Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “thủ lĩnh” thanh niên DTTS ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Lê Vũ - 10:20, 05/04/2023

Vượt lên những khó khăn của cuộc sống, tự mình tôi luyện, nâng cao tri thức, năng lực bản thân, nhiều thanh niên tại các vùng đồng bào DTTS của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã tự tin, mạnh mẽ khởi nghiệp, tạo việc làm cho nhiều người, tham gia tích cực các phong trào đoàn thể, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần quan trọng vào việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa... Họ thực sự thể hiện được vai trò là những "thủ lĩnh" thanh niên đầy nhiệt huyết nơi trong vùng đồng bào DTTS.

Đào Quốc Sương (người đứng nói trên bục) thời gian qua luôn được ví như "người anh cả của thanh niên Chơ Ro" thôn Lồ Ồ
Đào Quốc Sương (người đứng nói trên bục) thời gian qua luôn được ví như "người anh cả của thanh niên Chơ Ro" thôn Lồ Ồ

Anh cả của thanh niên thôn Lồ Ô

Trải qua tuổi thơ nhiều thiếu thốn, trong một gia đình thuần nông tại thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đào Quốc Sương (sinh năm 1996, dân tộc Chơ Ro), luôn nuôi dưỡng cho mình một hoài bão về việc, làm sao để bản thân và gia đình có thể thoát nghèo, vươn lên cũng như giúp đỡ mọi người trong làng quê mình phát triển. Do đó năm 2019, khi xuất ngũ trở về địa phương, Sương đã mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 1 cặp bò thịt và khởi nghiệp. 

Với bản tính cần cù, ham học hỏi, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn được tổ chức tại địa phương, cùng với việc nhạy bén trong phát triển kinh tế, biết cách xoay vòng vốn đầu tư nuôi thêm heo, gà, vịt, mỗi tháng Sương đã có được nguồn thu nhập đáng kể.

 Sau khi đã thay đổi được kinh tế của cá nhân và gia đình, vươn lên trở thành một tấm gương sáng, Sương bắt đầu huy động, tập hợp các thanh niên khác có cùng chí hướng để cùng phát triển kinh tế, từ đó tạo được nhiều  việc làm và thu nhập ổn định cho các thanh niên khác tại địa phương.

Không dừng lại ở việc làm kinh tế giỏi, năm 2019, Đào Quốc Sương cũng đồng thời được bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Lồ Ồ. Từ đó, anh tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại cơ sở, thành lập các Câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm, đem đến luồng sinh khí mới cho vùng quê này. Đơn cử như việc Sương đã tập hợp thanh niên trong thôn, thành lập CLB bóng chuyền, bóng đá tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa thanh niên dân tộc Chơ Ro với các dân tộc khác.

Nhờ nỗ lực và uy tín của anh Sương mà thanh niên thôn Lồ Ồ ngày càng tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn. Trước năm 2019, Đoàn viên thanh niên Chi đoàn thôn chỉ gần 20 người thì nay, con số đó đã tăng gấp đôi. Chi đoàn thôn Lồ Ồ đã trở thành đơn vị có số Đoàn viên thanh niên DTTS nhiều nhất huyện. Từ đó cho thấy, cũng không phải ngẫu nhiên mà người dân thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức nhiều năm nay đã quen với việc ví  Đào Quốc Sương là “người anh cả của thanh niên dân tộc Chơ Ro”.

Hành động vì cộng đồng

Hầu hết bà con tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đều không xa lạ gì với cái tên Lý Hồng Nam (dân tộc Chơ Ro) - một Bí thư Đoàn Thanh niên xã năng động, nhiệt huyết, hết lòng vì công tác xã hội. Mô hình tặng Thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo do anh đề xuất thực hiện, đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và bà con Nhân dân. 

Nam chia sẻ:” “Mẹ tôi mất vì ung thư. Khi chăm sóc mẹ trong bệnh viện, tôi thấy hiện nhiều người mắc căn bệnh này, ai có tham gia bảo hiểm xã hội thì chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm thanh toán. Nhưng nhiều người chưa hiểu rõ, không tham gia, việc lo tiền khám chữa gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định đăng ký thực hiện mô hình tặng Thẻ BHYT cho người nghèo, giúp bà con có thêm điểm tựa trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”.

