lực, quyết tâm, nhiều doanh nhân người DTTS đang tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin, năng động, sáng tạo tiếp cận thị trường, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ đã khẳng định được vai trò, vị thế và những đóng góp tích cực của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và cả nước.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục có thêm những đóng góp quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh của nền kinh tế đất nước (Ảnh: Báo Nhân dân)
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần tiếp tục có thêm những đóng góp quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh của nền kinh tế đất nước (Ảnh: Báo Nhân dân)

Nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng

Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, không thể không kể đến vai trò, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân người DTTS, những người đang ngày đêm bền bỉ, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển của quê hương.

Trong số đó, có thể kể đến bà Hà Ngọc Quỳnh, dân tộc Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh, người đã dành cả cuộc đời gắn bó với vùng chè của huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Bằng tình yêu với vùng chè và khát khao giữ nghề bao đời của người dân nơi đây, bà Quỳnh đã dám đứng lên đầu tư, giữ lại vùng chè nguyên liệu, ngay chính thời điểm vùng chè này và các Hợp tác xã trồng chè có nguy cơ bị xóa sổ do giá chè xuống thấp.

Bằng sự quyết tâm của mình, người phụ nữ dân tộc Hoa đã bắt đầu đến từng nhà, thuyết phục từng hộ dân giữ lại diện tích chè đang có nguy cơ bị chặt bỏ, đến chạy vạy vay mượn tiền xây dựng nhà xưởng, thành lập công ty, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nghiên cứu các giống chè, cách thức chăm sóc, chế biến, xây dựng được thương hiệu và đứng vững trên thị trường, là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Bà Hà Ngọc Quỳnh, nữ doanh nhân cả đời gắn bó với vùng chè huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh
Bà Hà Ngọc Quỳnh, nữ doanh nhân cả đời gắn bó với vùng chè huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh

Nhờ đó, doanh nghiệp chè của bà Quỳnh đã giúp hàng ngàn hộ nông dân trồng chè trên địa bàn huyện Hải Hà tìm được chỗ dựa vững chắc từ cây chè, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 100 công nhân, trong đó có đến 50% số công nhân là người DTTS. Đồng thời hỗ trợ nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, cùng nhiều hoạt động từ thiện khác giúp người dân thay đổi cuộc sống.

Trong đội ngũ doanh nhân người DTTS, không thể không nhắc đến chàng trai dân tộc Tày Lưu Lập Đức, với mong muốn đồng hành với người nông dân tiếp cận nền “nông nghiệp thông minh”, đưa nông sản của đồng bào DTTS đến tay người tiêu dùng, đã từng vấp phải không ít sai lầm trong quá trình xây dựng doanh nghiệp của riêng mình.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm, tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm kiên trì, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Agri Đức Tiến, do anh làm Giám đốc đã trở thành nhà cung cấp rau, củ cho siêu thị Bách Hóa Xanh cùng nhiều chuỗi siêu thị lớn như Big C, CoopMart… tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam.

Đặc biệt, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, chàng trai người Tày đã chủ động, bình tĩnh tìm cách kết nối bán với giá bình ổn cho các đơn vị thuộc nhiều tỉnh, thành phố để hỗ trợ các vùng giãn cách xã hội, các bệnh viện; hỗ trợ rau cho “chuyến xe yêu thương” gửi tặng người dân vùng dịch. Nhờ đó, trong 3 tháng cao điểm chống dịch năm 2021, anh đã góp phần giải cứu hàng trăm tấn nông sản cho nông dân ở Đức Trọng (Lâm Đồng).

Đến nay, Công ty Agri Đức Tiến đang có hơn 60 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, cùng nhiều hộ liên kết là đồng bào DTTS tại địa phương, tạo thu nhập ổn định cho các hộ liên kết sản xuất. Đặc biệt, người doanh nhân dân tộc Tày này đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy, nhận thức và sẵn sàng thích ứng với “nông nghiệp thông minh” của người nông dân.

Doanh nhân Lưu Lập Đức trao đổi kinh nghiệm trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với nông dân
Doanh nhân Lưu Lập Đức trao đổi kinh nghiệm trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với nông dân

Bà Hà Ngọc Quỳnh, anh Lưu Lập Đức chỉ là hai trong số rất nhiều người DTTS nơi vùng cao, đang gánh trên vai trọng trách của một người chủ doanh nghiệp. Bằng sự kiên trì, quyết tâm cùng kiến thức quản trị doanh nghiệp và sự nhạy bén tìm hướng tiếp cận thị trường, nhiều doanh nhân là người DTTS đã tận dụng tối đa lợi thế vùng miền và những đặc trưng về văn hóa, tri thức độc đáo của dân tộc trong quá trình khởi nghiệp, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, thúc đẩy phát triển tại vùng sâu, vùng xa.

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân DTTS

Câu chuyện kinh doanh thành công của những doanh nhân DTTS đã và đang ngày càng khẳng định được vị thế và những đóng góp đáng kể của họ trong xã hội hôm nay.

Những doanh nhân DTTS còn góp phần tạo thu nhập, công ăn việc làm cho nhiều người dân, từ đó ổn định, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS. Đồng thời góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Đặc biệt, việc ngày càng có nhiều người DTTS trở thành chủ doanh nghiệp, đã cho thấy nhiều tiến bộ trong nếp nghĩ, tư duy của đồng bào. Nhìn vào thành quả của những doanh nghiệp, nhìn vào những đóng góp cho xã hội, cộng đồng của những doanh nhân DTTS, đã chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của các doanh nhân DTTS trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.

50% lao động tại Công ty TNHH Thuấn Quỳnh là người DTTS tại địa bàn và các huyện lân cận, có thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng
50% lao động tại Công ty TNHH Thuấn Quỳnh là người DTTS tại địa bàn và các huyện lân cận, có thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng

Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp, doanh nhân ở miền núi còn hạn chế do gặp nhiều khó khăn về khả năng tiếp cận thông tin, tìm kiếm thị trường, tiếp cận dịch vụ tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao…Do vậy, để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân là người DTTS nói riêng, cần triển khai những chính sách, giải pháp đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” ngày 10/10 mới đây, đã đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam như: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới…

Trong đó nhấn mạnh cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân DTTS, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…

Với những đóng góp cho kinh tế - xã hội, doanh nhân trẻ người Tày Lưu Lập Đức (thứ 2 từ trái qua) vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020
Với những đóng góp cho kinh tế - xã hội, doanh nhân trẻ người Tày Lưu Lập Đức (thứ 2 từ trái qua) vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020

Chính vì vậy, Nghị quyết 41 được đánh giá là món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân Việt Nam trong dịp “Tết doanh nhân” năm nay, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân là người DTTS nói riêng lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong, thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.