Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những gam màu từ đá

PV - 15:38, 11/02/2019

Miền sơn cước Lục Yên, Yên Bái từ lâu đã nức tiếng là vùng đá quý lớn bậc nhất cả nước. Bởi thế, đến với Lục Yên, du khách như bước vào một xứ sở xa hoa, lạ lẫm giữa núi rừng. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những viên đá không chỉ trở thành món đồ trang sức quý giá mà còn có hồn hơn khi hóa thân vào những bức tranh độc đáo.

Thổi “Hồn” vào đá

Thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên lẫn trong mây chiều. Trái với không gian tĩnh mịch thường thấy ở núi rừng, là những tiếng đá lanh canh, lạch cạch vang lên khắp các ngả đường vào khu chợ đá quý. Trên đoạn đường vào chợ đá quý Lục Yên, chúng tôi bắt gặp nhiều du khách sang trọng nói đủ thứ tiếng ở các vùng miền khác nhau, trong đó không ít du khách là người nước ngoài.

Khách hàng lựa chọn tranh đá chơi Tết. Khách hàng lựa chọn tranh đá chơi Tết.

Anh Phạm Văn Chính, một du khách đến từ Hà Nội bộc bạch, Tết năm trước, anh được một người bạn tặng một bức tranh cây đào làm từ nguyên liệu đá quý. Bức tranh như có sự thu hút đến lạ kỳ với anh. Vì vậy, năm nay, anh quyết định về tận nơi để tìm mua vài bức vừa để treo trong nhà, vừa để làm quà biếu người thân.

Chị Nông Thị Ngọc, một thợ giã đá ở một cơ sở sản xuất tranh đá cho hay: “Càng gần dịp Tết Nguyên đán, khách tìm đến mua tranh đá quý của chúng tôi càng nhiều. Vì thế, hơn 1 tuần nay, chúng tôi thường xuyên phải tăng ca. Công việc tuy có vất vả nhưng thu nhập tăng thêm nên chúng tôi cũng rất vui”.

Đưa chúng tôi đi thăm quan một vòng xưởng sản xuất của gia đình, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ xưởng đá quý Hồng Ngọc phấn khởi giới thiệu, để làm được một bức tranh đá đòi hỏi rất nhiều công phu, tỉ mỉ. Khâu đầu tiên là rửa đá cho sạch tạp chất bên ngoài, tiếp đó là cho đá vào cối giã. Giã xong dùng sàng nhỏ để lọc ra những viên còn to, chưa đạt yêu cầu, thì tiếp tục giã lại. Trung bình mỗi ngày, một người thợ chỉ giã được khoảng 1kg đá, bởi phải giã thành những viên nhỏ, chứ không được để đá nhuyễn như bột.

Thợ gắn đá quý tỉ mỉ hoàn thiện bức tranh chân dung Bác Hồ. Thợ gắn đá quý tỉ mỉ hoàn thiện bức tranh chân dung Bác Hồ.

Khâu chọn nguyên liệu đá, là khâu quan trọng, bởi những viên đá có độ chuẩn và đẹp, sẽ góp phần tạo nên những bức tranh có giá trị cao, hoặc tùy vào yêu cầu của khách đặt tranh. Sau đó, những viên đá quý được ngâm qua axít để làm dậy màu đặc trưng, long lanh và sắc sảo hơn.

Công đoạn chế tác tranh cũng đòi hỏi kỹ thuật công phu. Sau khi họa sĩ vẽ màu bằng bút chì hay phấn màu trên tấm mica hoặc gỗ, những người thợ sẽ gắn một lớp đá khắp mặt tranh để lót nền cho đẹp, sau đó tỉ mỉ rắc đá với độ màu chuẩn để tạo hình, rồi nhỏ keo cho chúng kết dính với nhau.

Cái khó trong tranh đá quý Lục Yên, là làm sao để những hạt đá màu li ti thể hiện được những hình ảnh mượt mà, sống động, trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự, chứ không chỉ dừng lại ở những mảng màu sắc đậm nhạt đơn thuần.

