Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ông Lỳ Nỏ Pó - Người có uy tín triệu phú vùng biên

Phương Linh - 07:34, 28/11/2023

Thời gian qua, trên địa bàn xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện các điển hình về sự cần cù lao động, sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu cho gia đình. Không những vậy, họ còn tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các hộ gia đình khác trong địa bàn tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo... Gia đình ông Lỳ Nỏ Pó, 57 tuổi, dân tộc Mông, cư trú tại bản Na Niếng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là một điển hình.

Đàn gia súc của gia đình ông Lỳ Nỏ Pó nhờ được chăn nuôi tốt, hằng năm xuất bán mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng
Đàn gia súc của gia đình ông Lỳ Nỏ Pó nhờ được chăn nuôi tốt, hằng năm xuất bán mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng

Theo chân các cán bộ xã Tri Lễ lên khu vực chăn thả gia súc của gia đình ông Lỳ Nỏ Pó tại bản Pà Khốm, chúng tôi thấy hàng trăm con trâu, bò, ngựa đang thong thả gặm cỏ trong khu vực đã được rào dậu. Ông Lỳ Nỏ Pó cho biết, việc rào dậu khu vực chăn nuôi để tránh tình trạng gia súc ra ngoài phá hoại ruộng rẫy của các gia đình khác và còn có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài lây nhiễm cho đàn gia súc, vật nuôi...

“Trước đây, dân tộc Mông chỉ hái lượm, săn bắt thú rừng, phát nương làm rẫy, sống du canh, du cư cuộc sống nay đây, mai đó. Nhiều hộ gia đình phải ăn củ mài, củ sắn, rau rừng qua bữa. Bà con người Mông sống rất khổ cực, ít người được đi học. Người dân đi đến đâu thì phát rừng, đốt nương làm rẫy đến đó, rừng thì càng ngày càng ít dần. Cứ đốt rừng làm rẫy mãi rồi rừng cũng hết và Nhà nước đã cấm, ta đốt rừng làm rẫy sẽ vi phạm pháp luật. Từ đó, gia đình ta (tôi) bắt tay vào khai hoang mở rộng diện tích đất đồi núi trọc khoanh nuôi, chăn nuôi theo tập quán đồng bào Mông, nhận khoán rừng Nhà nước giao để bảo vệ”, ông Lỳ Nỏ Pó nhớ lại.

Vào năm 2005, gia đình ông Pó khai hoang diện tích đất trống để trồng lúa nước tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ. Trồng lúa nước thì phải có nước, cả gia đình đã đào mương dẫn nước về ruộng lúa nước cấy được 2 vụ/năm. Bước đầu, còn gặp nhiều khó khăn về giống, kỹ thuật. Nhưng được sự đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Chính phủ và chính quyền địa phương, ông Pó được tham gia tập huấn cách chăm sóc, kỹ thuật phòng chống sâu bệnh, theo đó năng suất lúa nước của gia đình đạt từ 45 - 47 tạ/ha, đem lại thu nhập khoảng 25 - 27 triệu đồng mỗi năm. Hiện, gia đình ông Pó đang khai hoang, trồng thêm các loại cây cho củ, quả và 200 gốc cây Chanh leo, đến nay đã cho thu hoạch.

Ông Lỳ Nỏ Pó (bên phải) trong khu vực chăn nuôi đại gia súc của gia đình
Ông Lỳ Nỏ Pó (bên phải) trong khu vực chăn nuôi đại gia súc của gia đình

Ông Lỳ Nỏ Pó nhận thấy khu vực đồi núi thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi nên đã bàn với vợ con khoanh và làm rào chắn tại các vị trí trâu, bò, ngựa ra, vào để thực hiện phương án chăn nuôi gia súc sinh sản trên diện tích 12 ha. Khu vực này vừa để chăn nuôi, vừa là diện tích trồng cỏ, cây, đảm bảo thức ăn cho gia súc. Hiện, tổng đàn trâu, bò, ngựa của gia đình ông lên đến hơn100 con, mỗi năm gia đình xuất bán từ 15 - 20 con trâu, bò, ngựa, đem lại thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình còn thu được từ 20 - 30 triệu đồng tiền bán măng đắng, tre, quả bo bo, hạt sa nhân và các loại lâm sản phụ khác ngoài gỗ.

