Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nỗ lực giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm

PV - 16:17, 09/09/2018

Hiện nay, trên địa bàn cả nước vẫn diễn ra tình trạng các doanh nghiệp trốn tránh hoặc cố tình trì hoãn việc đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Để từng bước giải quyết tồn tại này, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp xử lý tình trạng nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp, bước đầu đã có kết quả tích cực.

 

nợ bảo hiểm Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thông tin về tình trạng nợ đọng BHXH.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp nợ đọng BHXH cao. Theo thống kê của BHXH TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2018, thành phố có hơn 12.440 doanh nghiệp nợ BHXH, với số tiền nợ hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,2% so với kế hoạch thu năm 2018.

Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Mính thì, trước thực tế này, BHXH thành phố đã đăng tải danh tính 166 đơn vị nợ BHXH kéo dài, với tổng số tiền nợ lên đến 547 tỷ đồng trên trang web của BHXH thành phố cũng như một số phương tiện truyền thông, nhằm nhắc nhở các doanh nghiệp, đơn vị đang nợ đọng tiền bảo hiểm.

Tại Thanh Hóa, trong năm 2017 có tới hơn 300 doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT của người lao động với số tiền gần 200 tỷ đồng. Để thu hồi số nợ đọng BHXH, thời gian qua, ngành BHXH Thanh Hóa liên tục đôn đốc thông qua văn bản và trực tiếp xuống đơn vị trao đổi, gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp để tiến hành thu hồi được số nợ theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2018, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT đang ở mức 3,3% so với tổng số phải thu (tương đương 6.700 tỷ đồng). Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: con số này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (giảm hơn 30%). Điều này cho thấy, sự nỗ lực rất lớn của ngành BHXH cũng như chứng minh các giải pháp của ngành đang phát huy hiệu quả.

Các cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng, bao gồm yêu cầu cán bộ, viên chức thường xuyên bám sát đôn đốc doanh nghiệp đóng kịp thời. Tiếp đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Đặc biệt, biện pháp công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, có tác động lớn, mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, toàn ngành BHXH đã thanh tra, kiểm tra được 11.756 đơn vị sử dụng lao động. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đơn vị nợ BHXH đã nộp về Quỹ số tiền hơn 519 tỷ đồng. Sau khi thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị tiếp tục nộp về Quỹ hơn 304 tỷ đồng. Qua công tác này, hàng chục nghìn người lao động cũng được bảo đảm về quyền lợi khi được tham gia BHXH, BHYT theo đúng quy định pháp luật…

Ông Đào Việt Ánh nhấn mạnh: thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, đặc biệt là tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Mục tiêu phấn đấu của BHXH Việt Nam trong năm 2018 là giảm nợ đọng xuống dưới 3% số phải thu và tính toán, con số này có khả năng thực hiện được bởi, quy định mới đã cho phép, BHXH Việt Nam được thanh tra và khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài.

ANH SƠN