Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ninh Thuận: Liên kết sản xuất trong vùng đồng bào DTTS

PV - 10:03, 08/12/2021

Nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ; đặc biệt, với việc hình thành và phát triển sâu rộng hoạt động sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Mô hình liên kết sản xuất lúa cánh đồng lớn tại xã Phước Thái (Ninh Phước), tạo thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS tại địa phương
Mô hình liên kết sản xuất lúa cánh đồng lớn tại xã Phước Thái (Ninh Phước), tạo thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS tại địa phương

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 32 DTTS, với 144.200 người, chiếm 24,4% tổng dân số của tỉnh. Kinh tế của người dân chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là đất đồi núi, bạc màu, không chủ động nước; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nên hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện bảo đảm lộ trình cơ cấu lại nông nghiệp tại vùng DTTS, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, các ngành chức năng và địa phương tăng cường vai trò phối hợp, tập trung rà soát, ban hành chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, giúp người dân từng bước tiếp cận khoa học - kỹ thuật, khắc phục thói quen sản xuất nhỏ lẻ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.

Thuận Bắc là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Vài năm trở lại đây, mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đã được quan tâm, thực hiện chặt chẽ. Tại các xã như Bắc Sơn, Công Hải, Phước Kháng là những khu vực thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, hằng năm, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng, UBND huyện đều tổ chức liên kết doanh nghiệp với nông dân để bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Ông Mang Bằng, ở thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn) chia sẻ: Năm 2019, gia đình chuyển 1 sào lúa sang trồng măng tây xanh. Nhờ tuân thủ quy trình canh tác, cây phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch 3 - 4 kg. Được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận thu mua với giá ổn định 50.000 đồng/kg, bà con rất phân khởi, không phải lo về đầu ra.

Theo ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, huyện Thuận Bắc đã thu hút được một số đơn vị liên kết sản xuất, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, như: Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang cung ứng vật tư, phân bón và thu mua mía của nông dân xã Phước Chiến; Công ty TNHH MTV Hưng Nông Phát thu mua đậu xanh ở các xã Công Hải, Bắc Phong; Công ty CP Cánh Đồng Việt liên kết trồng cây nha đam tại xã Bắc Sơn... Thông qua hình thức liên kết, người dân vùng đồng bào DTTS được tiếp thu kiến thức sản xuất mới, giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất.

Với nhu cầu thị trường như hiện nay, người nông dân trồng cây nha đam tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc hứa hẹn sẽ có một mùa màng bội thu
Với nhu cầu thị trường như hiện nay, người nông dân trồng cây nha đam tại xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc hứa hẹn sẽ có một mùa màng bội thu

Hoạt động liên kết sản xuất cũng phát triển mạnh ở huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái... Đặc biệt, các HTX nằm ở khu vực có đồng bào DTTS sinh sống đã làm tốt vai trò trong việc kết nối doanh nghiệp, lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc thù của đồng bào DTTS để tổ chức sản xuất.

Tiêu biểu như: HTX Phước An liên kết với đồng bào Raglay xã Phước Vinh trồng 300 ha bắp giống, năng suất bình quân 70 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với bắp thương phẩm. HTX Phước Hậu liên kết nông dân ở các thôn trên địa bàn thực hiện mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser trên diện tích 29,4 ha, mang lại lợi nhuận 30,4 triệu đồng/ha. HTX Tầm Ngân liên kết với bà con xã Lâm Sơn chuyên trồng ớt sạch, hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế đến tiêu thụ. HTX Tuấn Tú liên kết với Trang trại hữu cơ Tiên Tiến trồng 40 ha măng tây xanh, áp dụng đồng bộ tưới nước tiết kiệm, năng suất đạt 73 tạ/ha, sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường...

Anh Quảng Đại Luyến, Giám đốc HTX Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Như Bình, cho biết: Tất cả các thành viên trong HTX đều là người dân tộc Chăm, với mong muốn sản phẩm làm ra được tiêu thụ ổn định, chúng tôi luôn chú trọng hoạt động hợp tác với doanh nghiệp để tạo sự yên tâm cho các thành viên cũng như nông dân địa phương trong quá trình sản xuất. Với hơn 200 ha lúa liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố thực hiện theo mô hình “1 phải, 5 giảm” cho năng suất mỗi vụ đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha, nhiều hộ có thu nhập khá từ trồng lúa.

Nhằm giúp các hộ đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh và bền vững trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp các sở, ngành và địa phương xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trọng tâm của đề án không chỉ hướng đến huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp, HTX duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh./.