Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nước Mỹ có Tổng thống mới

PV - 10:00, 21/01/2021

Sau những diễn biến khó đoán định tới tận phút chót, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã khép lại bằng lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden và “phó tướng” Kamala Harris tại phía Tây Tòa nhà Quốc hội, thủ đô Washington vào đêm 20, rạng sáng 21/1 (theo giờ Việt Nam).

Tân Tổng thống Joe Biden phát biểu nhậm chức. Ảnh: Reuters
Tân Tổng thống Joe Biden phát biểu nhậm chức. Ảnh: Reuters

Lễ nhậm chức khác biệt trong lịch sử

Ở tuổi 78, ông Joe Biden đã đi vào lịch sử là Tổng thống cao tuổi nhất của nước Mỹ. Còn bà Harris cũng được biết đến là người phụ nữ, người da màu, người Nam Á đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống trong chính quyền Mỹ.

Trước lo ngại về nguy cơ kép từ đại dịch COVID-19 và bất ổn sau cuộc bạo loạn ngày 6/1, lễ nhậm chức năm nay diễn ra với nhiều nghi thức trang trọng, song cũng được đánh giá là đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi số người tham dự bị hạn chế. Điện Capitol được bảo vệ như một pháo đài, công viên National Mall - nơi hàng trăm nghìn người thường chào đón lễ nhậm chức cũng bị phong tỏa. Đại lộ Pennsylvania, nơi tân Tổng thống và Đệ nhất phu nhân sẽ diễu hành đến Nhà Trắng cũng được áp dụng biện pháp tương tự.

Buổi lễ với chủ đề “Nước Mỹ thống nhất” phần nào phản ánh vấn đề trọng tâm trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden và cấp phó Kalama Harris, đồng thời phản ánh sự khởi đầu của một hành trình quốc gia mới để xây dựng nước Mỹ, gắn kết đất nước, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức Tổng thống khẳng định ưu tiên hàng đầu của buổi lễ là đảm bảo an toàn trong khi vẫn tôn vinh những giá trị truyền thống và thu hút sự chú ý của người dân trên khắp đất nước. Điểm nhấn của các lễ nhậm chức theo truyền thống là sự reo hò, cổ vũ của đám đông ủng hộ Tổng thống đắc cử mang theo quốc kỳ, đến từ khắp mọi miền đất nước. Do tình hình thực tế, lễ nhậm chức năm nay vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống song lại có nét thay đổi. Người ủng hộ bị hạn chế tham dự sự kiện năm nay do COVID-19, thay vào đó, là khoảng 200.000 lá quốc kỳ tượng trưng cho người dân 56 bang và các vùng lãnh thổ của Mỹ được xếp ngay ngắn tại khu vực diễn ra lễ nhậm chức.

Thay cho lễ diễu hành truyền thống, một lễ diễu hành ảo của 50 bang trên nước Mỹ được phát trên truyền hình toàn quốc, bao gồm các màn trình diễn nhằm tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, thể hiện sự đa dạng, di sản và sức mạnh của nước Mỹ bước vào kỷ nguyên mới.

Do đại dịch COVID-19, số người tham dự buổi lễ tại điện Capitol cũng bị hạn chế và tất cả đều đeo khẩu trang. Có khoảng 1.000 khách tham dự, phần lớn trong số đó là thành viên của Quốc hội và khách mời. Con số này ít hơn nhiều so với các buổi lễ nhậm chức của các Tổng thống trước đó khi có khoảng hơn 200.000 vé mời được phát ra, chưa kể vé được gửi cho các cử tri. Ba trong số 4 cựu Tổng thống gần đây là: Barack Obama, George W.Bush và Bill Clinton cùng các cựu Đệ nhất phu nhân đã đến dự. Phó Tổng thống vừa mãn nhiệm Mike Pence cũng tham dự sự kiện này sau khi không đến dự lễ từ biệt trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump tại Sân bay quân sự Andrews. Trước đó 3 giờ đồng hồ, ông Donal Trump đã rời Nhà Trắng, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sau hơn 150 năm, không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Lễ nhậm chức của tổng thống thường đi cùng các kế hoạch an ninh chi tiết. Tuy nhiên, tình hình năm nay đã có nhiều thay đổi và phức tạp hơn từ sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1. Thị trưởng Muriel Bowser đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Washington và lệnh này sẽ duy trì cho đến khi lễ nhậm chức kết thúc. Bộ An ninh nội địa nâng mức cảnh báo cho lễ nhậm chức, trong khi sở Mật vụ là cơ quan điều phối chính trong kế hoạch an ninh, với sự hỗ trợ của khoảng 25.000 Vệ binh quốc gia.

