Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những chuyện ghi được từ miền biên viễn: Quân với dân như ruột thịt (Bài 3)

Thúy Hồng - 15:33, 24/03/2023

Trong suốt chặng đường từ Cột cờ Lũng Pô, Đồn Biên Phòng A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt” đến Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - nơi cuối trời Tây Bắc, mỗi cung đường đi qua đều là những câu chuyện đẹp về tình quân - dân. Những câu chuyện như những bản hùng ca về miền biên viễn.

Ngã ba suối Lũng Pô gặp sông Hồng ở cột Mốc 92 - "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"
Ngã ba suối Lũng Pô gặp sông Hồng ở cột Mốc 92 - "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt"

Đưa dân ra mốc lập bản

Cột cờ Lũng Pô nằm trên địa bàn thôn Lũng Pô I, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây không chỉ ghi dấu những trang sử hào hùng về những người lính Biên phòng đã chiến đấu anh dũng, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là chứng nhân cho tình quân - dân keo sơn, bền chặt.

Theo Trung tá Lý Sín Sẩu, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung, Lũng Pô trước đây là vùng hoang vu, cỏ lau mọc um tùm, ngoài Bộ đội Biên phòng (BĐBP), hầu như không ai lui tới. Từ năm 2007, thực hiện Chương trình di dân ra biên giới phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, hàng chục hộ dân người Mông, người Dao ở các xã của huyện Bát Xát, xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tình nguyện chuyển về vùng đất mới, lập nên thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung.

Lễ chào cờ của Bộ đội Biên phòng A Mú Sung tại Cột cờ Lũng Pô
Lễ chào cờ của Bộ đội Biên phòng A Mú Sung tại Cột cờ Lũng Pô

BĐBP là điểm tựa ban đầu cho bà con khi mới về Lũng Pô định canh, định cư và lập nghiệp. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung cùng chính quyền địa phương đã kiên trì hướng dẫn bà con phát triển kinh tế từng bước ổn định đời sống.

“Ngày mới lập bản, 100% các hộ dân trong bản đều là hộ nghèo. Từ năm 2017 đến nay, cuộc sống khấm khá hơn, thôn không còn nhà dột nát nữa, nhiều nhà 2 tầng rồi. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, ti vi, vài hộ có ô tô để vận chuyển hàng hóa. Con em học sinh ở thôn giờ không bỏ học nữa...”, anh Tẩn Sành Phú cho hay.

Không chỉ ý thức phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bà con Lũng Pô còn tích cực phối hợp với BĐBP tuần tra cột mốc, nắm bắt tình hình biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng Nhân dân làm đường giao thông ở Lũng Pô
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng Nhân dân làm đường giao thông ở Lũng Pô

Theo Trưởng thôn Lũng Pô, Tẩn Sành Phú, trên địa bàn thôn có hai Mốc biên giới 91, 92, nên thôn đã lập tổ tham gia tự quản đường biên, cột mốc và tổ an ninh tự quản an ninh trật tự thôn bản. Hằng tuần, hằng tháng đều phối hợp với BĐBP đi tuần tra mốc giới.

Trung tá Lý Sín Sẩu bảo, nhờ có người dân phối hợp cung cấp thông tin nên an ninh trật tự biên giới luôn bảo đảm, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế...

Giúp dân “đuổi “ hủ tục

Trở lại Đồn Biên phòng Pa Ủ trên đất Mường Tè, Lai Châu. Năm 18 tuổi, chàng trai Lý Văn Hướng ở xã Mường Tè, huyện Mường Tè nhập ngũ vào BĐBP Lai Châu. Khi ấy, cái tên Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm được biết đến là miền đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Mường Tè, nhưng chàng lính trẻ Lý Văn Hướng đã không ngại đi thuyền, đi bộ cả mấy ngày để lên Pa Ủ nhận nhiệm vụ. Thấm thoắt đã gần 30 năm gắn bó với mảnh đất này, chàng trai trẻ ngày nào giờ đã mang quân hàm Thiếu tá, là cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Pa Ủ.

Thiếu tá Lý Văn Hướng khám bệnh cho người dân địa phương
Thiếu tá Lý Văn Hướng khám bệnh cho người dân địa phương

Ngày trước, bệnh phổ biến nhất ở Pa Ủ là sốt rét. Nhưng người La Hủ vốn tin con ma rừng làm người ốm đau và phải nhờ thầy mo cúng mới khỏi. Đã nhiều lần, Thiếu tá Lý Văn Hướng “gặp riêng” thầy mo nhưng kết quả gần như bằng không. Cho đến một ngày, thầy mo Ly Si Pu (bản Thăm Pa) bị sốt rét. Thiếu tá Lý Văn Hướng khám xong rồi nói: “Tôi chữa bệnh khỏi rồi thì không được nói với mọi người là ốm phải cúng mới khỏi nhé!”.

Người dân biết tin BĐBP chữa khỏi bệnh cho thầy mo Ly Si Pu, người này nói với người kia và rồi, người La Hủ ốm đều tìm đến thầy thuốc Biên phòng. Cũng từ đó, khi thấy Bộ đội nói được tiếng của đồng bào, họ bớt ngại ngần rồi tin tưởng, yêu quý, coi như người thân.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra mốc giới
Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra mốc giới

Cũng chính vì được người dân tin yêu, anh đã coi đây như quê hương thứ hai của mình, đưa cả vợ con lên Pa Ủ sinh sống. Nhờ có hậu phương vững chắc như vậy mà Thiếu tá Lý Văn Hướng lại càng có điều kiện dồn tâm huyết để cùng chung tay chăm lo cho đồng bào La Hủ có cuộc sống tươi đẹp hơn...

Không riêng gì câu chuyện bám trụ biên giới của Thiếu tá Lý Văn Hướng, trong suốt hành trình, qua mỗi điểm dừng chân ở các Đồn Biên phòng đều là những câu chuyện xúc động của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuổi từ 18 đôi mươi, không quản gian lao vất vả dành hết tuổi xuân của mình để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Họ đã và đang phát huy truyền thống cha anh, viết tiếp những trang sử vàng của lực lượng BĐBP Anh hùng...

Rời Lũng Pô, thấp thoáng trong màu xanh ngút ngàn của nương rẫy, cây ăn quả là những ngôi nhà khang trang mới mọc lên, trường học được xây kiên cố, lợp mái tôn đỏ tươi… Chia tay Lũng Pô, tôi nhớ mãi câu nói của trưởng thôn Lũng Pô Tẩn Sành Phú: “Ở đây quân với dân đều như một, như anh em ruột thịt trong gia đình”.