Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những người phụ nữ Ê-đê với sự sống còn của thổ cẩm

PV - 14:01, 10/12/2017

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một. Bằng tâm huyết và niềm đam mê, một số phụ nữ Ê-đê đã dày công lưu giữ tinh hoa truyền thống, khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Sáng tạo họa tiết độc đáo    

Gần 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, bà H’Đă Êya ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Chư Jút, tỉnh Đăk Nông không thể nào nhớ nổi mình đã dệt bao nhiêu cái váy, áo, khăn, khố, nhưng có một điều bà luôn đau đáu trong lòng là phải lưu giữ và truyền lại cái nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.

truyen nghe Truyền nghề cho thế hệ trẻ.

 

Bà H’Đă cho biết: năm 16 tuổi, tôi theo mẹ học nghề dệt thổ cẩm truyền thống, học 4 năm tôi mới làm ra được sản phẩm đầu tiên là một chiếc khăn. Mẹ tôi tiếp tục dạy tôi làm những sản phẩm khó hơn như váy, áo, chăn, khố… truyền cho tôi cảm hứng và tâm huyết nghề dệt. Được mẹ và gia đình động viên, theo thời gian công việc xếp sợi, dệt vải trở thành niềm đam mê của tôi.

Để tồn tại được trên thị trường, bà H’Đă tìm tòi tạo ra sự độc đáo riêng. Kết hợp truyền thống và hiện đại, bà vừa lưu giữ những kỹ thuật dệt thổ cẩm xưa và “cách tân” hoa văn cho phù hợp với cuộc sống ngày nay. Đặc trưng của thổ cẩm các DTTS Tây Nguyên lấy màu đen làm chủ đạo. Từ những họa tiết, hoa văn thổ cẩm xưa, tùy vào loại sản phẩm là khăn, áo, váy, túi, chăn hay khố và phần trang trí họa tiết cầu kỳ hay đơn giản để thiết kế, bố cục ngay từ đầu để sản phẩm hoàn thành mang nét đặc trưng riêng.

Nhờ sự sáng tạo độc đáo mà sản phẩm thổ cẩm của bà H’Đă luôn tạo dấu ấn riêng đối với khách hàng và đạt giải cao trong các hội thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Ngoài những sáng tạo trong sản xuất sản phẩm để đầu ra ổn định, bà H’Đă trực tiếp đứng lớp truyền nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ. Bình quân mỗi năm, bà mở 3 lớp, mỗi lớp khoảng 30-40 học viên là chị em ở trong tỉnh. Sau mỗi khóa học, bà lại chủ động vận động hội viên thành lập tổ sản xuất, nhóm nghề truyền thống để hoạt động, tạo ra các sản phẩm cho riêng mình, phục vụ gia đình, buôn làng và khách du lịch. “Mặc dù đa số đồ dùng, đồ may mặc chủ yếu bà con mua từ các sản phẩm công nghiệp, nhưng vẫn còn không ít người thích hàng thổ cẩm để dùng hằng ngày, nhất là trong dịp lễ hội. Sản phẩm của các học viên làm ra đã được tôi hỗ trợ tiêu thụ hết”.

Người cán bộ phụ nữ say mê nghề dệt

Đôi tay nhanh nhẹn xếp sợi bên khung cửi, bà H’Yam Bkrông 60 tuổi, ở buôn Tơ Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột say sưa dệt chiếc váy thổ cẩm truyền thống của người Ê-đê.

Bà H’Yam kể: Năm 2001, được bà con tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ của buôn, tôi đứng ra vận động chị em thành lập một tổ dệt, vừa để lưu giữ nghề truyền thống, vừa tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho phụ nữ trong buôn. Tổ dệt huy động được 10 phụ nữ tham gia, mỗi người đóng góp 100.000 đồng để mua khung xếp sợi, mời hai nghệ nhân về dạy nghề. Năm 2003, tổ dệt Tơ Jú hợp nhất với tổ dệt buôn Bông thành lập HTX dệt thổ cẩm Towng Bông với 30 thành viên.

hyam

 

Lúc mới vào nghề, sản phẩm làm ra họa tiết rất đơn giản, chất lượng chưa cao, mẫu mã cũ không thể tiêu thụ được. Bà H’Yam vừa động viên chị em vừa lặn lội từ Nam ra Bắc học hỏi kinh nghiệm các làng nghề, tìm hiểu thị hiếu khách hàng và tự làm ra các sản phẩm biến tấu hoa văn lạ mắt kết hợp giữa các dân tộc khác nhau như Ê-đê, Ba Na, Jrai, Cơ-ho… Bà hướng dẫn các xã viên không ngừng đổi mới, đa dạng loại hình sản phẩm, để đưa vào du lịch giới thiệu cho du khách. “Ở đâu có triển lãm, hội chợ, tôi lại đưa sản phẩm đến giới thiệu quảng bá, chào hàng. Nhiều cửa hàng cảm thông sự vất vả, khó khăn, nhẫn nại của bà nên họ cho “gửi” tại quầy”, bà H’Yam chia sẻ.

Dần dần khách hàng thích sản phẩm của HTX, có những bạn hàng thân thiết ở các tỉnh Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Sản phẩm có chỗ đứng ổn định trên thị trường, bà H’Yam mở lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho hội viên. Hiện nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông có 42 thành viên và 60 lao động thời vụ. Năm 2012, bà H’Yam Bkrông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì những cống hiến trong việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Hiện nay, toàn tỉnh Đăk Lăk có 236 HTX trong đó có 22 HTX do nữ làm chủ nhiệm. Các doanh nghiệp này hoạt động ở mọi ngành nghề, nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.

Lê Hường