Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những cánh rừng FSC trên miền "đất lửa" Quảng Trị: Làm giàu từ rừng (Bài 1)

Thanh Hải - 19:40, 07/07/2021

Từ chỗ trồng rừng giảm nghèo, Quảng Trị đã chuyển sang phát triển rừng bền vững theo tiêu chí FSC. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây đã có hàng chục ngàn ha rừng được cấp chứng chỉ, trở thành một trong những “đầu tàu” cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước. Giấc mơ về ngành công nghiệp chủ lực - chế biến gỗ, đang hiển hiện.


Một hộ dân trong khu rừng trồng theo chứng chỉ FSC ở Quảng Trị
Một hộ dân trong khu rừng trồng theo chứng chỉ FSC ở Quảng Trị

Những người tiên phong

Một trong những nông dân đầu tiên của Quảng Trị trồng rừng theo tiêu chí FSC, là ông Lê Biên Hòa, ở thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh. Năm 1990, ông trồng rừng keo, với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc theo chủ trương của Nhà nước. Lúc ấy, chu kỳ trồng rừng là 5 năm thu hoạch một lần, thu về khoảng 70 triệu đồng mỗi ha. 

Đến 2007, ông được một doanh nghiệp giới thiệu tham gia trồng rừng bền vững. Họ thuyết phục ông trồng và nếu đạt chứng chỉ sẽ cam kết thu mua cao hơn 20 USD/m3.

Tiêu chí chung đối với rừng FSC (Forest Stewardship Council) là phải bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương.

"Thấy hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã chuyển dần diện tích rừng của gia đình sang trồng theo tiêu chuẩn FSC và thuyết phục thêm được 4 hộ dân khác cùng tham gia”, ông Hòa cho biết.

Hơn 10 năm gắn bó với rừng FSC, ông Hòa đã có trong tay 10ha rừng FSC, với giá trị mỗi ha khoảng 210 triệu đồng. Ông Hòa thành thật nói: Cái hay là rừng được quản lý bền vững hơn, đất đai được bảo vệ, hạn chế xói mòn, môi trường được cải thiện. Khi rừng có chứng chỉ FSC, giá gỗ bán sẽ cao hơn rừng thường từ 30-50%.

Còn ông Ðặng Thơ, ở khu phố 4, thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), là chủ nhóm hộ ba gia đình trồng 300ha rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Ông Thơ vui vẻ cho biết: Năng suất gỗ đạt từ 170-200 tấn/ha, trong đó khoảng 70% số gỗ có đường kính hơn 12cm. Khi trừ hết chi phí, nhóm hộ ông Thơ lãi hơn 100 triệu đồng/ha, gấp hơn nhiều so với trồng rừng truyền thống.

Những nông hộ trồng rừng FSC ở Quảng Trị “mách nước”: Phải có kế hoạch dài hạn, mỗi năm triển khai một bước chăm sóc rừng cụ thể và phải được nghiệm thu, đánh giá. Sau một năm, nông dân vào rừng vun gốc, năm thứ hai phát thực bì, các năm sau cắt dây leo, để thực bì phát triển tự nhiên tạo độ ẩm cho đất. Sau 5 năm, tiến hành tỉa thưa, chỉ để lại 1.000 cây mỗi ha. Số cây sau cắt tỉa để bán sẽ giúp nông dân thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Với rừng chu kỳ 10 năm, đến năm thứ 7 cắt tiếp 200 cây nhỏ trong số 1.000 cây mỗi ha.

Sau rất nhiều năm bám rừng, đến năm 2010, mô hình rừng trồng FSC ở Quảng Trị được đánh giá lần đầu tiên và được cấp chứng chỉ thời hạn 5 năm (2010 - 2015), cho 316ha rừng của 118 hộ gia đình, thuộc 5 thôn ở hai xã Trung Sơn, huyện Gio Linh và Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, thì nay ở Quảng Trị đã có gần 600 hộ, với gần 1.900ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên phạm vi 19 phường, xã thuộc 7 huyện, thị xã.

Những lứa cây đầu tiên theo tiêu chí FSC nay đã được cắt bán cho đơn vị thu mua. Ngay tại xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, đã có 23 hộ gia đình khai thác hơn 63ha rừng FSC. Nếu chất lượng rừng cao, thì có giá trị 210 đồng/ha, thấp hơn cũng đến 150 triệu đồng/ha. 

Tính trung bình mỗi năm trồng rừng FSC, hộ nông dân lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Với người nông dân sống gần rừng, nhờ rừng thì đó là thu nhập lớn so với cách trồng rừng truyền thống có chu kì thu hoạch 5-7 năm.

Các nhóm hộ nông dân ở Quảng Trị khai thác rừng trồng theo tiêu chí FSC
Các nhóm hộ nông dân ở Quảng Trị khai thác rừng trồng theo tiêu chí FSC

Đến những công ty chuyên về FSC

Nhớ lại hơn 10 năm trước, trong khi tại Việt Nam ít người quan tâm đến việc trồng rừng theo FSC, thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải (Quảng Trị), tiền thân là Lâm trường Bến Hải, đã chủ động xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Nhờ được tư vấn, đơn vị này nhanh chóng tiếp thu những kiến thức quản lý rừng theo tiêu chuẩn hiện đại mà FSC đưa ra.

Và rồi, công sức của những người lao động đã được đền đáp khi năm 2010, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải được đánh giá, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt các nguyên tắc, tiêu chí về quản lý rừng bền vững trên diện tích gần 10.000ha. Từ sự kiện này, công ty đã được ghi tên vào bản đồ quản lý rừng bền vững của thế giới, trở thành đơn vị nhà nước đi đầu trong mô hình trồng rừng FSC. 

Có động lực thúc đẩy và rút kinh nghiệm từ những người tiên phong mở đường, các công ty như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Triệu Hải, Công ty Lâm nghiệp Ðường 9… ở Quảng Trị đã tham gia trồng rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên hàng chục nghìn ha.

Lợi ích của gỗ FSC là thị trường ổn định, giá cả cao hơn gỗ không có chứng chỉ. Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tích trữ các - bon rừng.

Ông Hà Sĩ ĐồngPhó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Theo tính toán từ thực tế, từ khi trồng đến khai thác, mỗi ha rừng FSC có chi phí đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Rừng FSC có chu kỳ khai thác bình quân khoảng 10 năm, mỗi ha cho năng suất từ 170-200 tấn gỗ; trong đó, 70% cây gỗ có đường kính hơn 12 cm đủ tiêu chuẩn để chế biến thành nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Với giá bán 1,4 triệu đồng/tấn gỗ, sau khi trừ hết mọi chi phí, mỗi ha rừng FSC cho thu lãi trên 100 triệu đồng/ha, cao gấp hơn hai lần so với trồng rừng thông thường. Năng suất rừng FSC đã tăng vượt bậc, từ mức 40-50m3/ha/chu kỳ giai đoạn trước năm 2010, nay đã tăng lên 90-100m3/ha/chu kỳ nhờ vào việc chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ.

Đến nay, các công ty ở Quảng Trị đang sở hữu gần 20.000ha rừng FSC. Theo đó, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bến Hải gần 10.000ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Triệu Hải ; Công ty Lâm nghiệp Đường 9, mỗi Công ty khoảng hơn 5.000ha…

Những mô hình trồng rừng phát triển bền vững này đã giúp nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên hơn 23.000ha, đưa tỉnh Quảng Trị trở thành một trong những địa phương đi đầu của cả nước. Rừng FSC được giá, không lo đầu ra đang là cây cho thu nhập, cây làm giàu ở đất lửa Quảng Trị.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).