Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nuôi bò sữa để làm giàu

Phương Nghi - 21:50, 21/04/2023

Những năm gần đây, nuôi bò sữa là một trong những mô hình giảm nghèo thành công của đồng bào Khmer huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Nhờ mô hình này mà nhiều hộ thoát nghèo nhanh và vươn lên làm giàu.

Cựu chiến binh Trần Văn Chiến ở ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) đang chăm sóc đàn bò của gia đình.
Cựu chiến binh Trần Văn Chiến ở ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Tiên phong trong phong trào nuôi bò sữa của xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) phải kể đến Cựu chiến binh Trần Văn Chiến (dân tộc Khmer) thành viên Tổ hợp tác nuôi bò sữa ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An. Bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2009, ban đầu chủ yếu chăn nuôi theo tập quán cũ, không nắm vững kỹ thuật nên đàn bò của gia đình anh thường xuyên mắc bệnh, thiếu chất dinh dưỡng, cho năng suất và chất lượng sữa thấp.

Năm 2015, khi Dự án phát triển và chăn nuôi bò sữa của tỉnh Sóc Trăng được triển khai, Cựu chiến binh Trần Văn Chiến tham gia dự án và được hỗ trợ bò giống F1, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng... Mới đầu anh mua 2 con giống F1, mỗi con 25 triệu đồng, với sự ham học hỏi cùng với kinh nghiệm tích lũy được, mô hình sản xuất nuôi bò sữa của anh đạt được những bước phát triển mạnh mẽ.

Để có nguồn thức ăn cho bò sữa, anh Chiến đã chủ động trồng cỏ trên diện tích 2 công, chủ yếu giống cỏ voi sinh trưởng, phát triển nhanh và cho năng suất cao. Nói về hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi bò sữa, anh Chiến phấn khởi nói: “Bò thường hay mắc bệnh lở mồm long móng, khi nuôi lâu năm và phối giống qua nhiều lần thì kém hiệu quả. Vì vậy tôi phải chọn giống tốt để nuôi, phải chăm sóc đúng kỹ thuật để đàn bò phát triển tốt và cho năng suất sữa cao. Hiện nay giá sữa tăng cao và không còn bấp bênh như những năm trước. Với mức giá này, đàn bò sữa cho thu nhập gần 5 triệu đồng/tuần sau khi trừ chi phí, một con số không nhỏ ở vùng nông thôn này”.

Nông thôn Thạnh Thới An đã có nhiều khởi sắc nhờ các mô hình kinh tế.
Nông thôn Thạnh Thới An đã có nhiều khởi sắc nhờ các mô hình kinh tế

Để chăn nuôi bò sữa thành công, điều quan trọng là con giống tốt, chuồng trại phù hợp, nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng. Đó cũng chính là lý do giúp anh Chiến thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa. Đến nay, anh đã phát triển đàn bò được 12 con, trong đó có 6 con đang cho sữa khoảng 80 kg/ngày, với giá bán 14.000 đồng/kg cho Hợp tác xã Evergrowth.

Không chỉ làm giàu từ nuôi bò sữa mà anh Chiến còn là hộ đi đầu trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng lúa nên năng suất luôn đạt cao. Hiện gia đình anh đang sở hữu 8 công đất trồng lúa, 2 công đất trồng cỏ nuôi bò, thu nhập bình quân trên 250 triệu đồng/năm. Nhờ sự mạnh dạn trong sản xuất và chăn nuôi mà gia đình anh Chiến có nguồn thu ổn định, cuộc sống khá lên.

Ông Nguyễn Hoàng Kha - Chủ tịch xã Thạnh Thới An nói: “Anh Trần Văn Chiến là Cựu chiến binh Khmer đi đầu trong mô hình nuôi bò sữa ở địa phương, là một trong những hội viên tiêu biểu của xã, anh rất chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Mô hình nuôi bò sữa của gia đình anh đang được người dân trong xã học hỏi và nhân rộng. Sắp tới, xã phối hợp với Trạm khuyến nông quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo bò sữa để nâng cao tỷ lệ đậu thai. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn thành viên Tổ hợp tác nuôi bò sữa ấp An Hòa và người dân cách chăn nuôi bò để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đặc biệt là khắc phục bệnh sinh sản trên bò…”.