Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Niềm tin vào một giai đoạn phát triển mới của vùng đồng bào DTTS

Thanh Huyền - 19:32, 08/04/2022

Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS và miền núi) giai đoạn 2021 - 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại tỉnh Sóc Trăng đã tạo ra sức lan tỏa lớn khi nhiều giải pháp đã được đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi để tạo sự phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững cho vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc đã tạo động lực, tiếp thêm niềm tin đối với những người làm công tác dân tộc và đồng bào DTTS về một chặng đường phát triển mới.

Các đồng chí lãnh đạo tham dự và chủ trì Hội thảo
Các đồng chí lãnh đạo tham dự và chủ trì Hội thảo

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khẳng định: “Công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.

Những nội dung Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội quan tâm đó là, phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động; phát triển văn hóa, giáo dục; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS; tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, để người dân thật sự là chủ thể tham gia thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi… Đặc biệt, công tác phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương với các địa phương để triển khai thực hiện Chương trình.

Các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc cũng như những khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào DTTS.

Thông qua Hội thảo, những định hướng hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc và giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung cơ bản của Chương trình MTQG tiếp tục được đặt ra. Xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi nói chung và các chương trình MTQG trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2025 nói riêng. Bên cạnh đó là công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương.

Đồng thời, Hội thảo cũng làm rõ bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu thì phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào DTTS vươn lên làm giàu chính đáng…

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục chuyển biến tích cực. Ông Lâm Văn Mẫn tin tưởng rằng, thông qua Hội thảo, trên cơ sở làm rõ định hướng, giải pháp, cùng với sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL sẽ đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS. Chia sẻ của ông Lâm Văn Mẫn cũng là chia sẻ chung của lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL. Đó là sự quyết tâm, niềm tin vào một giai đoạn phát triển mới.

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS khu vực ĐBSCL đã được đặt ra tại Hội thảo. (Ảnh Minh họa)
Nhiều giải pháp phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS khu vực ĐBSCL đã được đặt ra tại Hội thảo. (Ảnh Minh họa)

Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG DTTS và miền núi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS sinh sống; quy hoạch phát triển sản xuất... chú trọng phát huy dân chủ, phát huy tối đa vai trò chủ thể của đồng bào DTTS và cộng đồng tham gia trực tiếp thực hiện, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình tổ chức thực hiện Chương trình. “Cùng với việc hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực hợp pháp và tổ chức lồng ghép các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình MTQG trên địa bàn để thực hiện đầu tư hiệu quả, nâng cao đời sống Nhân dân”, ông Nguyễn Lâm Thành chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đầu tư phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển. “Ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các chính sách liên quan trực tiếp đến Chương trình, cần tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư công, quy hoạch… để bổ trợ, xác định ưu tiên thu hút, huy động nguồn lực đầu tư trên địa bàn đồng bào DTTS sinh sống”, ông Trần Duy Đông nói.

Tại Hội thảo, một lần nữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhắc lại quyết định có tính lịch sử, khi lần đầu tiên Quốc hội đã phê duyệt một Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 là “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, tính đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách để phục vụ triển khai có hiệu quả Chương trình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã cơ bản hoàn tất. Người đứng đầu ngành công tác dân tộc đã thể hiện quyết tâm cao để Chương trình MTQG nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: “Chương trình MTQG DTTS và miền núi có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa”.

Với tinh thần trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá công việc đã làm được, nhận diện những khó khăn, vướng mắc và đề ra định hướng, giải pháp, bảo đảm đúng nội dung, đối tượng, tiến độ, đạt được kết quả thực hiện theo kế hoạch năm 2022 và trong mục tiêu kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...