Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những quyết sách làm thay đổi vùng DTTS và miền núi ở Quảng Ninh: Ưu tiên nguồn lực để đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững (Bài 3)

Mỹ Dung- Việt Hà - 10:04, 11/12/2023

Ngoài việc ban hành những chính sách đặc thù trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tỉnh Quảng Ninh cũng đã đưa ra những định hướng, chủ trương lớn trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo. Những quyết sách quan trọng này đã và đang phát huy hiệu quả, từng bước hoàn thành việc thực hiện mục tiêu xuyên suốt mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra là, xóa bỏ rào cản chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo và hướng đến phát triển bền vững.

Người Dao xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ trồng cây dược liệu dưới những tán rừng gỗ lớn
Người Dao xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ trồng cây dược liệu dưới những tán rừng gỗ lớn

Phát huy hiệu quả nguồn lực từ cơ chế chính sách

Quảng Ninh hiện có 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Việc phát triển kinh tế, thu nhập và việc làm của phần lớn người dân, nhất là bà con sinh sống ở khu vực này, chủ yếu dựa vào ngành nông, lâm nghiệp. Do đó, tỉnh chú trọng ưu tiên xây dựng và ban hành nhiều chính sách tạo sinh kế, đảm bảo an sinh...giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết "Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đây là Nghị quyết đầu tiên của tỉnh chuyên về phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nghị quyết ban hành gắn liền với những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lĩnh vực này đã và đang tạo nguồn lực cho các chủ rừng quyết tâm đổi mới phương thức sản xuất lâm nghiệp truyền thống với chu kỳ ngắn hạn, hiệu quả kinh tế thấp, quy mô nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất bền vững với chu kỳ kinh doanh dài hạn, gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Sau hơn 2 năm triển khai thí điểm tại thành phố Hạ Long và huyện Ba Chẽ, đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ trên 34 tỷ đồng để trồng mới 1.656,2ha rừng gỗ lớn. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9.460ha, trong đó 631,8ha lim, dổi, lát.

Rừng trồng cây gỗ lớn vòng đời cây dài, lớp thực bì phát triển tốt, lợi thu được lâm sản sau gỗ, rừng sản xuất có thêm chức năng phòng hộ, tạo nguồn sinh thủy
Phát triển trồng rừng gỗ lớn ở vùng DTTS, miền núi Quảng Ninh

Đặc biệt, từ tháng 3/2021, thực hiện Nghị quyết số 337 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh về chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, các hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống (tối đa 15 triệu đồng/ha) và hỗ trợ vay vốn sản xuất. Chính sách này đã tạo động lực để nhiều hộ dân chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Mính chứng như ở thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm (TP. Hạ Long) có 156 hộ dân, với khoảng 740 người, chủ yếu là dân tộc Dao Thanh Phán. Đời sống kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu làm lâm nghiệp. 

Ông Bàn Tài Vi, Người có uy tín thôn Đồng Trà chia sẻ, trước kia, người dân ở đây chủ yếu trồng keo, nhưng càng ngày nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây keo mang lại cũng chỉ giải quyết thêm được phần nào nguồn thu nhập. Do vậy, tranh thủ chính sách đầu tư của tỉnh, thời gian gần đây, người dân đang dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó nhiều hộ đang có ý định chuyển sang trồng cây gỗ lớn, vừa đảm bảo môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn sinh thủy đầu nguồn.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã về đích Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trước ba năm theo tiêu chí của Trung ương. Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh, thực hiện cho vay tại 67 xã, thị trấn. Ngay sau khi được cấp vốn, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh phân bổ vốn cho các địa phương nhanh chóng giải ngân nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn. 

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn, với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Anh Triệu Tiến Lộc, thôn Bàng Anh, xã Tân Dân, TP.Hạ Long cho biết: Gia đình được giao quản lý 30ha rừng, trong đó có 9ha rừng lim có giá trị kinh tế cao. Để duy trì rừng lim hàng chục năm tuổi, được sự hỗ trợ của chính quyền, cùng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, gia đình triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như ba kích, trà hoa vàng, sâm cát với cách làm "lấy ngắn nuôi dài", do đó, gia đình vẫn đảm bảo được nguồn thu trang trải cuộc sống hàng ngày.

Tạo bước đột phá mới trong vùng đồng bào DTTS 

Cùng với phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những định hướng về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, có giá trị kinh tế cao.

Để thực hiện hiệu quả định hướng này, Quảng Ninh đẩy nhanh việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án giao đất giao rừng trên địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. 

Đến nay, tổng diện tích rừng, đất rừng đã được UBND cấp huyện giao, cho thuê trên 139.313 ha, với 34.309 hộ tập trung tại các huyện miền núi. Đây là hướng đi mới vừa phát huy lợi thế đất đai, trồng rừng gỗ lớn kết hợp cây dược liệu bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con vùng DTTS taị các huyện miền núi.

Vỏ quế sau khi khai thác được thu gom, chế biến mang đi tiêu thụ
Vỏ quế sau khi khai thác được thu gom, chế biến mang đi tiêu thụ

Đặc biệt, nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, Quảng Ninh đã ưu tiên dành nguồn kinh phí lớn, trong 3 năm 2021, 2022 và 2023, với số tiền bố trí 2.633 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để thực hiện  Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Quảng Ninh dự kiến tập trung đầu tư, hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng động lực, thiết yếu trên các lĩnh vực nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

Ngoài ra, tỉnh huy động nhiều nguồn lực lồng ghép để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ví dụ như trong năm 2023, Quảng Ninh đã đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ cho hơn 270 hộ gia đình có nhà tạm, dột nát, với kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Từ chủ trương, định hướng chính sách này, giúp cho hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về đất ở, nhà ở được sống trong những căn nhà vững chắc, ổn định cuộc sống.

Bằng các giải pháp đồng bộ, đời sống đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, thu nhập nâng cao, khoảng cách chênh lệch vùng miền trong tỉnh từng bước được rút ngắn. Cụ thể, trong 2 năm (2021- 2022), số hộ nghèo thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh giảm từ 1.056 hộ xuống còn 170 hộ, trong đó số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 957 hộ xuống còn 155 hộ. Năm 2023, số hộ nghèo DTTS tiếp tục giảm sâu.

Có thể thấy, từ những quyết sách đúng và phù hợp với tình hình thực tế địa phương, như phát triển giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực-đầu tàu dẫn dắt xuyên suốt trong quá trình triển khai các giải pháp; coi trọng sức khỏe chất lượng đời sống Nhân dân và ưu tiên nguồn lực cho sinh kế bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh..., chính là những quyết sách quan trọng để thực hiện được mục tiêu xuyên suốt mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra là, xóa bỏ rào cản chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo và hướng đến phát triển bền vững.