Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nỗi niềm sau chuyên án 1023P

Tân An - Như Anh - 17:56, 30/11/2023

Bị chính mẹ đẻ và bà ngoại bán sang Trung Quốc làm vợ, ở cái tuổi 12 “ăn chưa no, lo chưa tới" thì cháu N.T.K. SN 2011, trú tại huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã phải một mình lặn lội sang đất khách quê người làm dâu, nhưng may mắn cháu đã được cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, trao trả về Việt Nam. "Pháp luật được thực thi nghiêm minh, nhưng anh em chúng tôi rất trăn trở, lo lắng khi vẫn còn rất nhiều trường hợp các em gái bị lợi dụng bán sang nước ngoài...". Đó là những lời tâm sự của Trung tá Nguyễn Đình Tuân, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng.

Ngày 26/10/2023, BĐBP tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do Đại đội Quản lý biên giới Tịnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) trao trả qua cửa khẩu Trà Lĩnh
Ngày 26/10/2023, BĐBP tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do Đại đội Quản lý biên giới Tịnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) trao trả qua cửa khẩu Trà Lĩnh

Có những nỗi đau đến từ "ruột - thịt" 

Gặp phóng viên trong chiều muộn chớm đông, khi cái lạnh đìu hiu sau nắng khiến bầu không khí càng trở nên ảm đạm trên miền biên giới. Trung tá Tuân gương mặt đăm chiêu kể lại vụ chuyên án có ký hiệu 1023P..

Ngày 26/10/2023, khi tiếp nhận 21 công dân Việt Nam do Đại đội Quản lý biên giới Tịnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) trao trả qua cửa khẩu Trà Lĩnh, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng phát hiện N.T.K, sinh năm 2011, quê ở thành phố Cần Thơ không có người lớn đi cùng. Những thông tin mà K cung cấp khiến cán bộ Biên phòng nghi ngờ. Qua đấu tranh khai thác, sàng lọc được biết N.T.K sinh ra và lớn lên ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, cha mẹ li hôn nên K ở với bà ngoại. Vào khoảng tháng 8/2023, K đang nghỉ hè, chuẩn bị vào học lớp 8 thì người chị họ tên Lài đưa 2 người đàn ông Trung Quốc tên là Mập, Gồm đến nhà đặt vấn đề muốn lấy K làm vợ. Ban đầu, K không đồng ý, song bà ngoại nói: “Mày không lấy nó, tao sẽ chết cho mày xem”, còn mẹ đẻ thì nói: “Bà ngoại mày chết thì tao cũng chết theo” nên K phải đồng ý.

Ngày 20/8/2023, Lài đưa Mập và Gồm lên thành phố Hồ Chí Minh xuất cảnh qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về Trung Quốc, sau đó đưa K đi tàu hỏa ra Hà Nội rồi bắt xe taxi lên thành phố Cao Bằng. Tại đây, sau khi đưa K vào nhà nghỉ thì Lài rời đi, nhưng qua điện thoại hướng dẫn K gọi xe taxi đi vào thị trấn Trùng Khánh và có người đưa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi sang đến Trung Quốc, cả K, Lài, Mập, Gồm bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ. Vì có giấy tờ hợp lệ nên sau 1 tuần, Lài, Mập, Gồm được thả, còn K bị phạt giam đến ngày 26/10/2023 được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Trà Lĩnh.

Từ những thông tin do N.T.K cung cấp, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng nhận định có dấu hiệu N.T.K là nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc nên chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Nhận thấy các đối tượng phạm tội có nhân thân, lai lịch rõ ràng nên cần phải tổ chức đấu tranh, triệt phá, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng đã báo cáo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm xác lập Chuyên án CB1023p (do Đại tá Bùi Đức Trung, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng làm Trưởng ban Chuyên án) đấu tranh với đường dây mua bán người dưới 16 tuổi qua địa bàn khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng.

Lưới trời rộng, khó thoát

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban Chuyên án đã xác định được chị họ của N.T.K là Nguyễn Thị Lài (sinh năm 1997, trú tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang); bà ngoại của K là Trần Thị Lợi (sinh năm 1957, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Theo đó, Ban chuyên án đã tiến hành điều chuyển cả 2 đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh để làm việc. Qua đấu tranh khai thác, Lài đã khai nhận việc làm của mình.

Qua lời khai của Lài, từ năm 17 tuổi, Lài đã sang Trung Quốc, lấy chồng, sinh con và cư trú bất hợp pháp. Quá trình sinh sống, biết nhiều người đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ Việt Nam nên Lài đã nghĩ cách để kiếm tiền từ việc môi giới hôn nhân. Tháng 5/2023, trong lần gặp K tại Cần Thơ, Lài gọi video cho Gồm (tên thật là Thư Tăng Ủy, sinh năm 1993) để Mập (tên thật là Triệu Thành Long, sinh năm 1994, cùng trú tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) xem mặt.

