Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Phải hoàn thành việc di dời, sơ tán dân ngay trong đêm 11/9

T.Minh (t/h) - 19:59, 11/09/2021

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp, tại buổi họp trực tuyến với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, để triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với Bão số 5 (tên quốc tế là Conson) vào chiều tối 11/9.

Các lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân vận chuyển phương tiện lên bờ để trách Bão số 5
Các lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân vận chuyển phương tiện lên bờ để trách Bão số 5

Báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTT cho biết, các địa phương các địa hương trong vùng ảnh hưởng Bão số 5 (Quảng Trị đến Quảng Ngãi) dự kiến sơ tán 664.238 dân khu vực ven biển. Bên cạnh đó, các địa phương cũng rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng, cũng như các biện pháp y tế phù hợp để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bão số 5 sẽ gây mưa to đến rất to. Dự báo từ 11 - 13/9, lượng mưa từ Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200 - 300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm/đợt, Quảng Ngãi phổ biến 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Báo về về tình hình của tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Từ ngày 9 - 11/9, lãnh đạo tỉnh đã cắt cử các đoàn công tác kiểm tra nắm bắt tình hình PCTT, triển khai các phương án ứng phó với Bão số 5 tại các địa phương để không bị động, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chủ động ban hành các chỉ thị, công điện và các giải pháp ứng phó với thiên tai. Nhờ đó, đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành kêu gọi 100% tàu thuyền trong tỉnh về nơi tránh trú bão an toàn, kêu gọi 80 tàu thuyền ngoại tỉnh với 524 người vào neo đậu tránh, trú trên địa bàn tỉnh.

Các lực lượng chức năng tại các chốt liên ngành đã tiến hành kiểm tra y tế, test nhanh đối với các thuyền viên trên các tàu thuyền ngoại tỉnh theo đúng quy định về phòng chống Covid-19, lựa chọn các địa điểm sơ tán tránh trú bão tập trung dành riêng cho số thuyền viên này. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu, đến nay đã thu hoạch khoảng 85% diện tích. Tỉnh đã yêu cầu dừng thi công các dự điện gió ở khu vực phía Tây của tỉnh, thực hiện nghiêm công tác PCTT…

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị xuống các địa bàn ven biển chỉ đạo phòng chống Bão số 5
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị xuống các địa bàn ven biển chỉ đạo phòng chống Bão số 5

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT &TKCN, do ảnh hưởng của Bão số 5 gây mưa lớn trong những ngày qua đã làm sạt lở, cuốn trôi hệ thống cống tràn Sê Pu tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa làm ách tắc giao thông. Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa bị gãy và cuốn trôi, khoảng 450ha lúa trên địa bàn huyện Vĩnh Linh bị gãy, đổ. Các địa phương và lực lượng chức năng đã tổ chức khắc phục tạm thời hệ thống cống tràn Sê Pu, khắc phục ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi để phục vụ người dân đi lại.

Tại Thừa Thiên Huế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, toàn tỉnh có 591 phương tiện tàu thuyền khai thác biển; tàu thuyền cỡ nhỏ từ 6 - 12m còn khoảng 5.000 chiếc. Hiện nay, tất cả các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã vào trú tránh an toàn. Riêng 54 phương tiện/316 lao động ngoại tỉnh đang neo đậu tại Thuận An, địa phương đã bố trí địa điểm sơ tán bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh đã gieo cấy 25.531ha lúa, đến nay thu hoạch 24.790,4 ha, còn lại 740,9 ha chủ yếu ở vùng cao.

Công an xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) cùng cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chủ quan với Bão số 5
Công an xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) cùng cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chủ quan với Bão số 5

Tỉnh triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là phương án sơ tán dân an toàn trong thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và bảo đảm phòng, chống dịch tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly. Theo đó, UBND các huyện, thị xã và TP. Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn, với 18.713 hộ và 64.743 khẩu.

Sở Công Thương đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ PCTT với số lượng 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm bảo đảm 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

Tại TP. Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thông tin, để ứng phó với bão, Thành phố đã kêu gọi, hướng dẫn và đưa tất cả các tàu, thuyền đến nơi trú bão an toàn. Dù Thành phố đang đóng âu thuyền Thọ Quang để phòng, chống Covid-19 nhưng vẫn đón 314 tàu cá ngoại tỉnh với 849 ngư dân vào trú bão tại khu vực riêng để bảo đảm an toàn.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh (phải) kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại đập dâng An Trạch
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh (phải) kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại đập dâng An Trạch

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập úng, các công trình trọng điểm... Đồng thời, cũng đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để khi cần thiết có thể di dời 39.000 người ở các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, nhà ở không an toàn... về nơi trú ẩn an toàn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch...

Tại Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện tại, Quảng Nam đã sắp xếp các khu ở tạm cho ngư dân các nơi vào trú tránh. “Địa phương bố trí chỗ ở riêng biệt cho ngư dân ngoại tỉnh cách ly cho đến lúc hết bão để họ tiếp tục ra khơi. Nếu ngư dân ở lại nhiều ngày sẽ được triển khai xét nghiệm Covid-19”, ông Hồ Quang Bửu cho biết.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Tam Quang
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường kiểm tra công tác phòng chống bão tại xã Tam Quang

Được biết, từ 17 giờ ngày 10/9, Quảng Nam cũng cấm mọi hoạt động trên biển. Tất cả chủ tàu và ngư dân đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tránh trú an toàn.

Đối với Quảng Ngãi, để chủ động ứng phó với Bão số 5, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị và lực lượng liên quan tập trung hướng dẫn, kêu gọi tất cả tàu thuyền hoạt động trên biển di chuyển vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn; tổ chức lực lượng và hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền, lồng bè bảo đảm an toàn, tránh va đập; không để người ở lại trên các tàu, thuyền, lồng bè... Lực lượng y tế sẵn sàng cơ số thuốc, đội ngũ y, bác sĩ để phục vụ phòng, chống Bão số 5 và dịch Covid-19. Riêng tại huyện Lý Sơn, đã di dời, sơ tán 145 hộ/ 375 khẩu, di chuyển 51 lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác kêu gọi ngư dân của 20 tàu cá đang neo tại Cảng Dung Quất vào nơi tránh trú an toàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác kêu gọi ngư dân của 20 tàu cá đang neo tại Cảng Dung Quất vào nơi tránh trú an toàn

Liên quan đến tàu cá của ngư dân Dương Văn Thạch, xã Bình Châu (Bình Sơn) bị chết máy, phá nước cách huyện đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý (có 5 thuyền viên) và sà lan T03 (12 thành viên) do ông Nguyễn Dũng (1964), ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) làm thuyền trưởng bị quấn chân vịt, trôi ra biển, UBND tỉnh đã báo cáo với cơ quan chức năng.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với bão và mưa lớn; khẩn trương hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân vùng ảnh hưởng của Bão số 5 ngay trong đêm 11/9 và ưu tiên bố trí dân dạng xen ghép, hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Quan tâm tiếp nhận tàu cá và bố trí ngư dân vào nơi tránh trú an toàn, gắn với tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương rà soát và triển khai ngay phương án ứng phó với ngập lụt và sạt lở đất.../.