Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những phép tắc ứng xử trong văn hóa ăn uống của người Chăm

Nguyệt Anh (T/h) - 18:18, 11/07/2021

Người Kinh có câu "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", còn với người Chăm, ăn uống hàng ngày hay ngày đình đám đều phải tuân theo các phép ứng xử có từ lâu đời.

Trong phép tắc ăn uống của người Chăm, những vị chức sắc luôn được bố trí ngồi mâm trên (Trong ảnh: Các vị chức sắc đang thực hiện một nghi lễ cúng)
Trong phép tắc ăn uống của người Chăm, những vị chức sắc luôn được bố trí ngồi mâm trên (Trong ảnh: Các vị chức sắc đang thực hiện một nghi lễ cúng)

Hàng ngày, người Chăm trải chiếu hoặc cà tăng theo chiều Đông - Tây để dọn ăn. Buổi sáng và buổi chiều thường dọn ăn ngoài sân, còn buổi trưa ăn trong hiên nhà. Thức ăn được dọn trên mâm và ngồi theo thứ bậc trong gia đình. Người phụ nữ (mẹ, chị) thường ngồi gần nồi niêu vừa ăn vừa bổ sung thức ăn cho mọi người.

Người Chăm không cầu nguyện trước khi ăn. Bữa ăn bắt đầu khi người lớn tuổi cầm đũa. Trong lúc ăn không được nói chuyện nhảm hoặc cãi cọ, không để rơi vãi hạt cơm. Ngoài ruộng rẫy, nếu không phải là buổi cúng thì bữa ăn không cần dọn trên mâm mà bê đặt dụng cụ đựng thức ăn chính giữa, mọi người dùng chung. Và mọi thành viên ngồi xung quanh, không theo thứ bậc.

Trong đình đám, tùy theo tính chất và đạo giáo Bàlamôn hay Bàni mà người Chăm có cách dọn ăn khác nhau. Nếu là đám tang ở cả hai đạo giáo dọn ăn theo chiều Bắc - Nam, còn nếu là các đám khác như đám cưới, hoặc lễ cúng thần thánh, họ dọn ăn theo chiều Đông - Tây.

Người Chăm Bàlamôn bày thức ăn trên mâm cho hai hoặc bốn người. Còn người Chăm Bàni chỉ bày thức ăn trên mâm cho hai vị cao niên hoặc chức sắc ngồi trên cùng (gọi là mâm trên). Những mâm dưới sẽ bày thức ăn trực tiếp trên mặt chiếu.

Người đàn ông Chăm dùng cơm nơi đình đám cũng như ở nhà đều ngồi cùng tư thế xếp bằng.
Người đàn ông Chăm dùng cơm nơi đình đám cũng như ở nhà đều ngồi cùng tư thế xếp bằng.

Các vị chức sắc ở hai đạo giáo tham gia cúng kính trong nhà lễ (Kajang), khi ngồi vào mâm thụ lễ đều phải ngồi duỗi chéo chân và cắn hạt muối và thực hiện nghi thức xin phép bằng động tác và lời niệm thầm trong miệng. Người đàn ông Chăm dùng cơm nơi đình đám cũng như ở nhà đều ngồi cùng tư thế xếp bằng. Còn người đàn bà tư thế duỗi chéo chân như các vị chức sắc, đó là tư thế chuẩn mực bắt buộc. Trong bất kỳ đình đám nào, người đàn ông cũng được mới ăn uống trước mới đến phụ nữ.

Trong lễ cưới hai vợ chồng son được cùng ăn trên một cái mâm với nhiều thức ăn thể hiện sự chung thủy, gắn bó và giàu có.

Có thể thấy, ứng xử trong bữa ăn đã trở thành nếp, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Chăm. Qua đó, chúng ta không chỉ thấy được nét đẹp về văn hóa ứng xử , tôn giáo mà còn thấy được tính cách của mỗi người.