Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết nơi miền Tây xứ Nghệ

Nguyễn Thanh – CTV - 07:23, 25/11/2022

Đảng tin, dân mến, nhiều đảng viên nữ người DTTS ở miền tây xứ Nghệ đã được bầu và giao trọng trách là bí thư chi bộ, trưởng bản. Hình ảnh những nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết, trách nhiệm không chỉ khẳng định khả năng của người phụ nữ, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, suy nghĩ của đồng bào vùng cao về vị thế, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Bí thư chi bộ bản Châu Sơn La Thị Vân trao đổi với lãnh đạo Đảng uỷ xã Châu Khê về tình hình thôn bản - ảnh CTV
Bí thư Chi bộ bản Châu Sơn - La Thị Vân, dân tộc Đan Lai thường xuyên trao đổi, báo cáo với lãnh đạo Đảng uỷ xã Châu Khê về tình hình thôn bản - ảnh CTV

Sự kiện tháng 6 năm 2022, việc nữ đảng viên La Thị Vân (sinh năm 1996) được bầu làm Bí thư chi bộ-người “đứng mũi chịu sào” của bản là “chuyện lớn” đối với đồng bào Đan Lai ở Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Bởi những người cùng trang lứa với chị, sau khi lấy chồng là gần như không tham gia vào việc cộng đồng. Còn với chị La Thị Vân, ngay từ khi là thanh niên, đến lúc lấy chồng, rồi sinh hai người con, chị vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, hoàn thành xuất sắc vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản. Năm 2019, chị La Thị Vân còn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tháng 6 năm 2022, Vân được các đảng viên, Chi bộ tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ bản Châu Sơn.

Bản có 222 hộ, hơn 850 khẩu người Đan Lai, chia làm 2 cụm, trong đó cụm ở Khe Nóng, cách cụm chính gần 30km. Đời sống của người dân Châu Sơn còn nhiều khó khăn, đàn ông thì đi làm ăn xa, phụ nữ ở nhà chăn nuôi, ai thuê gì làm nấy, bởi đất sản xuất ít, chỉ 50% người dân trong bản có ruộng, nhà có ruộng cũng chỉ được bình quân tầm 200-300m².

“Đứng mũi” ở địa bàn khó khăn đặc thù là thách thức lớn với nữ Bí thư Vân. Mỗi lần họp, Chi ủy, Ban quản lý bản phải di chuyển tới 2 nơi, vào mùa mưa hoặc khi thời tiết không thuận lợi đường vào cụm trong rất khó khăn, vì phải di chuyển qua 4 khe suối. Có năm, việc tổ chức các ngày lễ như trung thu, 1/6 cho các cháu cụm trong còn bị chậm vì nước to, đường không thể vào được.

Tuy nhiên, tinh thần nhiệt huyết, tận tâm với công việc của cộng đồng, chị đã  cùng với cấp ủy Chi bộ và Ban Quản lý bản, khắc phục khó khăn, triển khai nhiều hoạt động thiết thực “vì dân” xuống đến từng cụm, từng gia đình. Như việc chị đứng ra kêu gọi ủng hộ kinh phí, ngày công, tiền, gạo giúp đỡ các hộ khó khăn, hoạn nạn. Trong đó có hộ ông La Văn Hồng bị cháy nhà, hộ ông Lang Văn Đào bị sạt lở di dời nhà, ổn định cuộc sống.

Theo Trưởng bản Châu Sơn- La Thanh Bình, đồng chí Vân rất nỗ lực, luôn giữ vai trò đầu tàu trong mọi phong trào được cán bộ, đảng viên và người dân tín nhiệm, nên những việc chị Vân phát động, bà con đều tích cực tham gia. Chẳng hạn như việc phát động đào móng xây kè nhà văn hoá, mỗi hộ huy động 1 người tham gia, nhưng gia đình Bí thư Chi bộ thì đi cả hai vợ chồng…”.

Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, Tương Dương Vừ Y Dở (thứ ba, phải sang) cùng cán bộ bản kiểm tra công tác vệ sinh môi trường thôn bản - ảnh CTV
Chị Vừ Y Dở, Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, Tương Dương (người thứ ba, từ phải sang) cùng cán bộ bản kiểm tra công tác vệ sinh môi trường thôn bản - ảnh CTV

Với người dân bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, thì Trưởng bản Vừ Y Dở, là niềm tự hào lớn. Nhớ lại thời điểm năm 2003, khi Y Dở 25 tuổi đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Y Dở kể: Mới đầu cũng ngại vì phụ nữ Mông xưa nay vốn không được tham gia bàn chuyện trong gia đình, nói gì ngoài xã hội. Nhưng được tiếp thu nhiều kiến thức, giao tiếp nhiều, mình đã hiểu phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới, cũng có thể đóng góp ý kiến xây dựng bản làng, nên đã mạnh dạn, tự tin hơn.

Đến năm 2020, Chi bộ đã tín nhiệm bầu chị Y Dở làm Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông. Việc đưa phụ nữ lên làm lãnh đạo thôn bản, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của người Mông nhưng cũng là khẳng định cho sự tín nhiệm của bà con dân bản đối với nữ đảng viên trẻ năng động, trách nhiệm và tâm huyết với việc làng, việc xã.

Theo thống kê sơ bộ huyện Quế Phong có 23 đảng viên nữ DTTS làm bí thư chi bộ, trưởng khối, thôn, bản; huyện Quỳ Châu có 26 đảng viên nữ DTTS là bí thư, phó bí thư chi bộ thôn bản; huyện Con Cuông có 33 đảng viên nữ DTTS đang làm bí thư chi bộ và 14 người làm trưởng khối, thôn, bản; huyện Tương Dương có 27 nữ DTTS đang làm bí thư, trưởng khối, thôn, bản… 

Gánh trọng trách nặng nề, Y Dở đã cùng Chi ủy, Chi bộ và Ban quản lý bản luôn trăn trở làm thế nào để người dân ấm no, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Ngoài vận động người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, Chi bộ bản Lưu Thông còn huy động sức dân làm đường giao thông lên khu sản xuất, làm cổng chào, giữ vệ sinh môi trường thôn bản, thực hiện tốt quy chế chăn nuôi có chuồng trại cố định. 

Từ nhiều năm nay, bản thuộc diện “3 không”: Không có người nghiện ma túy, không có người vi phạm pháp luật, không có người thụ án tù, được chọn để xây dựng mô hình “Bản làng không có ma túy” và CLB “Bảo tồn và phát triển văn hoá bản Mông”.

Hỏi bí quyết để bà con “ưng cái bụng” và tin theo sự “dẫn lối” của Chi bộ bản, chị Vừ Y Dở cười: “Cứ người thật, việc thật, hiệu quả thật thì dân bản tin thôi, muốn vậy thì cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu đi đầu!”.

Với uy tín, trách nhiệm của mình, tháng 4/2022 chị Vừ Y Dở tiếp tục được bầu Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông.

Các tuyến đường chính và đường nhánh ở bản Pục, huyện Quế Phong đã được bê tông hoá - ảnh CTV
Các tuyến đường chính và đường nhánh ở bản Pục, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong đã được bê tông hoá - ảnh CTV

Thăm bản Pục - bản đồng bào Thái thuộc xã biên giới Nậm Giải, huyện Quế Phong, ấn tượng đầu tiên là những tuyến đường đổ bê tông sạch sẽ bao phủ từ trục chính đến các tuyến nhánh. Bí thư Chi bộ bản Pục là Ngân Thị Phượng, sinh năm 1987, nữ Trưởng bản duy nhất ở Nậm Giải, cho hay: “Đường mới làm xong, xi măng do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ, còn bản vận động Nhân dân đóng góp ngày công và kinh phí 36 triệu đồng mua cát sỏi để làm 5 tuyến chính, 2 tuyến phụ. Trên tinh thần “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, Ban quản lý bản phân công 2 tổ dân cư làm 1 tuyến đường. Nhờ vậy đường giao thông ở bản Pục đã gần như được làm mới toàn bộ”.

Qua hai nhiệm kỳ làm “thủ lĩnh” thôn bản, Phượng tâm sự: Phụ nữ gánh trách nhiệm “vác tù và” nên bản thân phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành việc bản, nhất là chỉ đạo vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, ngoài trồng 30ha quế, 20ha keo, người dân bản Pục còn tích cực chăn nuôi trâu bò. Hầu như gia đình nào cũng có từ 5-6 con trâu bò, nhà nhiều lên tới 38 con…

Nhận xét về nữ “thủ lĩnh” bản Pục Ngân Thị Phượng, ông Sầm Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải, huyện Quế Phong khẳng định: Đó là một trưởng bản năng nổ, nhiệt tình, giỏi việc thôn bản, đảm việc nhà, được dân mến, Đảng tin.

Ba nữ đảng viên, ba người thủ lĩnh ở bản làng, là những điển hình trong rất nhiều những phụ nữ tham gia hệ thống chính trị và công tác xã hội hoạt động tại các thôn, bản. Dù mỗi người có phương pháp hoạt động riêng, nhưng các chị có điểm chung là đều “lấy dân làm gốc” nên được người dân tin tưởng, ủng hộ. Điều đáng ghi nhận là những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, nhiều đảng viên nữ DTTS được tín nhiệm giao trọng trách “đứng mũi chịu sào” ở cơ sở.