Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “sứ giả ” triệu view của núi rừng

Hồng Phúc - 09:14, 21/03/2022

Những năm gần đây, số lượng youtuber (người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội Youtube) đang ngày càng nhiều. Không chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn, nhiều youtuber tại các tỉnh miền núi, vùng DTTS cũng bắt kịp xu hướng này. Họ đã góp một phần công sức vào việc quảng bá du lịch, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa của cộng đồng dân tộc mình, thông qua nhiều video độc quyền và có sức hút lớn.

Một buổi đi rừng bội thu của chị Yến (Ảnh FB nhân vật)
Một buổi đi rừng bội thu của chị Yến (Ảnh FB nhân vật)

Những sắc màu đặc trưng trên mạng xã hội

Youtuber được coi là một nghề mới, khá lý tưởng với nhiều người trẻ, vì nó có thể giúp người sản xuất nội dung trên kênh Youtube, kiếm tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng khi có nhiều view (lượt xem).

Hiện tại ở Việt Nam, có hàng chục nghìn người làm Youtube chuyên nghiệp, đặc biệt số lượng ngày càng đông hơn qua 2 năm dịch bệnh Covid-19. Khi giãn cách xã hội, mọi hoạt động du lịch giải trí bị ngưng trệ, xu hướng làm việc Online tại nhà phổ biến, thì những nội dung trên mạng xã hội này, là món ăn không thể thiếu mỗi ngày đối với nhiều người.

Tuy nhiên, không chỉ có những youtuber ở các thành phố lớn, số lượng kênh Youtube xuất hiện ở các tỉnh miền núi, vùng DTTS cũng đang ngày càng gia tăng, mang đến những bản sắc rất riêng trên mạng xã hội (MXH) này, nơi mà “người người, nhà nhà làm Youtube”. 

Vợ chồng Lưu Thị Hoàng Yến, Nguyễn Văn Hợp, thôn Chanh 1, Thái Bình (Yên Sơn, Tuyên Quang) đang sở hữu kênh “Đôi đũa tre”, thu hút hàng triệu lượt xem. Kênh “Đôi đũa tre” được thành lập từ năm 2019, nội dung của kênh là cuộc sống miền sơn cước.

Với ý tưởng là làm video trải nghiệm cuộc sống núi rừng, hai người đã quyết định lên núi Cổng Trời, xã Tràng Đà (TP. Tuyên Quang) để sống theo kiểu du mục. Hằng ngày, 2 vợ chồng chị Yến sinh hoạt ở lán trại, cùng lên ý tưởng, kịch bản và quay các video. Sau một tuần lại về nhà để dựng hoàn thiện video và tải lên kênh của mình.

Chỉ sau 6 tháng, chủ nhân của kênh “Đôi đũa tre” đã được Youtube trao nút Bạc (nút bạc Youtube là phần thưởng được Youtube trao tặng dành cho chủ sở hữu của các kênh video cán mốc 100.000 đăng ký theo dõi).

Một trong những hoạt động của kênh Đôi đũa tre (Ảnh FB nhân vật)
Một trong những hoạt động của kênh Đôi đũa tre (Ảnh FB nhân vật)

Hiện tại, kênh đang có 245 nghìn lượt theo dõi, khán giả sẽ dễ dàng thấy các video tiêu biểu thu hút nhiều lượt xem như “Sinh tồn trong rừng”, “Tự làm máng uống nước tự động”, “Ghế võng”, “Sống ở căn nhà mới giữa đại ngàn”, “Dựng bếp mới”… Hầu hết các video đều đạt đến trên 50 nghìn lượt xem. Trong đó có video “Ghế võng” kỷ lục với 3 triệu lượt xem.

Thế nhưng, không chỉ có những người trẻ tham gia sáng tạo nội dung trên MXH này, đã xuất hiện những youtuber ở tuổi ông, tuổi bà.

“Hương sắc Xứ Lạng”, là một trong những kênh Youtube tiêu biểu như vậy, kênh thu hút lượng lớn lượt xem hiện nay. Đây là kênh của ông Hoàng Việt Chiến (57 tuổi, dân tộc Tày), khối 10, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn.

Tính đến tháng 2/2022, kênh đã đăng tải được 414 video, thu hút hơn 8,1 nghìn người đăng ký, trung bình mỗi video có khoảng 60.000 đến 100.000 lượt người xem. Nội dung của kênh chủ yếu giới thiệu những nét văn hóa về lễ hội, phong tục tập quán, dân ca… của Lạng Sơn.

