Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nobel 2022: Những ứng cử viên tiềm năng của giải thưởng Vật lý

PV - 14:00, 04/10/2022

Theo kế hoạch, 16h45 chiều 4/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2022.


Theo kế hoạch, 16h45 chiều 4/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2022. Ảnh: statnews.com
Theo kế hoạch, 16h45 chiều 4/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2022. Ảnh: statnews.com

Giới chuyên gia dự báo nhiều khả năng giải thưởng năm nay sẽ được trao cho các nghiên cứu về ánh sáng, trong đó nổi bật nhất có lẽ là những công trình nghiên cứu về uốn cong và điều khiển ánh sáng để khiến cho vật thể trở nên vô hình hoặc khai thác ánh sáng hiệu quả hơn để sản xuất điện.

Chuyên gia David Pendlebury - thuộc công ty phân tích Clarivate Analytics, chuyên dõi theo các ứng cử viên Nobel tiềm năng trong lĩnh vực khoa học - cho biết: "Trong những năm qua, đã có rất nhiều giải thưởng được trao cho các lĩnh vực vật lý thiên văn, vũ trụ học. Do đó, tôi không nghĩ đó là chủ đề của giải thưởng năm nay".

Ông bày tỏ đánh giá cao đối với nhà khoa học John B. Pendry (Anh) - người nổi tiếng với "áo choàng tàng hình" mà qua đó sử dụng các vật liệu để bẻ cong ánh sáng, khiến các vật thể trở nên vô hình. Ngoài ra, chuyên gia này cũng đặt kỳ vọng vào những ứng cử viên tiềm năng khác là 2 nhà khoa học Sajeev John (Canada) và Eli Yablonovitch (Mỹ) - những nhà vật lý học vào năm 1987 đã phát hiện ra các tinh thể quang tử có thể kiểm soát và điều khiển luồng ánh sáng.

Trong khi đó, bà Ulrika Bjorksten - một nhà bình luận khoa học của Đài Phát thanh công cộng Thụy Điển - nhận định Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển năm nay có thể tôn vinh những nghiên cứu trong lĩnh vực quang điện: chuyển đổi ánh sáng thành điện năng. Theo bà, nghiên cứu về perovskite (pêrôphít) - một khoáng vật được nhà khoa học Lev Perovski (người Nga) phát hiện vào thế kỷ 19 - có thể sẽ được ghi nhận năm nay. Bà đánh giá: “Ông ấy là khởi nguồn của việc vì sao lại có nhiều sự chú ý dành cho perovskite đến vậy". Những phát hiện gần đây cho thấy perovskite có thể hoạt động rất hiệu quả trong pin Mặt Trời màng mỏng có thể sẽ mang về cho nhà khoa học Lev Perovski giải Nobel Vật lý của năm nay. Ngoài ra, chuyên gia Bjorksten cũng cho rằng Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ ca ngợi thành tựu của ông Henry Snaith - một giáo sư vật lý người Anh đang làm việc tại trường Đại học Oxford và là người đang phát triển các vật liệu và cấu trúc mới cho pin Mặt Trời lai (hybrid).

Giới quan sát cũng đang hướng tới nhà khoa học Nam-Gyu Park (Hàn Quốc) với nghiên cứu cải thiện tính ổn định của pin quang điện. Tuy nhiên, theo bà Bjorksten, các nhà khoa học về quang điện có thể sẽ không được xướng tên trong năm nay vì lĩnh vực này quá rộng lớn. Bà nói: "Để lựa chọn người chiến thắng thực sự là điều khó khăn... do có quá nhiều người tham gia lĩnh vực này" .

Về phần mình, nhà báo Linus Brohult của Đài Truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT cho rằng chuyên gia vật lý vi mô Stephen Quake (Mỹ) xứng đáng đoạt giải với nghiên cứu về động lực học chất lỏng vi mô.

Năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã vinh danh 3 nhà khoa học: Syukuro Manabe (người Mỹ sinh tại Nhật Bản), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Italy) cho các công trình đột phá của họ trong việc dự đoán biến đổi khí hậu và những kiến thức về các hệ thống vật lý phức tạp.

Kể từ khi giải Nobel Vật lý bắt đầu được trao vào năm 1901, mới chỉ có 4 nhà khoa học nữ - là Marie Curie (người Pháp gốc Ba Lan, năm 1903), Maria Goeppert Mayer (người Mỹ gốc Đức, năm 1963), Donna Strickland (người Canada, 2018) và Andrea Ghez (người Mỹ, 2020) - giành được giải thưởng danh giá này.