Tới tham dự lễ nhậm chức của ông J.Biden và bà Harris trong một ngày trời đầy nắng, nhiều thành viên Quốc hội đã tỏ rõ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của bộ máy chính quyền mới. Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eric Swalwell đã phát biểu trước các phóng viên rằng, cho dù tiến trình chuyển giao quyền lực không diễn ra suôn sẻ, song ngày hôm nay là thời khắc của "sự đổi mới". Bà Karen Bass - một thành viên khác của đảng Dân chủ cũng tin tưởng rằng, lễ nhậm chức ngày hôm nay đã đặt dấu chấm hết cho sự chia rẽ đất nước, phân biệt chủng tộc... Đây là thời khắc có nhiều ý nghĩa với cá nhân bà và mở ra tương lai hàn gắn đất nước.

Chỉ vài giờ trước khi ông J.Biden nhậm chức, cựu Tổng thống Mỹ B.Obama đã viết trên Twitter rằng "Chúc mừng người bạn của tôi. Giờ là thời khắc của ông". Bà Hillary Clinton - cựu Ngoại trưởng Mỹ, ứng cử viên đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 khẳng định "ông J.Biden sinh ra là để dành cho thời khắc này". Cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định bà rất vui mừng và vinh dự khi được tham gia lễ nhậm chức.

Ông J.Biden cam kết trở thành Tổng thống của mọi người dân Mỹ

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài diễn văn sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol, trong đó cam kết ông sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ và kêu gọi mọi người đoàn kết. Ông cam kết sẽ nỗ lực hết mình vì tất cả những người không và đã ủng hộ ông. Ông gửi lời chia sẻ đến những người phản đối, không đồng tình với ông rằng hãy lắng nghe bản thân ông và sự chân thành của ông. Họ có quyền bất đồng với ông nhưng sự bất đồng ấy không được gây chia rẽ đoàn kết quốc gia. Ông J.Biden cũng cam kết ông sẽ là tổng thống đại diện cho tất cả người dân, không loại trừ phe phái nào.

"Chính trị không cần phải trở thành một ngọn lửa cuốn đi mọi thứ trên đường đi của nó. Nước Mỹ cần phải trở nên tốt đẹp hơn như thế này" - ông J.Biden nói.

Trong bài phát biểu, ông J.Biden khẳng định: "Đây là ngày dân chủ, ngày của lịch sử và hy vọng, của sự đổi mới và quyết tâm", đồng thời cho rằng nước Mỹ đã bị thử thách một lần nữa và đã vươn lên để vượt qua thử thách. Tân Tổng thống Mỹ cho rằng sự nghiệp dân chủ được tôn vinh và ý chí của người dân đã được lắng nghe và chú ý. Ngoài ra, ông Biden cũng nhấn mạnh những khó khăn mà nước Mỹ đang phải đối mặt là mang tính lịch sử khi cảnh báo về mùa Đông hiểm họa bởi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra và khiến số người Mỹ thiệt mạng nhiều hơn cả trong Thế chiến thứ nhất.