Riêng làm tranh chân dung là khó nhất. Bởi làm được loại tranh này, người làm phải cân đối tỷ lệ của các bộ phận cơ thể, độ đậm, nhạt của da, sự pha trộn gam màu sáng tối... vì thế chỉ những nghệ nhân cao tay mới gắn được những viên đá vô tri thành bức tranh thể hiện được thần thái của nét mặt.

Một bức tranh đá quý Lục Yên khổ nhỏ, trung bình từ 2-3 ngày mới hoàn thành. Còn với những bức tranh cỡ lớn, nhiều hoạ tiết, có khi phải mất cả tuần hoặc hơn.

Triển vọng làng nghề

Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Đá quý Lục Yên cho biết, trên địa bàn huyện Lục Yên có khoảng 50 hộ làm tranh, chủ yếu tập trung ở thị trấn Yên Thế. Mỗi hộ có từ 30-50 lao động. Tính riêng nghề tranh đá đã giải quyết lao động cho gần 1.000 lao động trên địa bàn. Tranh đá Lục Yên đã thu hút được nhiều khách hàng từ nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh thậm chí nhiều khách nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ tìm tới đặt hàng. Theo đó, doanh thu mỗi năm từ nghề làm tranh đá tại huyện Lục Yên lên tới gần 50 tỷ đồng.

Các cơ sở làm tranh đá quý ở Lục Yên luôn nhộn nhịp. Các cơ sở làm tranh đá quý ở Lục Yên luôn nhộn nhịp.

Theo lời giới thiệu của ông Hạnh, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Trung, người đầu tiên làm tranh đá quý ở Lục Yên. Quê ông Trung ở một tỉnh miền xuôi, những năm 1995, nghe lời nhiều thanh niên trong làng, ông đến Lục Yên tìm đá quý buôn bán. Thế nhưng, ông chỉ tìm được những viên đá nhỏ không có giá trị kinh tế nên đủ ăn đã là may.

Đến năm 2002, trong lúc nhìn đống đá nhỏ xấu không ai mua, ông mày mò giã đá rồi lấy keo gắn vào tấm kính chơi. Sau đó, ông thấy một bức tranh dần dần hiện ra với màu sắc của đá khá thú vị. Thế là ông chú tâm vẽ tranh thật đẹp, rồi gắn đá lên thành một bức tranh hoàn chỉnh. Năm 2002, bức tranh đầu tiên của ông bán được ba triệu đồng, giá trị bằng cả cây vàng khi đó. Vụ bán tranh ấy từng gây xôn xao cả vùng vì số tiền khá lớn thời ấy. Vậy là, ông Trung đã tìm lối đi cho riêng mình. Từ một gia đình khó khăn chạy ăn từng bữa, nhờ sản xuất tranh đá quý đến nay ông đã xây dựng được một khách sạn nguy nga bên bờ hồ Lục Yên.

Ông Trung chia sẻ, trước kia làm thủ công nên để hoàn thiện một bức tranh đá quý khổ 1,2m x 2,4m, phải mất đến một tháng. Nhưng nay có máy móc hỗ trợ nên chỉ mất 5 đến 7 ngày. Mỗi bức tranh tùy theo khổ và chất liệu mà có giá khác nhau. Tuy nhiên, tranh đá quý Lục Yên giá không quá cao. Một bức tranh được làm bằng chất liệu tốt, khổ 60cm x 80cm dao động ở mức từ 2 đến 2,5 triệu đồng.

Theo ông Vũ Văn Hạnh, mặc dù nghề làm tranh đá đã có những bước phát triển tương đối trên địa bàn, thế nhưng người dân chủ yếu làm tự phát. Do đó, điều đáng lo ngại là, người lao động chưa được hướng dẫn bảo hộ lao động, việc bảo vệ môi trường chưa được thực sự quan tâm. Ông Hạnh cho rằng, tỉnh Yên Bái sớm quan tâm, có kế hoạch phát triển bền vững đối với nghề làm tranh đá quý của địa phương; nên xem xét có thể thành lập làng nghề, có cơ chế hoạt động để nghề tranh đá Lục Yên phát triển thực sự bền vững.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.