Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phát huy giá trị Chiến thắng 30-4-1975 trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

PV - 12:13, 30/04/2021

46 năm trước, sau những ngày tiến công thần tốc, dũng mãnh chọc thủng những phòng tuyến cuối cùng của quân ngụy Sài Gòn, gần trưa ngày 30-4-1975, xe tăng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã húc đổ cổng dinh Độc Lập, bộ đội ta tiến vào sào huyệt của ngụy quyền Sài Gòn, buộc tổng thống ngụy Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các phải đầu hàng vô điều kiện.

 Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trường kỳ, gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của quân - dân ta giành thắng lợi hoàn toàn. Đất nước thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà.

46 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng 30-4-1975-mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người; luôn là niềm vinh dự, tự hào, động lực tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).

* * *

Đại thắng mùa Xuân 1975, là trang sử hào hùng, chiến công chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử nước ta như một trang sử chói lọi nhất của thế kỷ XX, mang tầm thời đại sâu sắc để lại cho dân tộc ta nhiều bài học quý giá.

Nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, thao lược và sáng tạo của Đảng; qua đó phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân đoàn kết, chiến đấu dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ cùng tập trung thực hiện một mục tiêu cao nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về sự kết hợp đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng: Sử dụng bạo lực cách mạng tổng hợp, cả lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang (LLVT); tiến hành khởi nghĩa từng phần từ nông thôn đến thành thị và từ khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao. Đó là bài học về sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh địch trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị); đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận); kết hợp cả ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích); sử dụng hiệu quả nghệ thuật tạo thời cơ và triệt để tận dụng thời cơ, mở những cuộc tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Kế thừa và phát huy giá trị to lớn, những bài học kinh nghiệm quý báu từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1).

Trong giai đoạn cách mạng mới, nước ta đang đứng trước thời cơ, thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức, nhất là đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố, tăng cường quốc phòng, BVTQ. Đó là, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển; tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là khủng bố, bạo loạn tiếp tục diễn biến phức tạp... Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột... Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và BVTQ. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại; các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.

Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) bảo đảm cho xe cơ giới đưa lực lượng vượt sông trong diễn tập PC-19. Ảnh: DUY THẮNG
Lữ đoàn Công binh 299 (Quân đoàn 1) bảo đảm cho xe cơ giới đưa lực lượng vượt sông trong diễn tập PC-19. Ảnh: DUY THẮNG

Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là: “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực QP, AN, xây dựng QĐND, Công an nhân dân (CAND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”(2).

Để thực hiện được phương hướng, nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi phải tăng cường đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Vận dụng những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp củng cố, tăng cường quốc phòng, xây dựng quân đội, BVTQ trong thời kỳ mới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Chủ động nghiên cứu, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính tiên quyết để giành thắng lợi trong sự nghiệp củng cố, tăng cường quốc phòng, xây dựng quân đội, BVTQ nói chung và xử lý các tình huống về quân sự, quốc phòng (QS, QP) nói riêng. Có nắm chắc tình hình, dự báo đúng thì mới làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định các chính sách, chiến lược về QS, QP, xây dựng quân đội, BVTQ phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn; bảo đảm giữ vững thế chủ động, có đối sách phù hợp xử lý thắng lợi các tình huống QS, QP, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

Vận dụng bài học nghiên cứu nắm chắc tình hình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trong điều kiện hoàn cảnh mới, toàn quân phải tập trung nghiên cứu, dự kiến các tình huống về QP, AN có thể xảy ra và thống nhất cách thức, biện pháp giải quyết, để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý thắng lợi, nhất là những tình huống đột xuất và ứng phó với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, những tình huống an ninh phi truyền thống mới nảy sinh, không để bị động, bất ngờ.

