Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Lự

PV - 11:27, 27/08/2020

Với 561 hộ, 2.747 nhân khẩu, xã Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) có 2 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Lự chiếm 89,83%. Trải qua nhiều năm tháng, đồng bào dân tộc Lự nơi đây vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Đội văn nghệ bản Thẳm, xã Bản Hon (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) luyện tập điệu múa giỏ của dân tộc Lự.
Đội văn nghệ bản Thẳm, xã Bản Hon (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) luyện tập điệu múa giỏ của dân tộc Lự.

Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Lự, anh Lò Văn Lả - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon cho biết: “Từ bao đời nay, người Lự xã Bản Hon gắn liền với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những lúc nông nhàn, phụ nữ Lự thường quây quần thêu thùa, may áo, váy. Thiếu nữ Lự trước khi lấy chồng phải thành thạo việc dệt vải, thêu khăn, gối cho từng thành viên trong gia đình. Sản phẩm dệt của người Lự khá phong phú như: khăn đội đầu, váy, áo, thắt lưng, túi…”.

Đúng như lời anh Lả nói, hầu hết gia đình người dân tộc Lự xã Bản Hon đều có dụng cụ se sợi, quay sợi và khung cửi dệt vải. Đây là một trong những nét đặc sắc văn hoá truyền thống dân tộc Lự. Từ đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ dân tộc Lự thêu, dệt thủ công những họa tiết hoa văn độc đáo. Đối với trang phục áo của người phụ nữ Lự được thiết kế khá tỷ mỷ, công phu như: nhuộm chàm, xẻ ngực, vạt trái đè lên vạt phải và được buộc thắt bởi những dây tua sặc sỡ. Ngày thường, phụ nữ Lự mặc váy chàm với họa tiết thêu đơn giản để thuận lợi trong công việc đồng áng, bếp núc. Dịp lễ, tết hoặc gia đình có khách quý, phụ nữ Lự mặc váy 2 lớp với hoa văn 3 tầng trang trí đẹp mắt, phần trên được dệt với những họa tiết hình quả trám, phần dưới vải chàm đen, phần gấu váy có điểm thêm màu vàng, đỏ, đẹp mắt.

Song song với trang phục, phụ nữ Lự xã Bản Hon đeo vòng cổ, vòng tay bằng bạc, nhôm hoặc đồng. Vòng vía được làm bằng sợi chỉ chàm đeo tay người Lự có ý nghĩa tránh gió, tránh những điều không may. Phụ nữ Lự đeo hoa tai dạng ống, có sợi chỉ xiên qua để treo các chùm hoa sặc sỡ. Trang phục của phụ nữ dân tộc Lự được kết hợp cùng trang sức, khăn đầu làm tăng thêm vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm. Chị Lò Thị Đăm, dân tộc Lự ở bản Thẳm (xã Bản Hon) tâm sự: “Tôi được mẹ dạy cho cách cuốn khăn nghiêng về phía trái, để lộ gương mặt trước những đường viền khăn thêu hoa văn màu trắng, kẻ sọc. Tôi tự tay thêu, dệt cho mình vài chiếc túi thổ cẩm với đủ màu sắc rực rỡ đeo ngang sườn mỗi khi xuống chợ. Đây là sản phẩm có giá trị cả về thẩm mỹ và giá trị truyền thống dân tộc Lự mà tôi rất yêu thích”.

Thực tế, trang phục nam dân tộc Lự xã Bản Hon đơn giản với quần, áo được nhuộm chàm đen. Áo cánh nam dân tộc Lự xẻ ngực, cài cúc tết dây vải, có hai túi ở hai vạt. Trước đây, nam dân tộc Lự đội khăn đen gấp nếp cuốn nhiều vòng nhưng giờ đây họ ít khi đội khăn. Người Lự trước đây chủ yếu sản xuất theo hình thức tự cung, tự cấp. Đàn ông dân tộc Lự phải thực hiện từ dựng nhà, đến làm trang thiết bị, vật dụng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình. Giờ đây, nam giới dân tộc Lự lưu giữ nghề thủ công như: mộc, đan lát và thợ rèn. Theo một số phụ nữ dân tộc Lự ở bản Hon (xã Bản Hon) thì trước đây, trẻ em gái từ 13 - 14 tuổi trở lên đều phải nhuộm răng đen từ loại cây gỗ được gọi là “mạy chum cài” hay “mạy tỉu” cho răng chắc và thể hiện nét đẹp của người con gái Lự. Người con gái Lự nào không nhuộm răng đen sẽ kém duyên, chàng trai Lự không lấy làm vợ. Hiện nay, con gái Lự không còn nhuộm răng đen, chỉ còn ít phụ nữ lớn tuổi vẫn còn giữ thói quen này.

Thêm một nét độc đáo nữa của dân tộc Lự xã Bản Hon phải kể đến là 7 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập những làn điệu dân ca phong phú gắn liền với đời sống, lao động sản xuất. Dân ca dân tộc Lự được chia thành nhiều thể loại, phù hợp với đời sống thường nhật của bà con như: hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con và hát đối đáp. Làn điệu dân ca dân tộc Lự là động lực, sức mạnh, thúc đẩy sự phấn khởi, thi đua lao động sản xuất và vui chơi, giải trí. Nhạc cụ truyền thống dân tộc Lự gồm: trống, chiêng, sáo. Hiện nay, nhạc cụ dân tộc Lự đang dần bị mai một, cả nghệ nhân chế tác đến người sử dụng cũng ít đi. Vừa qua, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Sở VHTT&DL, UBND huyện Tam Đường tổ chức Hội nghị tập huấn; xây dựng Câu lạc bộ Văn hóa, văn nghệ dân gian nhằm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc Lự trước nguy cơ dần bị mai một. Tại Hội nghị, nghệ nhân Lò Thị Sọn truyền dạy các làn điệu dân ca dân tộc Lự; nghệ nhân Tao Văn Ngân truyền dạy cách thổi sáo và chế tác sáo; nghệ nhân Lò Thị Khằm truyền dạy một số điệu múa dân tộc Lự. Từ đó, các nghệ nhân giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống thông qua lớp tập huấn, truyền dạy.

Ngoài ra, dân tộc Lự xã Bản Hon còn lưu giữ tín ngưỡng lễ cúng rừng (còn gọi là Căm Lung) được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 và ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch hàng năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, muôn dân khỏe mạnh. Với nhiều bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc, dân tộc Lự xã Bản Hon bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.