Khi đã có đủ cái ăn, cái mặc, gia đình ông Lỳ Nỏ Pó hướng tới việc hỗ trợ và giúp đỡ bà con còn khó khăn trong địa bàn. Ông đã vận động hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo từ khâu lựa chọn đất hoang để khoanh vùng chăn nuôi đến chọn giống cây, con có năng suất cao để tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Cụ thể, ông đã giúp đỡ được 15 hộ gia đình nghèo; cho 7 hộ vay với số tiền 15 triệu đồng/hộ, không lấy lãi; 6 hộ vay 8 tạ thóc. Bên cạnh đó còn cho bà con mượn giống trâu, bò chăn nuôi đến khi sinh sản mới thu lại con giống. Ông vận động các hộ gia đình tập trung bảo vệ cây, con giống; cho các hộ vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển sản xuất, chăn nuôi; hướng dẫn bà con cách tiêm phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Ngoài ra, gia đình còn ủng hộ 15 triệu đồng hỗ trợ thôn, bản làm đường giao thông; vận động con cháu trong dòng họ chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và không di dịch cư tự do...

Trang trại ông Lỳ Nỏ Pó thường xuyên được người dân trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm lao động sản xuất
Trang trại ông Lỳ Nỏ Pó thường xuyên được người dân trên địa bàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm lao động sản xuất

Ông Vi Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Không những lao động sản xuất giỏi, gia đình ông Lỳ Nỏ Pó còn giúp đỡ được 6 hộ gia đình thoát nghèo, trong đó có 2 hộ gia đình thoát nghèo vươn lên thành hộ khá, 5 hộ đã xóa được đói. Các hộ gia đình được gia đình ông Pó giúp đỡ đã cố gắng vươn lên, biết tận dụng những chỗ đất bằng, đồi núi để thực hiện mô hình sản xuất, chăn nuôi của hộ gia đình. Ngoài ra, ông Pó cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động; tạo thêm việc làm và thu nhập cho hơn 30 lao động thời vụ khác… Ông Pó cũng là Người có uy tín của xã Tri Lễ.

Ông Lỳ Nỏ Pó chia sẻ những kinh nghiệm “gan ruột” trong lao động sản xuất: Trước hết bản thân phải có ý chí muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và địa phương, phải định cư ổn định, không có tư tưởng nay đây, mai đó, từ đó vạch ra hướng đi cho riêng mình. Không được nản chí với những khó khăn, thách thức; phải kiên trì, phải chịu khó hơn chịu khổ. Trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thì phải chọn được con, cây phù hợp với thời tiết, khí hậu; đồng thời dám nghĩ thì phải dám làm.

Để có kiến thức trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phải đăng ký tham gia các lớp tập huấn tại địa phương, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ những người đi trước thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao. Cần phải dự trữ thức ăn cho trâu, bò, ngựa vào mùa Đông lạnh giá như: ngô, sắn, rơm, cỏ khô… quan tâm chống rét trâu, bò, ngựa và các loại vật nuôi, cây trồng. Chọn cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi đúng thời gian, thời vụ, phòng trừ dịch bệnh kịp thời. Cần phải chia tách vật nuôi khi có dịch bệnh; chú trọng việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm không để dịch lây lan nhanh, gây thiệt thiệt hại cho gia đình và cộng đồng.

“Gia đình đang có kế hoạch mở rộng diện tích để trồng thêm cỏ, ngô, sắn, đảm bảo về thức ăn tự nhiên cho trâu, bò, ngựa và đàn gia cầm. Khai hoang diện tích lúa nước và trồng thêm các loại cây ăn quả có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ. Đồng thời sẽ thí điểm nhân giống bò Mông, để bảo tồn được giống bò Mông bản địa”, ông Lỳ Nỏ Pó cho biết thêm.