Ông Chiến cho biết, trung bình mỗi tháng, ông thực hiện được 10 video, chủ yếu là về hát then. “Lan tỏa các giá trị văn hóa của quê hương là mục đích cũng như động lực để tôi thành lập kênh và hằng ngày sản xuất các video”, ông Chiến nói.

Các Youtuber chuyên nội dung về du lịch, ẩm thực ở vùng Tây Bắc như Hoa ban Food, Sapa TV, Nhịp sống Tây Bắc, Về miền Tây Bắc, Hoa ban Tây Bắc, Trình tường TV, Gái bản, Trai bản, Rubathan, Giàng A Pháo, Nguyễn Tất Thắng… gần đây cũng được khá nhiều người quan tâm, theo dõi. 

Dẫu rằng, rất khó để họ vươn tới vị trí của những youtuber nổi tiếng và dẫn đầu danh sách hàng triệu người theo dõi, đạt hàng tỷ lượt truy cập như nghệ sĩ, những người nổi tiếng, nhưng sự đóng góp của họ trong việc quảng bá du lịch, ẩm thực và văn hóa của cộng đồng dân tộc mình là không hề nhỏ.

Các youtuber như những hướng dẫn viên du lịch đang miệt mài giới thiệu cho du khách về phong tục, con người nơi họ sinh sống. (ảnh minh hoạ)
Các youtuber như những hướng dẫn viên du lịch đang miệt mài giới thiệu cho du khách về phong tục, con người nơi họ sinh sống. (ảnh minh hoạ)

Những "sứ giả" văn hoá, du lịch nhiệt huyết

Chỉ vài năm trở lại đây, những đột phá trong suy nghĩ và hành động của nhiều người, đặc biệt người trẻ, đã tạo ra những giải pháp bất ngờ trong gìn giữ, bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại, khi họ đã chủ động và trách nhiệm với những hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Các youtuber như những hướng dẫn viên du lịch đang miệt mài giới thiệu cho du khách về phong tục, con người nơi họ sinh sống. Không có gì chân thật, sống động hơn bằng các video mà họ tải lên mỗi ngày.

Kênh của những youtuber là người địa phương, người đồng bào DTTS đã đưa khán giả khám phá cảnh đẹp, văn hoá dọc miền đất nước. Ưu điểm mà ta thấy ở những sản phẩm văn hoá này, là độ “chuẩn”, khi nó được tạo ra từ chính người DTTS, sẽ không có những sai lệch, hiểu lầm như cách mà chúng ta vẫn thấy ở những người chỉ làm video với mục đích lợi nhuận.

Thực tế, chỉ cần một điểm du lịch, ẩm thực đăng tải trên MXH, sẽ có nhiều người nhấn thích, bình luận, chia sẻ; cộng đồng mạng cũng không bỏ qua cơ hội trải nghiệm cùng gia đình, bạn bè… đến tận nơi tìm hiểu, chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Chúng ta có thể nhìn thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của MXH, đã tác động đến lĩnh vực văn hoá, du lịch. Hiện nay, những youtuber cũng không đứng ngoài công tác bảo tồn văn hoá, cũng như chung tay đóng góp cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm “uể oải” vì dịch Covid-19.

Bạn Phan Ngọc Huy chia sẻ: “Năm 2021 dịch bệnh vừa qua, dù không thể ngao du đến những vùng đất xa xôi, nhưng lại có thời gian xem và chiêm nghiệm những video trên Youtube của những kênh các bạn DTTS làm, tôi phát hiện ra rằng Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, … là những vùng đất cực kỳ thú vị với những nét văn hoá đặc sắc và ẩm thực độc đáo. Chính những youtuber đang truyền cảm hứng cho mình sẵn sàng xách balo và đi đến nơi ấy”.

Có thể nhận định, công nghệ số ngày nay đang dẫn dắt xu hướng đi du lịch và cách trải nghiệm, hưởng thụ các dịch vụ tại các điểm du lịch. Với đặc tính miễn phí, siêu kết nối, độ lan tỏa lớn và dễ đo lường cảm xúc, MXH nói chung và Youtube nói riêng, trở thành công cụ hữu hiệu để giới thiệu hình ảnh văn hoá, du lịch hấp dẫn, thân thiện, mến khách của các địa phương.

Trong khi các cách thức truyền thông, quảng bá cũ, đã bắt đầu đi vào lối mòn, lạc hậu thì việc tiếp cận, khai thác mạng xã hội của những youtuber núi rừng đang hứa hẹn trở thành bảo tàng di động cho mỗi địa phương. Trách nhiệm, chủ động và nhiệt huyết, họ đang dùng hình ảnh, thương hiệu của cá nhân để quảng bá cho chính văn hoá của cộng đồng mình, trở thành những đại sứ thân thiện.