Ông Joe Biden cam kết sẽ nỗ lực khôi phục mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, cũng như củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington sau 4 năm thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" dưới thời người tiền nhiệm D. Trump. "Chúng ta sẽ khôi phục các liên minh của chúng ta và gắn kết trở lại với thế giới, không phải chỉ để giải quyết những thách thức của ngày hôm qua, mà là thách thức của ngày hôm nay và ngày mai… Chúng ta sẽ lãnh đạo không chỉ đơn thuần bằng hình mẫu của sức mạnh chúng ta mà còn bằng sức mạnh của hình mẫu chúng ta. Chúng ta sẽ trở thành một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy vì hòa bình, tiến bộ và an ninh" - ông J.Biden nói, đồng thời cam kết sẽ dồn "cả tâm trí" của bản thân để mang lại sự đoàn kết và thống nhất cho một nước Mỹ đang bị chia rẽ.

Tôi kêu gọi mọi người hãy tận dụng sức mạnh đó bởi thời gian tới sẽ là giai đoạn nhiều thử thách và chông gai và chúng ta phải hết sức nỗ lực để xây dựng lại, làm lành lại và hàn gắn lại" - ông J.Biden nói.

Theo ông J.Biden, một số vấn đề cấp bách mà chính quyền mới sẽ tìm cách giải quyết trong bốn năm sắp tới bao gồm: Xung đột sắc tộc, phân cực chính trị, bảo vệ môi trường và chủ nghĩa khủng bố. Tân Tổng thống Mỹ cho rằng, vũ khí hiệu quả đối với các vấn đề trên không gì khác là sự đoàn kết, giữa người dân với nhau và giữa người dân với chính quyền.

Cuối cùng, Tổng thống J.Biden kêu gọi người dân cùng ông viết nên một câu chuyện mới chứa đầy sự tích cực và lòng yêu thương cho nước Mỹ. Câu chuyện sẽ đi vào lịch sử để chứng minh rằng, người dân Mỹ đã đấu tranh hết mình vì nền dân chủ, tự do và công bằng như thế nào.

Lãnh đạo thế giới gửi thông điệp chúc mừng

Thông điệp chúc mừng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh cắt từ Twitter)
Thông điệp chúc mừng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh cắt từ Twitter)

Cùng với sự vui mừng của người dân Mỹ, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi thông điệp chúc mừng, tỏ rõ sự hy vọng vào tương lai hợp tác với Mỹ dưới thời ông J.Biden, sau 4 năm đầy biến động dưới thời ông D.Trump.

Trên Twitter, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg viết: "Chúng tôi mong muốn hợp tác với Tổng thống đắc cử Joe Biden để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, vì chúng ta phải đối mặt với những thách thức toàn cầu mà không ai trong chúng ta có thể giải quyết một mình".

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông rất mong được "hợp tác chặt chẽ" với chính quyền mới của nước Mỹ, trong đó bao gồm cuộc chiến chống COVID-19 và biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thúc đẩy và bảo vệ nền dân chủ... "Các mục tiêu của chúng ta đều giống nhau và sẽ hợp tác cùng nhau để đạt được những mục tiêu đó" - ông Johnson nói.

Điện Kremlin cho biết bất kỳ triển vọng cải thiện nào trong mối quan hệ giữa Moskva với Washington sẽ phụ thuộc vào ông J.Biden. "Nước Nga vẫn sẽ hành động như hàng trăm năm qua: tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, song lưu ý thêm rằng, việc Washington có nỗ lực hướng tới mục tiêu tương tự hay không "sẽ phụ thuộc vào ông J.Biden và đội ngũ của ông".

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gửi thông điệp chúc mừng ông J.Biden và bà Harris trong buổi lễ nhậm chức lịch sử, đồng thời hy vọng vào cơ hội được hợp tác với các nhà lãnh đạo mới của Mỹ để thắt chặt mối quan hệ đồng minh giữa đôi bên, cùng đối mặt với những thách thức chung, vun đắp hòa bình giữa Israel và thế giới Ả rập.

