Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ninh Thuận: Khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020”

PV - 17:22, 08/10/2021

Tổ khảo sát của Tỉnh ủy Ninh Thuận do bà Chamaléa Thị Thủy, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Tổ trưởng vừa có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh và Huyện ủy Bác Ái về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020”.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Chamaléa Thị Thủy, chủ trì buổi làm việc
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Chamaléa Thị Thủy, chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, qua nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 12, các thành viên Tổ khảo sát nhận định, kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh nhìn chung có nhiều chuyển biến; đời sống nhân dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 28,8 triệu đồng/người/năm, tăng 51,2% so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3 - 4%. An sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo được gìn giữ và phát huy.

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% thôn có điện lưới quốc gia; 92% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% xã có trạm y tế; 16/37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Riêng tại huyện miền núi Bác Ái, các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, các chương trình phát triển KT-XH miền núi, vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách an sinh xã hội… được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc; mức tiếp cận của người dân với các dịch vụ xã hội được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện (bình quân 17 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm gần 6% (từ 32% xuống còn 28,75%) và không còn hộ thiếu đói.

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành liên quan đã tích cực tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm của tỉnh; lồng ghép, phân bổ các nguồn vốn ưu tiên cho địa bàn DTTS và miền núi; triển khai nhiều dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi; hỗ trợ phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số hạn chế, như: Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm đáng kể nhưng còn ở mức cao; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn hạn chế; thu nhập bình quân của các hộ đồng bào DTTS và miền núi còn thấp so với mức bình quân chung của tỉnh.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới huyện Bác Ái và các sở, ngành liên quan cần tích hợp, lồng ghép các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách đồng bộ, chặt chẽ; tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trọng tâm là triển khai hiệu quả Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng Nông thôn mới...

Đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là Quy chế dân chủ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; đề xuất, tham mưu các cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất vào các địa bàn khó khăn nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và đóng góp vào phát triển KT-XH của tỉnh./.