Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nơi ấy, là làng Sen, Hoàng Trù

Thanh Hải - 12:55, 21/05/2022

Có những ngôi làng bình dị, đơn sơ, có những ngôi làng đã trở thành quê chung với mỗi người dân nước Việt. Để rồi về nơi ấy, ta như bắt gặp giọng nói của trăm quê, xúc cảm của bao lứa tuổi. Ta như bắt gặp lại bóng hình của Người.

Toàn cảnh nhà cụ Hoàng Xuân Đường
Toàn cảnh nhà cụ Hoàng Xuân Đường

Tháng 5 này con về lại làng Sen, Hoàng Trù. Quanh quanh ngõ nhỏ rặng tre xanh rì; Thoảng trong nắng hạ hương cau, thơm nồng hương lúa, hương sen dập dờn. Làng ấy, quê ấy, bao năm nay dường như đã trở thành quê chung, mà mỗi khi nhớ đến, lại hiện hữu êm ả mái tranh nghiêng bóng hàng cau, vẳng câu đằm thắm dân ca mặn nồng, cùng tiếng à ơi của mẹ của bà…

“Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”, đã gợi nhớ một thời rất đỗi khó khăn, vất vả của vùng thôn quê nước Việt. Và cũng chính từ những nơi ấy đã nuôi lớn biết bao bậc anh hùng, hào kiệt, mang ý chí và hoài bão cứu nước, cứu dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân tiêu biểu nhất.

Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

“Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”, bước chân cứ thế dẫn lối, đưa ta đến ngôi nhà của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lúc nào không hay. Nom từ xa, là mái nhà tranh, thưng phên đơn sơ nép mình dưới rặng tre bốn mùa xào xạc.

Ngôi nhà ấy đã in dấu bao kỉ niệm về một thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ngôi nhà ấy, đã thấm đượm tiếng ru hời của bà, của mẹ; lời dạy bảo ân cần nhưng rất đỗi nghiêm khắc của cha… để góp phần hình thành nên một nhân cách Hồ Chí Minh sau này.

Ngôi nhà bình dị ấy đã đi vào trái tim mỗi người dân nước Việt và bè bạn quốc tế, với nhiều cảm xúc thiêng liêng. Hẳn trong tâm khảm bao người, không ai nghĩ rằng, một vị lãnh tụ dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới - Hồ Chí Minh, lại sống một cuộc đời dung dị, lớn lên trong một ngôi nhà mộc mạc, khiêm nhường đến vậy.

Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nép mình giữa những hàng cau, rặng tre
Nhà cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nép mình giữa những hàng cau, rặng tre

Chả thế mà nhà văn Ni-cô-lai (người Rumani), đã từng nhận xét: Ngôi nhà lá đơn sơ trong cái làng nhỏ bé là quê hương, tâm hồn của cả dân tộc Việt Nam.

Nói về cụ phó Bảng, dẫu đỗ đạt nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc, không đi theo con đường làm quan mà sống thanh đạm tại quê nhà. Ông đã từ chối sự đón tiếp linh đình, sự ưu ái của quê hương dành cho mình trong ngày “vinh quy”.

Ông cũng thường dạy con rằng: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng”. Nghĩa là đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình. Để rồi ngày ngày, ông cùng các con sống đạm bạc, chan hòa với người dân lao động.

Còn đồ đạc trong nhà, rất đỗi đơn sơ, giản dị. Chiếc rương đựng thóc gạo, chiếc tủ bà con mừng thân sinh đỗ đạt. Tủ tre dưới bếp chỉ vài nồi niêu đơn giản. Một chiếc mâm gỗ dành tiếp khách, mâm tre dùng ăn cơm hàng ngày. Bộ phản gỗ gian thứ nhất để tiếp khách. 

Gian thứ hai là bàn thờ những người thân trong gia đình Bác, cũng chỉ bằng tre, không sơn son thiếp vàng. Còn gian trong là nơi nghỉ của cô Nguyễn Thị Thanh và thân mẫu Hoàng Thị Loan. Đó là tất cả “gia tài” nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, đã theo Bác lớn lên cùng một thời niên thiếu.

Những kỉ vật giản dị trong nhà Bác
Những kỉ vật giản dị trong nhà Bác

Nhiều người đã không cầm được lòng trước khung cửi, chiếc võng gai trong ngôi nhà đơn sơ của Bác. Chiếc khung cửi của thân mẫu Hoàng Thị Loan gây ấn tượng mạnh với nhiều du khách. Chiếc khung cửi đã đồng hành cùng “Người Mẹ Làng Sen”, nuôi các con khôn lớn, trưởng thành để giúp dân, giúp nước.

