Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ninh Thuận: Đầu tư 24 tỷ đồng làm hệ thống cấp nước sạch nhưng người dân không có nước dùng

T.Nhân-H.Trường - 5 giờ trước

Năm 2019, Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận được giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Bình (huyện Bác Ái), với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng. Dự án được thiết kế với công suất 420m3/ngày đêm, mục tiêu cung cấp nước cho 928 hộ của 6/6 thôn của xã Phước Bình.

Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Bình (huyện Bác Ái), với tổng mức đầu tư gần 24 tỉ đồng
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Bình (huyện Bác Ái), với tổng mức đầu tư gần 24 tỷ đồng

Đến tháng 12/2020, khi đi vào hoạt động, Dự án đã lắp đường ống và đồng hồ nước đến tận nhà các hộ dân, nhưng lại không có nước. Điều này, khiến người dân bức xúc. Chị Pi Năng Thị Chén ở thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) cho biết: Khi nghe tin Dự án cấp nước được triển khai, ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.

Dự án cũng lắp đặt đường ống và đồng hồ đến tận nhà dân, nhưng nước chảy được vài hôm rồi tắt ngúm đến nay. Do không có nước nên gia đình chị phải gùi nước từ suối về sử dụng. Hôm nào không đi gùi nước được, thì phải mua 1 phuy nước giá 20.000 đồng. Nước mua này cũng là nước suối được hàng xóm bơm về sử dụng.

Còn theo ông Pi Năng Văn cũng ở thôn Bạc Rây 2, khu tái định cư nơi ông sống được xem là khu dân cư kiểu mẫu của xã, nhưng hàng trăm hộ dân vẫn không có nước sinh hoạt. Đồng hồ nước thì có nhưng không hoạt động, nên nhiều hộ đã phá bỏ. "Gia đình tôi phải đầu tư đường ống hơn 100m để bơm nước suối về vừa sử dụng sinh hoạt, vừa bán cho các hộ trong thôn".

Tương tự, ông Pi Năng Bắc cho biết: Trước đây, gia đình cũng được chính quyền lắp đồng hồ, kéo hệ thống nước sạch. Song do không có nước nên đồng hồ bị tháo bỏ. Chúng tôi phải mua nước của nhà ông Banh, bơm từ trên núi xuống với giá 20.000 đồng mỗi phi.

Theo báo cáo của UBND xã Phước Bình, địa phương hiện có ba công trình cung cấp nước. Tuy nhiên, chỉ 3/6 thôn của xã có nước sạch, người dân 3 thôn còn lại phải dùng nước từ hệ thống tự chảy hoặc nước sông, suối, giếng đào.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Xuân Tú, Phó Giám đốc phụ trách Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận cho biết: Tiểu dự án xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Phước Bình có tổng giá trị quyết toán gần 21 tỷ đồng. Sau đó, Dự án được bàn giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Thuận quản lý và vận hành. 

Dự án được thiết kế với công suất 420m3/ngày đêm đủ cung cấp cho 928 hộ của toàn xã Phước Bình. Hệ thống nước của Ban ODA đấu nối với các trạm tăng áp của hệ thống nước hiện hữu. Nguyên nhân không cấp nước đủ cho toàn xã, là do hệ thống tăng áp cũ của huyện không hoạt động, dẫn đến các thôn ở xa không có nước.

Đồng hồ nước tại nhà người dân đã lâu không sử dụng, hư hỏng
Đồng hồ nước tại nhà người dân đã lâu không sử dụng, hư hỏng

Về vấn đề này, ông Lương Công Đồng, đại diện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho hay: Trung tâm chỉ nhận bàn giao tài sản của Dự án. Trước khi tiếp nhận, Trung tâm đã rà soát và có báo cáo việc Dự án chỉ cấp nước được 3/6 thôn và yêu cầu đơn vị chủ đầu tư khắc phục. Tuy nhiên theo ông Đồng, chủ đầu tư không thực hiện.

Cũng theo ông Đồng, hiện nay UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, mở rộng hệ thống nước sinh hoạt tại xã Phước Bình. Việc này nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước nói trên.

Ninh Thuận là địa phương nắng nóng nhất cả nước, mỗi năm vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng. Nhà nước đã bỏ ra số tiền không nhỏ để đầu tư hệ thống nước sạch cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư không đồng bộ, dẫn đến tình trạng công trình xây dựng song nhưng không phát huy tác dụng, gây lãng phí tiền đầu tư. 

Trước thực trạng người dân không có nước dùng, phải bỏ tiền mua nước không đảm bảo vệ sinh; các đơn vị liên quan “đá bóng” trách nhiệm qua lại. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Ninh Thuận cần quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, để người dân có nước sạch để dùng.

Tin cùng chuyên mục
Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.