Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Nông trại hạnh phúc” của chàng trai 9x người Mường

Hồng Minh - 07:15, 01/05/2021

“Du lịch trải nghiệm Happy Farm” (Nông trại hạnh phúc), là dự án của chàng Đinh Thế Ngữ Tôn, dân tộc Mường ở xóm Đồng Chúi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Với ý tưởng đưa quê hương thành một làng nông nghiệp công nghệ cao, tích hợp những giá trị tiêu biểu từ sản xuất nông nghiệp hiện đại, gắn với du lịch trải nghiệm, ứng dụng hệ thống tự điều khiển trên smartphone để kết nối người dùng - người trồng qua thế giới số…, chàng thanh niên trẻ này đang nỗ lực từng ngày để đưa ý tưởng này thành hiện thực.

Các sản phẩm rau của HTX Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh đã có chỗ đứng thị trường
Các sản phẩm rau của HTX Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh đã có chỗ đứng thị trường

Quyết tâm khởi nghiệp

Để thực hiện dự án “Du lịch trải nghiệm Happy Farm” (Nông trại hạnh phúc), Đinh Thế Ngữ Tôn đã kết hợp với 2 người bạn cùng quê và cùng chí hướng là Đinh Minh Quý, Đinh Thị Loan. Theo đó, dự án Happy Farm sẽ có tổng diện tích khoảng 10 ha (của 40 hộ xã viên), được triển khai thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2018-2020 xây dựng "làng nông nghiệp công nghệ cao”; giai đoạn 2 là các năm tiếp theo sẽ xây dựng "làng khoa học kỹ thuật công nghệ 4.0”.

Đinh Thế Ngữ Tôn chia sẻ: Nội dung cốt lõi của dự án, là kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với hình thức du lịch trải nghiệm (vừa trải nghiệm thực tế vừa trải nghiệm trên nền tảng công nghệ số).

Khách hàng của Happy Farm sẽ được thuê 1 phần diện tích đất để tự sản xuất; hoặc thuê người chăm sóc, được tư vấn sử dụng phần mềm trồng rau ảo thu hoạch thật. Với ứng dụng thông minh được cài trên smartphone, người dùng lựa chọn trồng các loại rau, sau đó, hàng ngày có thể ghé qua vườn rau online để kiểm tra, gửi các yêu cầu tưới nước, nhổ cỏ…

Còn đối với hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp kỹ năng sống- trọng tâm của Happy Farm sẽ triển khai trong giai đoạn 2. Dự kiến, Happy Farm sẽ được đầu tư đồng bộ, quy hoạch thành 6 khu du lịch trải nghiệm, hướng tới nhóm khách hàng tiềm năng là học sinh các cấp và người dân sinh sống khu vực thành thị. “Làng khoa học kỹ thuật công nghệ 4.0” Happy Farm, hứa hẹn trở thành nơi trải nghiệm đặc biệt, hấp dẫn, lý thú, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho vùng quê Tân Vinh.

Vườn rau công nghệ cao của dự án Happy Farm
Vườn rau công nghệ cao của dự án Happy Farm

Bước đi vững chắc 

Ngay khi thực hiện dự án, nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn do tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm, vốn đều còn thiếu. Tuy nhiên, nhóm đã lên kế hoạch chi tiết, quyết tâm thực hiện và kêu gọi đầu tư, với số vốn ban đầu ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Số tiền này phục vụ cho việc san lấp mặt bằng, xây dựng nhà lưới, trồng cây, hoa màu… Nhóm Happy Farm đã tiến hành triển khai sản xuất, với sản phẩm chủ yếu là các loại rau ăn lá, áp dụng công nghệ khí canh, tưới tiết kiệm theo hướng cánh đồng mẫu lớn tại xóm Đồng Chúi, với 40 hộ tham gia. Diện tích canh tác gần 3 héc ta, năng suất trung bình đạt 10 tấn/héc ta.

Từ khi thực hiện dự án Happy Farm đến nay, dự án đang có những bước khởi động chắc chắn theo đúng lộ trình đã đề ra. Khoảng 1.500 m2 trồng rau đã được đầu tư lắp đặt hệ thống nhà kính và các thiết bị công nghệ cao, đảm bảo thực hiện tốt quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây chính là tiền đề của Happy Farm - nơi các bạn trẻ xã Tân Vinh cùng với người nông dân biến niềm đam mê thành hiện thực, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiện nay, mô hình của Ngữ Tôn đã và đang liên kết, với các mô hình du lịch xung quanh xã Tân Vinh để tiến hành mở rộng quy mô trang trại, với nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, trong đó có nhiều chương trình hấp dẫn như: Thăm quan làng Mường cổ, trải nghiệm các ngành nghề truyền thống và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Mường.

Tháng 02/2017, Đinh Thế Ngữ Tôn đã cùng với các thành viên thành lập HTX Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh. Sau 3 năm thành lập, đây là mô hình trồng rau công nghệ cao lớn nhất huyện Lương Sơn, với tổng diện tích hơn 10 ha. Sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, có thể truy xuất nguồn gốc, giá bán trên mạng internet. Tháng 7/2017, anh cùng các thành viên đã thành lập Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phú Thành, trực thuộc HTX Nông lâm nghiệp - Thủy lợi Tân Vinh, chuyên cung cấp các loại cây giống, cây ăn quả, dịch vụ chăm sóc vườn cây cảnh, tiểu cảnh cho khách hàng. Doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương.