Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa: “Các cấp ngành phải cùng vào cuộc trong phòng chống tảo hôn…”

PV - 08:23, 04/10/2018

Trao đổi với PV Báo Dân tộc và Phát triển về công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực thực hiện Đề án phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (giai đoạn 2015-2020), qua đó, giúp cho tình trạng này giảm hẳn. So với trước khi thực hiện đề án huyện Lang Chánh giảm 2,22% tỷ lệ tảo hôn (từ 6,68% xuống còn 4,46%); huyện Ngọc Lặc giảm 5,59% (từ 9,89% giảm xuống còn 5,59%)…; tình trạng hôn nhân cận huyết thống chỉ còn xảy ra với số lượng rất ít trên địa bàn vùng sâu, vùng xa ở một số huyện vùng cao biên giới.

Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Để có được kết quả này, thời gian vừa qua, cán bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã bàn bạc vận dụng chính sách của Trung ương một cách phù hợp. Cụ thể, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt “Đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, Ban Dân tộc Thanh Hóa đã chủ động đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nội dung phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết từ cuối năm 2014.

Sau khi có Đề án của Chính phủ, Ban Dân tộc Thanh Hóa có thêm “cây gậy” để chỉ đạo điều hành phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nhằm thực hiện tốt Đề án này, tỉnh Thanh Hóa vận dụng một cách linh hoạt. Theo đó ở Thanh Hóa, cấp tỉnh, cấp huyện và xã không thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết. UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc là cơ quan đầu mối cấp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án.

Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, tổ chức, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, theo định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chỉ đạo và lồng ghép tuyên truyền thực hiện cùng với chương trình kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Qua quá trình thực hiện công tác giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chúng tôi rút ra được nhiều bài học quý báu. Trước tiên, cần tranh thủ ý kiến chỉ đạo và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, mà trực tiếp là UBND tỉnh đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện phải có sự quan tâm phối hợp, thường xuyên, liên tục để triển khai thực hiện Đề án của các ngành từ tỉnh đến xã. Đặc biệt, phát huy vai trò của cán bộ, Người có uy tín và các tổ chức đoàn thể tại thôn bản trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện, phát hiện các trường hợp vi phạm nảy sinh trong quá trình thực hiện các quy định về hôn nhân và gia đình, trong vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tuyên truyền phòng chống tảo hôn cần đa dạng các hình thức, dễ hiểu, gần gũi và đúng với tâm lý, truyền thống và trình độ nhận thức của người DTTS. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tích cực huy động trẻ em đến lớp, bảo đảm 100% trẻ em được phổ cập tiểu học và phổ cập trung học cơ sở, thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề. Đưa các nội dung hướng nghiệp dạy nghề vào nội dung giảng dạy cho học sinh, đặc biệt hướng tới các nghề mà địa bàn huyện đang còn thiếu.

HIẾU THẢO ( T/h )