Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phân định vùng DTTS và miền núi phù hợp giai đoạn mới: Nhìn từ tỉnh Hà Giang

Thanh Huyền - 20:42, 15/03/2020

Phân định vùng DTTS và miền núi là căn cứ quan trọng để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Từ thực tế tại tỉnh Hà Giang, việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển cho giai đoạn mới là cần thiết và phù hợp với thực tế, nhằm xây dựng, hoạch định chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong ảnh: Đồng bào DTTS huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đang chăm sóc hoa màu
Phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong ảnh: Đồng bào DTTS huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đang chăm sóc hoa màu

Xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh là một trong những xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh Hà Giang. Với tỷ lệ đồng bào DTTS trên 82%, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 40%. Theo Bí thư Đảng ủy xã Chúng Văn Tuyên, là xã ĐBKK, nên Lao Và Chải đã được thụ hưởng nhiều chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, đời sống người dân được cải thiện, kinh tế - xã hội của xã có bước phát triển. 

 Tuy vậy, theo ông Tuyên, so với mặt bằng chung, xã vẫn còn rất nhiều khó khăn, từ cơ sở hạ tầng đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt là vấn đề giải quyết đất sản xuất trong điều kiện địa hình vùng cao núi đá. 

Lao Và Chải chỉ là một ví dụ trong rất nhiều xã ĐBKK theo phân định vùng DTTS và miền núi thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Những khó khăn vẫn còn hiện hữu ở miền núi, vùng cao, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. 

Trước năm 2005, Hà Giang có 193 đơn vị cấp xã, trong đó có 15 xã vùng I, 46 xã vùng II, 131 xã vùng III. Dân số toàn tỉnh trên 65 vạn người. Đến giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh có 195 đơn vị cấp xã, trong đó có 16 xã vùng I, 45 xã vùng II, 134 xã vùng III. Dân số toàn tỉnh hiện nay trên 84 vạn người. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang là 26,73%. 

Ông Hoàng Đức Tiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Việc phân định thời gian qua còn nhiều bất cập, như tiêu chí xác định phân định vùng phát triển chủ yếu dựa vào tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo và điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Trong khi đó, còn có rất nhiều các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến xác định, phân định vùng DTTS, như: Điều kiện khí hậu, địa hình, tổng thu ngân sách hằng năm và nhận thức của người dân trên địa bàn các xã, thị trấn… 

Vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến đã có Báo cáo tóm tắt trình Chính phủ về Đề án “Tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025”. Để xác định tiêu chí phân định vùng, UBDT đề xuất lấy tỷ lệ đồng bào DTTS tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung cả nước làm cơ sở xác định địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng. 

Như vậy, vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn xã, thôn có tỷ lệ hộ DTTS từ 15% số hộ trở lên. Trong 5.266 xã vùng DTTS và miền núi hiện nay có 476 xã không có đồng bào DTTS sinh sống và 1.126 xã có rất ít đồng bào DTTS sinh sống (dưới 10%). Dự báo, số xã vùng DTTS và miền núi sẽ giảm 1.000 xã do không đạt tiêu chí về số lượng và tỷ lệ người DTTS. Số xã ĐBKK giảm dần 300 xã so với hiện nay. Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 đã cơ bản thống nhất với đề xuất của UBDT về Đề án phân định. 

 Có thể thấy, việc đưa tỷ lệ hộ DTTS vào tiêu chí phân định sẽ phản ánh thực chất hơn chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sẽ tạo điều kiện để tập trung nguồn lực vào các nơi thực sự khó khăn, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.