Trên Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ, mối quan hệ đối tác Ấn Độ - Mỹ dựa trên những giá trị chung. Hai bên cùng chia sẻ một chương trình nghị sự song phương quan trọng và dựa trên nhiều phương diện. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với tân Tổng thống J.Biden để đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định nước này và Mỹ chia sẻ các mối quan hệ "độc nhất vô nhị" trên thế giới, dựa trên cam kết chung về giá trị dân chủ, các lợi ích chung, các mối liên kết chặt chẽ về an ninh kinh tế. Quan hệ giữa hai nước không chỉ là những láng giềng, mà còn là những người bạn, đối tác và đồng minh gần gũi. "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác này trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, hậu thuẫn tiến trình phục hồi kinh tế bền vững để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác để thúc đẩy hành động khí hậu, tăng trưởng kinh tế sạch, thúc đẩy sự hòa nhập và đa dạng, đồng thời tạo ra những cơ hội và việc làm tốt cho tầng lớp trung lưu, đóng góp vào dân chủ, hòa bình và an ninh ở trong nước cũng như trên toàn thế giới" - thông điệp của ông Trudeau có đoạn viết.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã bày tỏ nhất trí với những ưu tiên chính sách của tân Tổng thống Mỹ J. Biden về đại dịch COVID-19, tái kích hoạt nền kinh tế và di cư. Ông Lopez Obrador thông báo đã gửi lời chúc mừng tới ông J.Biden nhân lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác và hữu nghị song phương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Nhà lãnh đạo Mexico cho biết, với sự giúp đỡ của Mỹ, cũng như các quốc gia Trung Mỹ, vấn đề di cư sẽ được giải quyết tận gốc thông qua các chương trình phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh người đồng nhiệm J.Biden quyết định đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21). Đoạn Tweet của Tổng thống Pháp viết: "Xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới ngày quan trọng nhất của nhân dân Mỹ". Ông Macron nhấn mạnh: "Chúng ta luôn sát cánh bên nhau. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn khi đối đầu với những thách thức trong thời đại của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để kiến tạo tương lai của chúng ta. Mạnh mẽ hơn để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chúc mừng quay trở lại Hiệp định Paris".

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng ngày cũng gửi lời chúc mừng tới tân Tổng thống J.Biden và tân Phó Tổng thống Kamala Harris sau lễ tuyên thệ nhậm chức của 2 nhà lãnh đạo Mỹ. Trên mạng xã hội Twitter, ông Tedros viết: "Chúc mừng Tổng thống J.Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong lễ nhậm chức hôm nay của các vị. Đây là một thế giới khỏe mạnh hơn, tốt đẹp hơn, an toàn hơn và bền vững hơn".

Sau đây là một số hình ảnh trong buổi lễ nhậm chức của ông J.Biden và bà Kamala Harris (Ảnh: CNN):

Tổng thống J.Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cùng các cựu Tổng thống - Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton - dự lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh, Nghĩa trang Quốc gia Arlington.
Tổng thống J.Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cùng các cựu Tổng thống - Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton - dự lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh, Nghĩa trang Quốc gia Arlington.
Ông J.Biden đọc thông điệp tại lễ nhậm chức.
Ông J.Biden đọc thông điệp tại lễ nhậm chức.
Đại diện 50 bang thực hiện nghi lễ diễu hành ảo trong buổi lễ.
Đại diện 50 bang thực hiện nghi lễ diễu hành ảo trong buổi lễ.
Tân Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden trên đường đến Nhà Trắng.
Tân Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden trên đường đến Nhà Trắng.
Ông J.Biden chào các nhà báo tác nghiệp tại lễ nhậm chức trên đường đến Nhà Trắng.
Ông J.Biden chào các nhà báo tác nghiệp tại lễ nhậm chức trên đường đến Nhà Trắng.
 Tân Tổng thống J.Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden trước thềm Nhà Trắng
Tân Tổng thống J.Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden trước thềm Nhà Trắng
Khoảnh khắc tỏa sáng của tân Phó Tổng thống Kamala Harris.
Khoảnh khắc tỏa sáng của tân Phó Tổng thống Kamala Harris.
Quang cảnh buổi lễ (Ảnh: CNBC)
Quang cảnh buổi lễ (Ảnh: CNBC)