Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những “nhịp cầu” nối ý Đảng với lòng Dân

Nhóm PV - 08:45, 04/05/2024

Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS là “hạt nhân” trong các phong trào ở cơ sở, là nhịp “cầu nối” ý Đảng với lòng Dân. Vai trò của Người có uy tín càng được phát huy hơn khi tiếng nói của họ được chuyển tải kịp thời đến các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc, Báo Dân tộc và Phát triển đã ghi nhận một số tâm tư, nguyện vọng của Người có uy tín trong đồng bào DTTS, đóng góp tâm huyết để góp phần thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Ông Bàn Tài Vi, dân tộc Dao
Ông Bàn Tài Vi, dân tộc Dao

Ông Bàn Tài Vi, dân tộc Dao, Người có uy tín thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: Những Người có uy tín như chúng tôi đều rất tâm huyết, luôn cố gắng hết sức để tuyên truyền, vận động bà con; tuy nhiên kỹ năng tiếp cận văn bản, nắm rõ chủ trương, chính sách vẫn còn hạn chế. Nắm bắt được điều này, hằng năm Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cũng như Phòng Dân tộc TP. Hạ Long đã tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến cho chúng tôi các luật mới, văn bản mới, từ đó kết hợp với thôn, xã để tuyên truyền cho người dân, phổ biến cho người dân, hỗ trợ giải thích, phân tích cho người dân thêm hiểu về pháp luật cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Từ những kiến thức qua các lớp tập huấn cùng các chuyến đi tham quan thực tế học tập, tôi cũng như toàn thể đội ngũ Người có uy tín thêm dày dặn kiến thức, kinh nghiệm và lý lẽ để phân tích, giảng giải cũng như vận động người dân hơn. Đây cũng là cách để đội ngũ Người có uy tín gắn bó, học hỏi nhau.

Tôi rất mong trong thời gian tới sẽ có thêm các lớp tập huấn, tham quan thực tế cho đội ngũ Người có uy tín để chúng tôi có thêm cơ hội học tập, trao đổi và chia sẻ với nhau khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm để việc vận động bà con vùng DTTS ngày một hiệu quả hơn. Mặt khác, cũng nên mở rộng chính sách hỗ trợ cho những Người có uy tín để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, yên tâm với nhiệm vụ được giao.

Ông Y Krúr Ayun, dân tộc Ê Đê
Ông Y Krúr Ayun, dân tộc Ê Đê

Ông Y Krúr Ayun, dân tộc Ê Đê, Người có uy tín buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk: Thời gian qua, bên cạnh đầu tư hạ tầng nông thôn, chính quyền địa phương cũng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế, bà con chí thú làm ăn, cuộc sống của bà con ngày càng ấm no. Với sự quan tâm đó, cả buôn Đrao có gần 440 hộ, hơn 1.250 khẩu, bây giờ chỉ còn gần 40 hộ nghèo, cận nghèo.

Xác định rõ việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là yêu cầu quyết định để phát triển bền vững nên thời gian qua, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, với vai trò là Người có uy tín, tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bản thân là người Ê Đê, tôi hiểu ngôn ngữ, nắm rõ phong tục tập quán và cũng hiểu hoàn cảnh từng hộ gia đình trong buôn. Nhiều năm tham gia công tác thôn buôn, tôi nắm rõ từng thành phần trong buôn, nên mỗi khi xuất hiện vấn đề bất ổn tôi biết cách để tuyên truyền phù hợp từng đối tượng.

Suốt bao nhiêu năm qua, buôn Đrao không có trường hợp nào vượt biên trái phép nữa, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Ông Lo Văn Cường, dân tộc Ơ Đu
Ông Lo Văn Cường, dân tộc Ơ Đu

Ông Lo Văn Cường, dân tộc Ơ Đu, Người có uy tín bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: Từ năm 2021 đến nay, bà con ở bản thụ hưởng nhiều chính sách thiết thực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ngay khi các chủ trương, chính sách được thông qua, tôi đã cùng tham gia góp ý kiến với Ban Quản lý bản để lựa chọn người thực hiện mô hình, lựa chọn đối tượng hưởng thụ phù hợp; đồng thời tham gia giám sát, đôn đốc bà con dân bản quyết tâm, nỗ lực thực hiện, nhất là các dự án hỗ trợ sinh kế để mang lại thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tôi tâm niệm rằng, mỗi một dự án, chương trình của Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào là sự quan tâm, ưu ái lớn của Đảng, Nhà nước. Do đó, là Người có uy tín của bản, mình phải phối hợp cùng cấp ủy Đảng, Ban Quản lý thôn bản động viên bà con thực hiện có hiệu quả để vừa tránh lãng phí, vừa là cơ hội giúp bà con đổi thay cuộc sống.

Nhưng để phát huy được vai trò của mình thì Người có uy tín phải không ngừng được hỗ trợ cập nhật thông tin và tự nâng cao kiến thức, từ đó phân tích, giải thích cho bà con hiểu rõ điều hay, lẽ phải, tạo sự đồng thuận, phối hợp tốt cùng chính quyền địa phương trong thực hiện.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ru, người Chăm H’roi
Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ru, người Chăm H’roi

Nghệ nhân Ưu tú Lê Văn Ru, người Chăm H’roi (một nhánh của dân tộc Chăm), Người có uy tín làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định: Người Chăm H’roi sử dụng trống K’toang trong các dịp lễ lớn như: Lễ đâm trâu; Lễ cưới; Lễ mừng sức khỏe... Các thế hệ ông, bà hoặc cha, mẹ của tôi trước đây có tác hợp được với nhau cũng nhờ tiếng trống K’toang xe duyên.

Nét văn hóa đặc sắc, giàu cảm hứng từ tiếng trống K’toang là thế, nhưng đời sống hiện đại đã tác động đến sự tiếp nhận văn hóa của lớp trẻ người Chăm H’roi, bây giờ thanh niên ít biết hát, múa, trình diễn nhạc cụ của dân tộc mình.

Vì lo nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình bị mai một, nên nhiều năm nay tôi ra sức thuyết phục tụi nhỏ trong làng học đánh trống K’toang và tìm hiểu văn hoá truyền thống của cha ông nhưng cũng chỉ được vài đứa. May mắn là tôi đã thuyết phục và dạy đánh trống K’toang cho con trai mình. Đến nay, con trai tôi đã chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, chịu khó tìm hiểu văn hoá, các nghi lễ truyền thống và là người trẻ hiếm hoi của làng giữ được nhịp trống K’toang.

Dù rất tâm huyết với việc truyền dạy văn hoá truyền thống cho lớp trẻ nhưng nay tuổi đã cao, sức đã yếu, tôi đang rất lo một ngày nào đó văn hoá truyền thống của đồng bào Chăm H’roi sẽ bị mai một.

Đáng mừng là vừa rồi, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp với huyện Vân Canh tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, trống K’toang cho lớp trẻ. Dù tôi không tham gia được, nhưng có Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương là người phụ nữ duy nhất chơi trống K’toang thuần thục đứng ra truyền dạy, tôi cảm thấy rất yên tâm. Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều lớp tập huấn như vậy để níu những người trẻ về với văn hoá truyền thống của cha ông.