Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông sản Việt Nam đang có "cơ hội vàng" về thị trường tiêu thụ

Thuý Hồng - 10:23, 08/07/2022

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ukraine và dịch bệnh covid-19 đang khiến hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn, chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gẫy. Đây cũng được xem là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn.

Thanh Long là mặt hàng được đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia
Thanh Long là mặt hàng được đẩy mạnh xuất khẩu sang Australia

Dự báo nhu cầu thực phẩm tăng cao

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt trong năm 2022 nhiều lạc quan, bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19. Theo phân tích từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu. Tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó, có 9 loại mặt hàng: cao su, cà phê, gạo, sắn… và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Đáng chú ý như thanh long, hiện là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thanh long tươi của Việt Nam  được nhập khẩu trực tiếp vào Australia từ năm 2017, với giá trị xuất khẩu tăng hàng năm. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Australia tăng 36%, năm 2021 do ảnh hưởng từ dịch bệnh con số tăng trưởng xuất khẩu có giảm, nhưng vẫn đạt 14%, đạt 4,8 triệu USD cao hơn mức tăng trưởng chung của mặt hàng thanh long xuất khẩu đi các thị trường.

Theo bà Nguyễn Thu Hường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, ngoài việc tiêu thụ tại các cửa hàng của người Việt, thanh long Việt còn được bày bán ở hệ thống siêu thị bán lẻ lớn của Australia. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các mặt hàng rau củ quả, trong đó có thanh long tại thị trường Australia vẫn tăng trưởng rất tốt.

Cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Lợi thế từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đã mở ra cơ hội phát triển xuất khẩu sâu rộng, bền vững cho nông sản Việt Nam khi “tiến quân” vào thị trường châu Âu vốn rộng lớn và có giá bán cao. 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long… được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Lợi thế này, sẽ giúp rau củ quả Việt Nam có nhiều lợi thế khi cạnh tranh với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

 Nhiều mặt hàng nông sản đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu
Nhiều mặt hàng nông sản đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu

Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus cho hay, nhu cầu lương thực, nông sản ở châu Âu đang rất lớn, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vấn đề quan trọng là, cần tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.

Theo số liệu thống kê, EU nhập khẩu hơn 60 tỉ euro rau củ quả, chiếm 44% trị giá thương mại toàn cầu của ngành hàng này. Thị trường lớn, ổn định, giá bán cao… Châu Âu là “mảnh đất lành” cho nông sản Việt Nam nhưng rau củ quả của chúng ta chiếm chưa đến 0,3% thị phần.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng: Căng thẳng và xung đột Nga - Ukraine có thể là cơ hội để nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Anh. Đơn cử, Ukraine cung ứng lúa mỳ cho Anh, khi xung đột xảy ra, Anh có thể chuyển hướng sang nhập nông sản từ một số thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để gạo Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường Anh.

Cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, để xuất khẩu vào các nước EU, thì  các mặt hàng nông sản của Việt Nam, cần đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về dư lượng, cũng như các quy định về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các doanh nghiệp xuất khẩu cần giám sát chặt chẽ mức dư lượng trong sản phẩm; Những vấn đề như lao động, môi trường, tổ chức sản xuất... phải tuân thủ, bám sát theo các điều khoản trong Hiệp định EVFTA. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát chuỗi liên kết sản xuất, từ vùng trồng, cơ sở sơ chế, chế biến, đến khâu đóng gói, vận chuyển, phân phối.