Đối tượng Nguyễn Thị Lài làm việc với cơ quan điều tra. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình
Đối tượng Nguyễn Thị Lài làm việc với cơ quan điều tra. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Tháng 8/2023, Gồm và Mập nhập cảnh vào Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thấy gia đình K đồng ý, Mập đưa cho Lài 13 vạn 900 nhân dân tệ (tương đương hơn 400 triệu đồng) để lo chi phí cho nhà gái và đưa K sang nhà Mập. Lài đã đưa cho bà Lợi 100 triệu đồng, 1 cây vàng 9999, 1 nhẫn đeo tay, 1 đôi bông tai, 1 vòng đeo tay loại vàng 24K và hứa hẹn, sau khi K sang đến Trung Quốc sẽ đưa thêm 50 triệu đồng. Gia đình K cũng viết giấy thỏa thuận đồng ý để K sang Trung Quốc làm vợ của Mập. Mọi việc sau đó diễn ra như thông tin K đã cung cấp cho cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh trước đó. Những lời khai của Trần Thị Lợi cũng trùng khớp với lời khai của Nguyễn Thị Lài và K.

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Đức, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh - người trực tiếp lấy lời khai của các đối tượng, nếu như cán bộ Biên phòng cảm thấy xót xa cho nạn nhân K vì bị người thân bán sang xứ người khi tuổi đời còn rất nhỏ thì các đối tượng chỉ lo lắng về số tiền, rồi lo bị phạt tù chứ không hề lo lắng việc K đang bị giam giữ bên Trung Quốc. Điều đáng nói là, theo thỏa thuận ban đầu, Lài sẽ phải đưa K sang tận nhà của Mập nên khi K bị bắt, Mập muốn “đền” người khác. Sau khi bà Lợi nhất trí trả lại 50 triệu đồng và số vàng trước đó đã nhận từ Lài về việc tổ chức cho K lấy chồng Trung Quốc, Lài nhập cảnh về Việt Nam và tiếp tục tìm kiếm “vợ” cho Mập.

Lúc này, Ban Chuyên án cũng nắm được thông tin Thư Tăng Ủy và Triệu Thành Long đang lưu trú tại nhà mẹ đẻ của Nguyễn Thị Lài ở Kiên Giang. Ngày 1/11/2023, đội đánh án đã phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kiên Giang và lực lượng chức năng tiến hành khám nhà Nguyễn Thị Lài, thu giữ nhiều tang vật, trong đó có 1 tập tài liệu liên quan đến việc kết hôn giữa K và Triệu Thành Long. 

Ban Chuyên án triệu tập làm việc, di lý Triệu Thành Long,Thư Tăng Ủy và Lê Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1985, trú tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, là mẹ đẻ của K) về Cao Bằng để điều tra, xác minh. Sau khi có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội, ngày 3/11/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh đã ra lệnh giữ, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Triệu Thành Long và Lê Thị Mỹ Hạnh.

Theo Đại tá Bùi Đức Trung, đây là chuyên án phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng, trong đó có cả đối tượng người nước ngoài, gây khó khăn cho quá trình xác minh nhân thân, lai lịch cũng như hành vi. Bên cạnh đó, nạn nhân còn nhỏ tuổi, trình độ nhận thức về pháp luật, đặc biệt là việc nhận biết dấu hiệu của tội phạm mua bán người còn hạn chế, bị sang chấn về tâm lý nên bước đầu phối hợp cung cấp thông tin về bản thân bị mua bán và thông tin về các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng có sự bàn bạc, thống nhất, lợi dụng việc môi giới hôn nhân để thực hiện hành vi mua bán người. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo và sự quyết tâm cao của Ban Chuyên án 1023P, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh đã phá án thành công, bắt giữ triệt để các đối tượng có liên quan trong đường dây, khởi tố vụ án, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật, đạt được mục đích, yêu cầu của chuyên án.

Hai đối tượng Lài và Mập bị tạm giữ trong chuyên án. Ảnh: BĐBP tỉnh Cao Bằng.
Hai đối tượng Lài và Mập bị tạm giữ trong chuyên án. Ảnh: BĐBP tỉnh Cao Bằng.

Theo Trung tá Nguyễn Đình Tuân, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Cao Bằng, là địa phương được xác định là địa bàn trung gian của tội phạm mua bán người, tính riêng năm 2022, có tới khoảng 85% công dân xuất cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt - Trung được phát hiện tại địa phương này. Loại tội phạm này thường dụ dỗ các nạn nhân đi làm “việc nhẹ, lương cao, “núp bóng” môi giới hôn nhân, việc làm hay cho nhận con, mang thai hộ để mua bán người. Để tiện hoạt động, chúng thường liên lạc qua mạng xã hội hoặc trà trộn vào các hội nhóm kín trên mạng.

Để đấu tranh, BĐBP tỉnh Cao Bằng cho rằng, quá trình tiếp nhận công dân Việt Nam do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả cần nhanh chóng sàng lọc, phân loại để xác định các dấu hiệu của nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp với nhân dân địa phương tuần tra, kiểm soát địa bàn biên giới, cửa khẩu nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động tội phạm mua bán người; tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép (tội phạm nguồn của tội phạm mua bán người).