Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ông K’ Bé- Người góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Cơ Ho

Đăng Diện - 04:53, 21/11/2023

“Từ trước đến nay, trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản luôn có vị trí quan trọng. Người có uy tín phải luôn ý thức cao vai trò, trách nhiệm của mình, gương mẫu đi đầu trong mọi việc để được tôn trọng, tín nhiệm”, đó là chia sẻ của ông ông K’Bé, Người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Ông K’Bé- Người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình.
Ông K’Bé- Người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình.

Chúng tôi gặp ông K’Bé (SN 1958), Người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình trong dịp ông tham gia Hội nghị cung cấp thông tin cho Người có uy tín do Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận tổ chức tại thành phố Phan Thiết. Dáng người thấp, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ông K’Bé cho biết, trước đây, ông từng tham gia công tác lãnh đạo, quản lí địa phương (là Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã). Nhận thấy nguy cơ bản sắc văn hóa của dân tộc ngày càng mai một, ông rất trăn trở, tìm mọi cách để bảo tồn.

Ngay từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, nhận thấy yếu tố tạo ra sự chậm trễ, làm cản trở phát triển của địa phương, đó là trình độ dân trí còn thấp, phương thức sản xuất lạc hậu, những hủ tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại đã làm cho đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Do đó, đi đôi với việc phát triển kinh tế để ổn định đời sống, ông K’Bé đã quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ” xóa nạn mù chữ của nhà nước.

Từ ngày đầu giải phóng với phong trào “người người đi học, nhà nhà đi học, người biết chữ dạy người không biết chữ”, ông K’Bé đã trực tiếp làm công tác giảng dạy cho bà con, vận động bà con đi học bằng nhiều hình thức như: học tại lớp, học tại nhà, học tại nương rẫy. Kết quả, năm 1980, xã Phan Sơn đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ Đơn vị xóa mù chữ trước thời hạn. Bản thân ông K’Bé cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bút tích của Hồ Chủ tịch với dòng chữ “Tặng chiến sĩ diệt dốt”.

Phát huy truyền thống đó, đến nay cán bộ và nhân dân xã Phan Sơn luôn coi việc học tập nâng cao tri thức là việc làm bắt buộc để bản thân, gia đình, xã hội tiếp cận được với sự phát triển của xã hội, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định, tạo ra nguồn nhân lực tại chỗ để lãnh đạo, quản lí địa phương.

Truyền dạy nghệ thuật sử dụng các thiết chế văn hóa dân tộc (Ảnh TL)
Truyền dạy nghệ thuật sử dụng các nhạc cụ dân tộc (Ảnh TL)

Nhận thấy một số di sản văn hóa của dân tộc Cơ Ho xã Phan Sơn cơ nguy cơ mai một, ông K’Bé đã tập hợp già làng, trưởng bản, các nghệ nhân Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc chọn một số lễ hội tiêu biểu của địa phương để tái tạo, phục dựng lại. Tieu biểu như: Phục dựng Lễ Hội Yô Vrê R’ Hê (lễ cúng thần lúa), đây là lễ hội lớn nhất của của người Cơ Ho. Lễ hội mồm các công đoạn như: giã gạo, lấy nước, dựng cây nêu và cúng tế thần lúa để cho một mùa bội thu, dân làng ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội đâm trâu cũng là một lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Cơ Ho trong các dịp cúng làng mới, cúng cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân làng khỏe mạnh, đoàn kết phát triển. Mới đây, nhân Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc huyện Bắc Bình được tổ chức đúng vào dịp Kỷ niệm 40 năm tái thành lập huyện (1/6/1993 – 1/6/2023), ông K’Bé đã vận động già làng và các nghệ nhân phục dựng lại lễ hội này gồm các trình tự của một lễ hội đâm trâu như làm cây nêu, cột đâm trâu (không đâm trâu thật). 

Trước tình trạng số nghệ nhân đánh cồng chiêng và những bộ cồng chiêng còn rất ít, ông đã đề xuất với lãnh đạo địa phương mời nghệ nhân cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng về giảng dạy và hướng dẫn cho người dân xã Phan Sơn biết đánh cồng chiêng, đầu tư mua sắm lại cồng chiêng (Cing Vrom) và các trang phục dân tộc để phục vụ cho đội cồng chiêng hoạt động.

Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, ông K’Bé còn tiên phong tuyên truyền, vận động bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan phản khoa học; vận động đồng bào thực hiện tốt nếp sống văn hóa, cưỡng hôn, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bỏ hủ tục thách cưới nặng nề trong đám cưới để không còn gây khó khăn cho nhiều gia đình và cặp vợ chồng.

Với những thành tích đạt được, Ông K’Bé vinh dự được chọn là đại biểu của tỉnh Bình Thuận đi dự Hội nghị tuyêndương Người có uy tín điển hình tiên tiến toàn quốc do Ủy ban Dân tộc tổ chức vào cuối năm 2023 này.