Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nông dân người Dao thu tiền tỷ từ mô hình kinh tế VAC-R

Thanh Nga - 19:26, 13/08/2021

Từ hộ nghèo, nhờ mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, lại tích cực học hỏi kinh nghiệm làm ăn, áp dụng vào thực tế phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng (VAC-R) hiệu quả, gia đình ông Bàn Văn Lạc, 60 tuổi, dân tộc Dao, ở thôn Trì Thượng xã Trì Quang huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã vươn lên khá giả.

Với 4ha quế, 2ha rừng mỡ, mỗi năm ông Lạc có thu 200 - 400 triệu đồng
Với 4ha quế, 2ha rừng mỡ, mỗi năm ông Lạc có thu 200 - 400 triệu đồng

Đến thăm thôn Trì Thượng, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), được tận mắt chứng kiến khu trang trại kinh tế gồm khu chăn nuôi, ao cá và đồi rừng xanh bạt ngàn quế mới thấy được thành quả từ nghị lực vượt khó làm giàu của ông Bùi Văn Lạc. Đã 60 tuổi đời, nhưng xem ra mọi công việc của ông vẫn còn “sung” sức. Ít ai biết rằng, để có được cơ ngơi và thành quả như ngày hôm nay, ông Lạc đã phải trải qua biết bao khó khăn, vất vả.

Trong câu chuyện được biết, trước đây cũng như nhiều hộ người Dao trong thôn, cuộc sống của gia đình ông Lạc rất khó khăn, chủ yếu sống dựa vào nghề nông, chăn nuôi nhỏ lẻ. Do thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi nên ông nhiều lần "nếm" thất bại. Song, không nản chí, ông Lạc đã quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế mới.

Năm 2014, ông Lạc bàn với vợ vay 50 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với vốn tích lũy trước đó để mở rộng quy mô sản xuất, tích cực học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt qua sách, báo, từ đó vừa làm vừa áp dụng vào mô hình thực tế của gia đình. Ông suy nghĩ, đất nghèo nhưng không phụ ý chí quyết tâm của con người, đồng thời xác định, nơi mình sống không phải là không có những lợi thế, đó chính là đồi rừng bạt ngàn đầy tiềm năng cho chăn nuôi và trồng trọt. Nhờ xác định được hướng sản xuất phù hợp, với sự đồng tâm, cộng lực của hai vợ chồng, gia đình ông Lạc đã từng bước gây dựng được cơ sở kinh tế, trọng tâm là chăn nuôi, trồng rừng.

Trong chăn nuôi, ông Lạc chú trọng tới khâu phòng, chống dịch bệnh, nên mô hình phát triển chăn nuôi của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Bên cạnh đó, với gần 1 ha ngô đồi, hơn 1.800m2 ruộng lúa 2 vụ, trung bình mỗi năm gia đình ông thu được trên 8 tấn ngô, thóc. Nguồn lương thực dồi dào này là điều kiện để gia đình ông phát triển chăn nuôi lợn, gà.

Ông còn có 4ha quế, 2ha rừng mỡ, mỗi năm cũng cho thu 200 - 400 triệu đồng. Tổng thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Lạc hàng năm hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn để ra hơn 400 triệu đồng. Đặc biệt, nhận thấy trồng cây quế cho giá trị kinh tế cao, vừa có thể bán vỏ, vừa tận thu từ lá, năm 2021 này, ông Lạc còn tiếp tục mở rộng đất, trồng thêm 3.000 cây quế giống.

Với 1ha ao hồ, ông nuôi đủ các loại cá trắm, chép, trôi...
Nuôi cá cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình ông Lạc

Khi hỏi đến “bí quyết” làm giàu ở vùng đất “nghèo” này, ông Lạc cười và nói: "Lúc đầu tôi tự tìm tòi học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt qua sách, báo, rồi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của các cấp Hội Nông dân tổ chức. Cộng với học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình khác, từ đó tích lũy kiến thức cho riêng mình để áp dụng vào mô hình sản xuất của gia đình".

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Lạc còn tận tình giúp đỡ cho mọi người trong thôn xóm về kinh nghiệm trong sản xuất và chăn nuôi, đối với những hộ khó khăn cũng được ông sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm, giúp đỡ trong phát triển kinh tế .

Nhờ phát triển mô hình kinh tế VAC-R đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Bàn Văn Lạc đã được công nhận là Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập, noi theo, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.