Còn chiếc võng gai, là năm tháng tuổi thơ của Bác, của những người anh, người chị đã lớn lên trong đầy ắp yêu thương của mẹ, của bà. “Chiếc võng gai che nghiêng khung cửa lụa. Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa”.

Cách nhà cụ phó Bảng ở làng Sen, là nhà của cụ Tú làng Hoàng Trù, cũng là ngôi nhà lá tranh, phên nứa, nền đất giản dị. Cụ Tú là cách người dân tôn kính gọi cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính tại ngôi nhà này, Bác đã cất tiếng khóc chào đời và sống trong 5 năm đầu tiên của thời thơ ấu. Cốt cách giản dị, thanh cao của gia đình cụ Tú, cũng đã là tấm gương sáng đầu đời cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở lọt lòng.

Ấn tượng khó quên, sức hấp dẫn lắng sâu, kỳ diệu ở làng Sen, Hoàng Trù chẳng phải là những công trình kiến trúc đồ sộ, khu vui chơi giải trí nhộn nhịp, mà là những mái lá, tranh tre, những kỷ vật, hiện vật bình dị, khiêm nhường, nhuốm màu thời gian đã gắn bó với tuổi thơ Hồ Chủ tịch.

Với người dân Việt Nam, ngôi nhà đơn sơ ấy là hiện thân, là tiêu biểu cho những nếp nhà ở thôn quê một thuở. Về làng Sen, ta như cảm nhận đầy đủ hơn về làng quê xứ Nghệ, làng quê Việt Nam. Về làng Sen, Hoàng Trù, ta như sống lại cả một trời kí ức về Bác. Về làng Sen, Hoàng Trù, lòng ta như lắng lại, bồi hồi, thiết tha… trong miên man suy tưởng, trong xúc cảm bâng khuâng về Người.

Du khách thả bộ nơi làng Sen quê Bác
Du khách thả bộ nơi làng Sen quê Bác

Trong dịp về thăm quê Bác lần này, cụ ông Nguyễn Văn Hai ở Quảng Nam rưng rưng: Nhà Bác đơn sơ, bình dị quá. Đến đây, tôi thấy thân thuộc như về nhà mình; lại càng kính trọng và yêu quý Bác nhiều hơn.

Rồi, chị Nguyễn Thúy Lan, quê Tuyên Quang cũng xúc động: Quãng đời thơ ấu của Bác quá đỗi khó khăn, vất vả. Nhưng cốt cách người cha, người mẹ, cùng những đằm thắm, sâu lắng của quê nhà đã hun đúc để chúng ta có được một bậc vĩ nhân, một con người vì nước, vì dân đến trọn đời.

Tình cảm ấy của cụ Hai, chị Lan như đã là tình cảm chung của mỗi người dân đất Việt với Bác Hồ kính yêu. Sau 50 năm xa cách, trong ngôi nhà đầy ắp kỉ niệm thuở ấu thơ, Bác đã về thăm. Xúc cảm của Bác trong những ngày về thăm quê năm 1957 và 1961 như vẫn còn đâu đây mà rưng rưng, tha thiết: “Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Người vẫn nhớ như in cảnh vật xung quanh, sự bài trí trong nhà. Bác nói: “Xưa ngõ nhà Bác đi theo lối này, một bên có hàng chè mạn hảo, bên kia có hàng râm bụt”. Trong vườn, cán bộ xin phép trồng hoa nhưng Bác muốn trồng hoa màu: “Hoa khoai lang vẫn đẹp” để nâng cao đời sống Nhân dân, làm ai cũng thấy nghẹn lòng.

Dòng người về thăm quê Bác
Dòng người về thăm quê Bác

Về thăm làng Sen, Hoàng Trù ta như tìm thấy hơi ấm tuổi thơ Người. Tìm thấy cả bầu trời kí ức về cuộc sống thanh đạm, bình dị của gia đình cụ phó Bảng, cụ Hoàng Xuân Đường; về một thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghẹn ngào, xúc động nhưng cũng đầy tự hào, hãnh diện… về một con người đã suốt cuộc đời: Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, cả dân tộc vui mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác. Làng Sen, Hoàng Trù như rộn rã hơn bước chân du khách muôn phương, bè bạn năm châu. Về làng Sen, Hoàng Trù cũng là về cội nguồn kí ức, chất chứa bao tình cảm mến thương của đồng bào cả nước dành cho Người. Về làng Sen, Hoàng Trù ta càng cảm nhận sâu sắc hơn một điều: Hồ Chí Minh như chính quê hương và ngôi nhà Bác ở; gần gũi mà cao quý, bình dị mà vĩ đại thiêng liêng.