Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những ngôi nhà tròn ở Phúc Kiến

PV - 16:27, 28/05/2018

Thổ lâu Phúc Kiến là những lâu đài bằng đất và cũng là nhà chung cư, ngôi nhà cộng đồng đại diện cho văn hóa của người Khách Gia (Hakka) ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Công trình kiến trúc này được công nhận là di sản thế giới, tòa nhà lớn nhất có thể chứa được 600 người.

Cuộc sống thú vị ở thổ lâu

Thổ lâu là tên để chỉ những ngôi nhà có nhiều hình dạng khác nhau như hình vuông, bầu dục và ngũ giác ở Phúc Kiến. Cái tên “Thổ lâu” trong tiếng Trung Quốc ngụ ý rằng nhà được làm từ đất. Thổ lâu ở tỉnh Phúc Kiến nằm tập trung ở hai thành phố là Long Nham và Chương Châu.

Mỗi lâu đài bằng đất có thể xem như một ngôi làng nhỏ hay “vương quốc nhỏ” của đại gia đình. Mỗi lâu đài bằng đất có thể xem như một ngôi làng nhỏ hay “vương quốc nhỏ” của đại gia đình.

Chủ nhân của thổ lâu là người Khách Gia. Không ít người quan niệm người Khách Gia là một dân tộc thiểu số của Trung Quốc, nhưng thực tế họ là người Hán. Người Khách Gia, tiếng Anh gọi là Hakka (từ này có nguồn gốc theo cách phát âm tiếng Quảng Đông). Vì vậy mà kiến trúc thổ lâu được người phương Tây gọi là Hakka House (nhà của người Hakka) hoặc Hakkas’s Earth Buildings (thổ lâu của người Hakka).

Điều hấp dẫn ở thổ lâu chính là, việc một cộng đồng gồm rất nhiều hộ gia đình sinh sống trong cùng một tòa nhà. Sau khi đóng góp công của, vật tư và hoàn tất việc xây dựng, mỗi gia đình được phân chia vài căn phòng ở mỗi tầng.

Các gian phòng tầng trệt được dùng làm nhà bếp, nhà kho chứa ngũ cốc, còn tầng 2 và tầng 3 là phòng ngủ và nơi sinh hoạt. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải. Các công trình như giếng nước, vườn cây… trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào. Việc sản xuất và sinh hoạt ở bên ngoài cũng như bên trong các khu nhà đều do tộc trưởng định liệu. Những người đứng đầu gia tộc này còn có nhiệm vụ chủ trì các nghi thức cúng bái, chỉ huy sự phòng vệ để đối phó với kẻ thù bên ngoài và tổ chức việc quan hệ với láng giềng...

Gìn giữ những giá trị xưa

Cùng với sự thay đổi theo thời gian, những thổ lâu này cũng bị lãng quên ít nhiều khi con em của những gia đình ở thổ lâu được gửi đến thành phố học hành và sinh sống. Cuộc sống trong các chung cư đó đã có nhiều biến đổi, không còn nhộn nhịp và đông đúc như ngày xưa. Nhiều người đã đi tìm sự đổi đời tại các thành phố như thủ phủ Phúc Châu của tỉnh Phúc Kiến. Họ chỉ trở về một vài lần trong năm, vào những ngày lễ, Tết. Một số người khá giả đã xây những cơ ngơi riêng biệt ở bên ngoài. Hiện chỉ còn một số ít gia đình còn sinh sống ở trong thổ lâu.

Lin Lusheng là một trong những thanh niên lớn lên từ một trong những thổ lâu ở làng Neilong. Trước thực trạng những giá trị của thổ lâu đang bị mai một, Lin Lusheng đã bắt đầu một dự án giúp người dân gìn giữ những giá trị cộng đồng từ di sản này. “Trước đây, khi tôi còn nhỏ, trẻ em sẽ ăn ở nhà hàng xóm nếu bố mẹ họ bận làm việc ở nông trại. Thiết kế của thổ lâu cũng khuyến khích cộng đồng gắn bó chặt chẽ với nhau hơn. Mặc dù, các gia đình đều có khu vực cá nhân của mình. Nhưng khi có công việc như tổ chức các nghi lễ cúng tổ tiên và đám cưới, các cư dân sẽ được triệu tập trong sân chung để cùng nhau thực hiện”, Lin Lusheng chia sẻ.

Để tăng cường nhận thức về giá trị của các thổ lâu, Lin Lusheng còn tổ chức các khóa học ngoại khóa trong tòa nhà thổ lâu mà anh lớn lên, dạy cho các em học sinh về kiến trúc và văn hóa của người thổ lâu trong khu vực. Anh cũng hy vọng sẽ tổ chức được một chương trình hỗ trợ các gia đình sống trong thổ lâu đưa con cái đang đi học xa của họ trở về sống ở thổ lâu trong những ngày nghỉ học.

“Với các chương trình như vậy, chúng tôi hy vọng người dân địa phương sẽ có một sự hiểu biết tốt hơn về thổ lâu và môi trường sống ở địa phương của họ”, Lin Lusheng cho hay.

AN ĐỒNG