Những “thủ lĩnh” thanh niên Dân tộc thiểu số ở Bà Rịa – Vũng Tàu 1
Lý Hồng Nam (ngoài cùng bên phải) là một " thủ lĩnh" thanh niên luôn có nhiều sáng kiến và mô hình hoạt động vì cộng đồng

Từ ý nghĩ đó, Nam mạnh dạn tham mưu với lãnh đạo Đảng ủy đăng ký mô hình và nhận được sự ủng hộ. Ban đầu số tiền để mua bảo hiểm được anh Nam vận động chủ yếu trong đoàn viên thanh niên. Một thời gian sau, với ý nghĩa thiết thực, nhiều mạnh thường quân đã tham gia góp sức. Bên cạnh việc tặng thẻ, thì Đoàn thanh niên đã lồng ghép công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc tham gia BHYT trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhờ vậy việc người dân tự nguyện tham gia BHYT đã được nâng lên đáng kể.

Ngoài việc tặng thẻ BHYT, Nam cùng các Đoàn viên thanh niên cũng thường xuyên nhận chăm sóc phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách các ngày lễ lớn đất nước. Vận động mạnh thường quân khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các hộ khó khăn; vận động trao tặng thẻ BHYT cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, trao học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo, đồng thời, tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, tháo dỡ các bảng quảng cáo, rao vặt sai quy định góp phần xây dựng xã văn hóa nông thôn mới… 

Lý Hồng Nam còn có sáng kiến xây dựng mô hình cảm hóa thanh niên chậm tiến, qua đó giúp nhiều người lầm lỗi thay đổi, thành những công dân tốt; xây dựng được 3 đội thanh niên xung kích tại các ấp tham gia tuần tra canh gác bảo vệ địa bàn, đảm bảo an ninh trật tự. Các mô hình trên đã phát huy có hiệu quả và được nhân rộng các ngành đoàn thể, các tổ dân cư.

Với nhiều đóng góp cho hoạt động đoàn, công tác xã hội địa phương, Lý Hồng Nam đã được khen tặng nhiều danh hiệu thi đua của huyện Đoàn và UBND huyện Đất Đỏ. Đặc biệt, vinh dự được tuyên dương thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác cụm miền Đông Nam Bộ lần thứ XIV năm 2019.

Trăn trở bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc

Cũng tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, Lý Văn Khánh (sinh năm 1991, người Chơ Ro), nguyên Bí thư Chi đoàn ấp Tân Thuận, xã Long Tân, hiện điều hành CLB Văn hóa truyền thống Chơ Ro. Vì luôn trăn trở trước việc các giá trị văn hóa dân tộc Chơ Ro đang có nguy cơ bị mai một, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Khánh quyết định kêu gọi, tập hợp đoàn viên thanh niên chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 

Khánh đã lồng ghép vào các buổi sinh hoạt Đoàn những trò chơi dân gian đặc sắc của dân tộc như đi cà kheo, nhảy bao bố, nhảy sạp…, tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề để các bạn trẻ hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. 

Khánh cũng đã tham mưu cho Tổ Dân vận ấp Tân Thuận, thực hiện mô hình Dân vận khéo “Vận động Nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc Chơ Ro”. Tranh thủ thời gian rảnh, anh cùng cán bộ trong Tổ Dân vận đến từng nhà vận động người dân tham gia sinh hoạt trong CLB cồng chiêng vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Những “thủ lĩnh” thanh niên Dân tộc thiểu số ở Bà Rịa – Vũng Tàu 2
Lý Văn Khánh (đứng thứ hai từ trái qua) luôn dành nhiệt tình và tâm huyết cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc

Tại các buổi sinh hoạt này, anh Khánh phổ biến kiến thức về bộ chiêng 7 chiếc, hát đối đáp trong lễ hội cho thành viên trong CLB. Anh Khánh còn cùng một số người cao tuổi trong ấp đến các vùng có đông đồng bào Chơ Ro đang sinh sống ở Đồng Nai, Bình Phước… để tìm kiếm, học hỏi để phục hồi lại các vật dụng bằng tre, gỗ cho giống với nguyên bản để trưng bày trong nhà sinh hoạt văn hóa Chơ Ro (ấp Tân Thuận).

Nhờ sự nhiệt tình và hết lòng vì cộng đồng của anh Khánh, mà các bạn trẻ, thanh niên dân tộc Chơ Ro trên địa phương, ngày càng tham gia nhiều hơn các hoạt động đoàn thể, thiện nguyện, biết yêu mến, quý trọng và giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Có thể nói Đào Quốc Sương, Lý Hồng Nam hay Lý Văn Khánh chính là những cá nhân tiêu biểu cho phong trào “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra. Họ là tấm gương người DTTS đã có cách làm hay, sáng tạo, là những thủ lĩnh thanh niên thực thụ, thu hút ngày càng nhiều người trẻ là đồng bào DTTS tích cực tham gia vào công tác Đoàn, Hội, để ngày càng nhiều hơn những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sáng tạo vì cuộc sống cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).