Để thực hiện tốt công tác này, phải đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ quan tham mưu chiến lược và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, nhạy bén, nắm chắc và làm chủ tình hình, kịp thời tham mưu, đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng CAND và các ban, bộ, ngành trong việc nghiên cứu, nhận định, phân tích, đánh giá, dự báo chính xác tình hình để thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ xã hội chủ nghĩa ngay trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược BVTQ; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các địa phương, địa bàn chiến lược và trong từng chương trình, kế hoạch cụ thể.

2. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, đặc biệt là thế trận lòng dân vững chắc

Đây chính là nền tảng quan trọng nhất để dân tộc ta giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng và trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, chiến tranh BVTQ nói chung, thể hiện rõ nét nghệ thuật phát huy sức mạnh nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận QPTD của Đảng ta. Thực tế cho thấy, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kẻ thù có sức mạnh vượt trội cả về kinh tế và quân sự so với ta; nhưng chúng ta đã huy động được sức dân, huy động mọi tiềm lực cho sự nghiệp kháng chiến để giành thắng lợi. Với tinh thần “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cả hậu phương lớn miền Bắc ra sức thi đua tập trung chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp đến mỗi nhà dân đều hướng lao động sản xuất vào phục vụ kháng chiến, vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu. Với sức mạnh vô địch của nền QPTD, thế trận QPTD, chúng ta đã mở những tuyến đường huyết mạch để vận chuyển chiến lược phục vụ giải phóng miền Nam, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, thế trận lòng dân vững chắc với sự đồng thuận, quyết tâm của nhân dân “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”...

Lực lượng công binh và tăng thiết giáp của Quân đoàn 2 trong diễn tập thực binh. Ảnh: LÊ NGỌC
Lực lượng công binh và tăng thiết giáp của Quân đoàn 2 trong diễn tập thực binh. Ảnh: LÊ NGỌC

Thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng và BVTQ của dân tộc ta đều dựa trên nền tảng của nền QPTD và thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân. Vì vậy, trong giai đoạn cách mạng mới, phải nâng cao nhận thức, việc xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài. Để thực hiện được chiến lược này, trước hết phải khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ; trong đó, coi trọng xây dựng và phát huy thế trận lòng dân để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được nhân dân đồng lòng ủng hộ; phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp vào xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD. Thường xuyên quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới”, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Chiến lược Quân sự Việt Nam; Chiến lược BVTQ trên không gian mạng; Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; về kết hợp QP, AN với kinh tế, kinh tế với QP, AN; về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới và các luật: Quốc phòng, Biên phòng Việt Nam, Dân quân tự vệ, Lực lượng Dự bị động viên. Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng và hoạt động của các khu vực phòng thủ trong thế bố trí chiến lược của cả nước. Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là dân quân biển, dân quân thường trực, dân quân cơ động và lực lượng động viên khẩn cấp. Tiếp tục xây dựng, phát huy hiệu quả các đoàn, khu kinh tế-quốc phòng ở vùng biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm, tạo thế trận, “phên dậu” vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ cả trước mắt và lâu dài.

Yêu cầu cơ bản có ý nghĩa quyết định của xây dựng sức mạnh quốc phòng, của thế trận lòng dân là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, chuẩn bị tốt mọi nguồn lực cho sự nghiệp quốc phòng, xây dựng quân đội, BVTQ. Khi đất nước hòa bình thì toàn dân hăng hái lao động sản xuất, mọi tổ chức và công dân đều có trách nhiệm xây dựng và BVTQ; nếu xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, tạo ra những “tấm lưới sắt”, “bức thành đồng”, “thiên la địa võng” đánh giặc, BVTQ. Ðó là sức mạnh của nền QPTD dưới sự lãnh đạo của Đảng.

3. Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống

Thực tế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cho thấy, các binh đoàn chủ lực hiện đại thực sự là lực lượng nòng cốt, những “quả đấm thép” làm quân địch choáng váng và nhanh chóng tan rã, góp phần quyết định cùng toàn dân ta giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kế thừa bài học kinh nghiệm xây dựng quân đội của Đảng, Đại hội XIII đã xác định: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại... Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Thực hiện chủ trương này, trước hết phải tập trung xây dựng quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; đồng thời phòng, chống âm mưu của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa quân đội”.

