Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong ngăn chặn tảo hôn

Trí Phương - 18:05, 02/11/2023

Cùng với hệ thống chính trị, những năm qua, tổ chức Đoàn Thanh niên ở các địa phương đã tích cực vào cuộc với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.​

Huyện đoàn An Lão tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường PTDT Bán trú Đinh Ruối.
Huyện đoàn An Lão (Bình Định) tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường PTDT Bán trú Đinh Ruối.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, năm 2022, toàn tỉnh có 37 trường hợp tảo hôn; trong 6 tháng đầu năm 2023, ghi nhận 17 trường hợp. Nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền và phát huy vai trò của thanh niên trong truyền thông giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Theo đó, mô hình câu lạc bộ (CLB) Thanh niên nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) được Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú An Lão (huyện An Lão) và Ban Dân tộc tỉnh triển khai từ cuối tháng 5/2023, gồm 54 thành viên là Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh.

Đều đặn vào tuần thứ ba hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt với các chủ đề trọng tâm như: Tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; các hệ lụy của tảo hôn và HNCHT; chiếu phim và phóng sự, phát tờ rơi để có những hình ảnh, câu chuyện trực quan về tảo hôn giúp học sinh dễ hiểu, dễ nắm bắt…

Theo thầy Trần Văn Hải - Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm CLB, việc thành lập CLB rất phù hợp với thực tế của trường, bởi hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số, tính tình nhút nhát, ngại tâm sự, có rào cản lớn giữa thầy và trò.

“Sinh hoạt CLB, chúng tôi khuyến khích các em chia sẻ những câu chuyện mình từng chứng kiến về tảo hôn hoặc vướng mắc của bản thân để đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm giúp các em giải quyết vấn đề, thay đổi nhận thức, hành vi”, thầy Hải cho biết.

Em Đinh Thị Ly Nương (dân tộc H’re, học sinh lớp 9A3), cho biết, nội dung sinh hoạt của CLB rất thiết thực, bổ ích. “Chúng em hiểu rõ không được kết hôn sớm, phải cố gắng học tập để mai sau có cuộc sống tốt hơn”, em Nương chia sẻ.

Cũng trong tháng 5/2023, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp với Trường PTDT bán trú Canh Liên (huyện Vân Canh), Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) thành lập các CLB Thanh niên nói không với tảo hôn và HNCHT. Bước đầu, các CLB hoạt động hiệu quả, nhiều học sinh trở thành tuyên truyền viên tích cực chia sẻ kiến thức, từng bước làm thay đổi nhận thức của bạn bè, gia đình về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ TẢO HÔN- ĐÃ BT) Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong ngăn chặn tảo hôn 1

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống từng là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trước thực trạng này, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 191- KH/TU, ngày 18/4/2020 thí điểm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể, kết quả này có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ thanh niên, các tổ chức đoàn cơ sở. Nếu như năm 2019, toàn tỉnh có 277 trường hợp tảo hôn thì năm 2020 con số này đã giảm xuống còn 190 trường hợp, năm 2021 còn 102 trường hợp, 6 tháng đầu 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 55 trường hợp tảo hôn; không có hôn nhân cận huyết thống.

Nguyên nhân của tình trạng tảo hôn được xác định bắt nguồn từ tập tục lạc hậu, các gia đình thường muốn dựng vợ, gả chồng sớm cho con khi đang trong độ tuổi từ 15-16 để có thêm nhân lực phụ giúp việc nhà, lao động mưu sinh. Bên cạnh đó, tác động của nội dung xấu độc từ mạng internet, sự thiếu hụt kiến thức về sức khỏe sinh sản, pháp luật liên quan cũng dẫn tới việc mang thai ngoài ý muốn khiến không ít nữ sinh vùng cao phải nghỉ học, lấy chồng.

Nắm bắt được thực trạng nêu trên, nhiều năm qua, các cấp bộ Đoàn thanh niên cả nước nói chung, vùng sâu, vùng xa nói riêng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân và Gia đình.

Những năm qua, mô hình chi đoàn “Ba không” tại một số địa phương ở tỉnh Yên Bái đã phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn cấp xã trong việc đưa Luật Hôn nhân và Gia đình, hậu quả và tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào các chương trình tuyên truyền, góp phần dần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu.

Cụ thể, tùy theo mỗi đối tượng, tổ chức Đoàn lại có hình thức tuyên truyền phù hợp. Đối với đoàn viên, thanh thiếu niên khối học sinh, Đoàn các cấp ở địa phương phối hợp nhà trường tổ chức tuyên truyền thông qua những hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần. Đoàn viên, thanh niên sinh hoạt tại địa phương sẽ được tiếp cận Luật Hôn nhân và Gia đình từ những buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội. Tổ chức Đoàn cấp xã còn phối hợp chính quyền đến từng hộ gia đình để phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, đồng thời ngăn chặn kịp thời những trường hợp có ý định tảo hôn…

Từ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên mà nhiều năm lại đây tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang từng bước đẩy đẩy lùi.