Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nữ Đại tá có biệt danh “Mười Hoa”

PV - 10:47, 08/03/2019

Khi còn trong chiến tranh bà là người giành giật sự sống cho đồng chí, đồng đội, nhân dân dưới mưa bom, bão đạn của quân thù. Đến tuổi thuộc hàng xưa nay hiếm (83 tuổi), nữ Đại tá Phạm Thị Minh Lý, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vẫn luôn sống và nghĩ cho mọi người. Nhiều thế hệ biết bà qua cái tên thân mật “Mười Hoa”.

Đại tá Phạm Thị Minh Lý, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (bên trái) dự gặp mặt cán bộ cao cấp nghỉ hưu nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng. Đại tá Phạm Thị Minh Lý, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (bên trái) dự gặp mặt cán bộ cao cấp nghỉ hưu nhân kỷ niệm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng.

Nhiều sáng kiến cứu người trong gian khó

Chúng tôi đến Khu dân cư 586 (TP. Sóc Trăng), vào một chiều cuối tuần, hỏi thăm nhà bà Mười Hoa ai cũng biết. Mở cửa đón chúng tôi, trên tay bà còn đang xách thùng nước tưới cây trước nhà; bà cười bảo: “sống là phải cống hiến, nhiệm vụ nào cũng cố gắng hoàn thành tốt…”.

Đại tá bác sĩ Phạm Thị Minh Lý sinh năm 1936, năm 14 tuổi, bà đã tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng trong quân ngũ, được phân công làm công việc cứu thương. Những năm sống trong quân ngũ, hằng ngày phải chứng kiến cảnh các chiến sĩ đau đớn khi bị thương; hay đau ốm trong chiến trường…, bà rất thương xót nên luôn dành hết thời gian thăm hỏi chăm sóc vết thương cho các chú, các anh. Đồng thời, nung nấu ý chí, quyết tâm học nghề trở thành người thầy thuốc cứu thương cho đồng chí, đồng đội theo bước chân người cha của mình.

Cảm nhận được tình cảm, tấm lòng của bà, cấp trên đã quyết định cử đi học khóa y tá ngoại khoa, rồi trở về phục vụ trong ngành quân y đến khi hoà bình.

Nhắc đến bà Minh Lý, nhiều người từng được bà điều trị, chăm sóc đều cho rằng, bà là người có đôi bàn tay làm nên những điều kỳ diệu. Trước đây trong thời kỳ chiến tranh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, người thầy thuốc phải cơ động, có khi ca phẫu thuật được thực hiện ở ngay trên bờ kênh, không có thuốc mê, thuốc tê và máy móc kỹ thuật cao. Chính những khó khăn này, đòi hỏi người thầy thuốc là phải có tinh thần khắc phục khó khăn, tay nghề vững vàng để cứu được thương bệnh binh.

Khi là y sĩ, bà Lý đã có sáng kiến khâu mạch máu cho thương binh bằng... sợi tóc. Theo bà, người bị đứt mạch máu nếu không được khâu kịp thời sẽ dẫn đến máu không xuống được có khi dẫn đến phải cưa tay, cưa chân. Bà đã mạnh dạn khâu mạch máu bằng... sợi tóc thay cho chỉ khâu. Nhiều người sau này gặp lại vẫn nói nhờ có y sỹ Minh Lý mà không bị cụt tay, cụt chân.

Bà còn có sáng kiến sử dụng nước dừa thay cho nước biển để truyền cho bệnh nhân. Bà cho biết, muốn có nước dừa đảm bảo chất lượng để truyền cho bệnh nhân phải chọn trái dừa ngon, hái cẩn thận từ trên cây xuống.

Đại tá Phạm Thị Minh Lý nhớ lại, trong trận đánh chi khu Vĩnh Thuận (Rạch Giá, Kiên Giang), 138 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong tình thế nguy cấp, bà và đồng đội đã phải suy nghĩ, tìm cách đưa thương binh về nơi điều trị được kịp thời, an toàn. Bà và đồng đội đã quyết định, với người bị thương nhẹ sẽ được đưa về trên cùng một chiếc xuồng, người bị thương nặng thì được chuyển nằm trên xuồng riêng có thêm một quân y và dân công đi theo. Đưa thương binh đến nơi điều trị an toàn, không nghỉ ngơi, bà lập tức tham gia cấp cứu, phẫu thuật cho các thương, bệnh binh.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bà cùng với cán bộ, bác sĩ trong đơn vị đã cứu sống, trị bệnh cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và người dân.

Đại tá Minh Lý chăm sóc cây cảnh tại nhà. Đại tá Minh Lý chăm sóc cây cảnh tại nhà.

“Nhiệm vụ nào cũng phải làm cho tốt”

Khi được hỏi vì sao bà có tên gọi là Mười Hoa, bà kể, thời điểm công tác ở xã Tân Thạnh (nay thuộc huyện Long Phú, Sóc Trăng), chủ trương của Tỉnh ủy lúc bấy giờ các đảng viên phải đổi tên. Tên thật trong giấy khai sinh chỉ dùng trong nội bộ đảng để tránh sự truy lùng của địch. Bà là con thứ ba trong gia đình, nhưng đồng đội đặt tên là Mười Hoa. Gọi rồi thành quen, cho đến nay, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp từ Nam ra Bắc vẫn chỉ quen gọi bà là Mười Hoa.

Sau khi đất nước thống nhất, y tá Phạm Thị Minh Lý được cử ra Hà Nội học bác sĩ quân y rồi trở về tỉnh Hậu Giang (cũ), công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, làm Phó Chủ nhiệm Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Quân y tỉnh. Năm 1990, Bác sĩ Phạm Thị Minh Lý được thăng lên quân hàm Đại tá quân y. Đến năm 1992, tỉnh Hậu Giang (cũ) tách ra làm 2 tỉnh Sóc Trăng và Cần Thơ. Đại tá, bác sĩ Phạm Thị Minh Lý được cử giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, tham gia Hội Y học.

Về nhận nhiệm vụ mới, bà đã cùng mọi người nỗ lực xây dựng phong trào hiến máu nhân đạo, vận động được hàng tỷ đồng để xây dựng nhà ở, cấp xe lăn, hỗ trợ viện phí, vốn sản xuất cho người nghèo, những đồng đội gặp khó khăn…

Chia sẻ về thành tích, đóng góp của Đại tá, bác sĩ Phạm Thị Minh Lý, ông Võ Minh Chiến, nguyên P. Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng bộc bạch: “Nhắc tới chị Mười Hoa, không chỉ riêng tôi, mà ai đã được gặp chị đều quý mến và tôn trọng. Phần lớn cuộc đời chị Mười Hoa dành cống hiến cho cách mạng để chăm sóc sức khỏe cho bệnh binh và Nhân dân…”.

Hiện nay, dù tuổi cao, nhưng bà vẫn sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Năm 2013, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Đại tá, bác sỹ Phạm Thị Minh Lý là tấm gương sáng để các thế hệ học tập, noi theo.

Nhắc tới chị Mười Hoa, không chỉ riêng tôi, mà ai đã được gặp chị đều quý mến và tôn trọng. Phần lớn cuộc đời chị Mười Hoa dành cống hiến cho cách mạng để chăm sóc sức khỏe cho bệnh binh và nhân dân…” (Ông Võ Minh Chiến, nguyên P. Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng).

H.NGUYÊN