Để bảo đảm cho quân đội luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện đại, đòi hỏi chúng ta phải hiện đại hóa quân đội, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh và cơ động. Trước mắt, toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổ chức QĐND Việt Nam trong tình hình mới (giai đoạn 2020-2025), điều chỉnh tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh; cơ cấu đồng bộ, hợp lý; có giải pháp đột phá thu hút nhân lực chất lượng cao vào quân đội... Tập trung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kết luận số 16-KL/TW, ngày 7-7-2017 và Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-8-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị cho QĐND Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội; nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới theo Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18-01-2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012. Tăng cường huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến; coi trọng huấn luyện thực hành sát thực tế chiến đấu, huấn luyện thể lực gắn với rèn luyện sức cơ động, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, diễn tập chống khủng bố và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống... Coi trọng phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, từng bước đáp ứng nhu cầu vũ khí, trang thiết bị cho các lực lượng, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.

4. Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, gương mẫu đi đầu

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã chứng minh rất rõ trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng; Quân đội ta có sức mạnh quyết chiến, quyết thắng vì được đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Vì vậy, việc xây dựng tổ chức đảng trong quân đội vững mạnh có vị trí đặc biệt quan trọng, nhân tố có ý nghĩa quyết định bản chất cách mạng của QĐND Việt Nam, bảo đảm cho Quân đội ta luôn giữ vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và được xây dựng vững mạnh toàn diện.

Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, Đảng bộ Quân đội quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng quân đội, xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh; Các cấp ủy đảng trong toàn quân tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong quân đội; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới”. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng để các tổ chức đảng trong quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; bảo đảm cho Đảng bộ Quân đội luôn thống nhất về ý chí và hành động, luôn là lực lượng đi đầu trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, đòi “phi chính trị hóa quân đội" và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội; bảo đảm cho quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

5. Tích cực, chủ động trong đối ngoại quốc phòng, phục vụ xây dựng quân đội, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước ta đã kết hợp chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự với đấu tranh ngoại giao; xây dựng tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa Việt Nam-Lào-Campuchia, huy động được sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của bạn bè quốc tế để tạo sức mạnh tổng hợp giành chiến thắng.

Ngày nay, trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối ngoại càng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, BVTQ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Những năm qua, công tác đối ngoại quốc phòng đã có đóng góp to lớn, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước có giải pháp xử lý hiệu quả các mối quan hệ về QP, AN, đồng thời giúp quân đội tiếp thu khoa học, kinh nghiệm của các nước phục vụ xây dựng quân đội, xây dựng nền QPTD. Thời gian tới, để chủ động, linh hoạt trong đối ngoại quốc phòng phục vụ xây dựng quân đội, góp phần BVTQ từ sớm, từ xa, toàn quân phải quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về QP, AN theo tư duy mới về BVTQ; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định.

Trong điều kiện đối tượng, đối tác đan xen, công tác đối ngoại quốc phòng thực hiện nhất quán chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiên định mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; vận dụng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hợp tác song phương, nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN; cân bằng quan hệ với các nước lớn, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước có tiềm năng... Chú trọng tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo; tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Giữ vững định hướng chính trị, chủ động tham mưu các phương án đấu tranh ngoại giao hiệu quả, giảm căng thẳng, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc và tranh thủ tối đa mọi lợi thế phục vụ xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội ta.

* * *

Kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc, của quân đội để chúng ta thêm tự hào, từ đó nêu cao trách nhiệm phấn đấu phát huy giá trị, vận dụng hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, BVTQ trong thời kỳ mới; thiết thực góp phần xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh toàn diện, SSCĐ và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thượng tướng PHAN VĂN GIANG, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG, HN, 2021, tập 1, tr.104.

[2] Sđd, tập 2, tr.335-336.