Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nỗ lực đưa hàng Tết đến vùng sâu, vùng xa

PV - 11:53, 29/01/2019

Câu chuyện hàng hóa dịp Tết đang là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết cho người dân đúng nguồn gốc, chất lượng, tránh hàng giả, hàng nhái tưởng như câu chuyện đã cũ nhưng luôn luôn cần quan tâm, giải quyết.

Chợ phiên vùng cao những ngày giáp Tết. Chợ phiên vùng cao những ngày giáp Tết.

Đến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa trong dịp này có thể thấy nhiều nơi đã xuất hiện những điểm bán hàng lưu động cho người dân. Nhiều năm nay, chị Nguyễn Kim Oanh (Hoàng Su Phì, Hà Giang) thường được mua hàng hóa tại các điểm bán hàng lưu động do Sở Công thương tổ chức. Chị Oanh cho biết: “Tôi tin tưởng khi mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động. Hàng hóa phong phú, có nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là hàng Việt.

Người dân vùng sâu, vùng xa rất khó phân biệt hàng thật, hàng giả, nhất là dịp cuối năm, hàng hóa như “ma trận”, giá cả cũng có thể tăng bất thường mà họ cũng không lường hết được. Có thể thấy, để đảm bảo hàng hóa chất lượng phục vụ Tết Nguyên đán cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhiều địa phương đã nỗ lực đưa hàng về tận các xã, thôn bản xa xôi. Theo kế hoạch, từ ngày 13-26/01/2019, tỉnh Kiên Giang tổ chức 9 chuyến hàng hóa bình ổn giá về vùng sâu, biên giới và hải đảo phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Lượng hàng đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên 80 tấn, với tổng giá trị hơn 2,3 tỷ đồng. Hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá đa dạng, phần lớn là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp Tết như: gạo, nếp, đậu các loại; sữa, dầu ăn, nước chấm, đường, muối, gia vị, bánh, kẹo, mứt các loại; nhu yếu phẩm, thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát và một số mặt hàng kim khí, điện máy,…

Sở Công thương Hà Tĩnh cũng sớm triển khai công tác bình ổn hàng hóa, phối hợp cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Tổng giá trị kế hoạch dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, toàn tỉnh ước tính đạt gần 900 tỷ đồng, bao gồm: 6.224 tấn gạo, 612 lít dầu ăn, 480 tấn đường, 712 tấn rau củ quả, 719 tấn thực phẩm công nghiệp, 2.235 tấn thực phẩm tươi sống…Tết năm nay, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh phối hợp với Sở Công thương tổ chức 30-35 chuyến hàng Việt đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán nhằm cung ứng sớm và đầy đủ hàng hóa cho người dân với giá cả hợp lý, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng.

Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo công tác bình ổn thị trường Tết phải gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Để người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua được hàng chất lượng, đúng giá trong dịp Tết, Sở Công thương và các doanh nghiệp bán lẻ đã tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại nhiều điểm bán hàng di động, cố định, phiên chợ hàng Việt và hàng chục chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống.

Theo thông tin từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), từ đầu năm đến nay, Tổng cục DTNN đã xuất cấp trên 120 nghìn tấn gạo với tổng giá trị khoảng 1.186 tỷ đồng. Số gạo này để hỗ trợ Nhân dân các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ giáp hạt; khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai, dịch bệnh...

Việc đảm bảo hàng hóa dịp Tết cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đang được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa sẽ mua sắm được những mặt hàng Tết chất lượng, vui Xuân, đón Tết ấm áp, vui tươi.

THANH HUYỀN