Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Những bài thuốc hay từ lạc

Như Ý - 16:30, 06/10/2022

Lạc còn có tên gọi khác là đậu phụng, thúa đin (Tày), lạc hoa sinh, quả trường sinh, đường nhân đậu… có tính bình, vị ngọt, bùi, béo. Theo y học cổ truyền, các bộ phận của lạc là cây, lá, củ (hạt) và vỏ lụa hạt lạc… đều được dùng làm thuốc có tác dụng dưỡng huyết, bổ tỳ, nhuận phế, hóa đàm… Sau đây là một số bài thuốc, món ăn chữa bệnh từ lạc mời các bạn tham khảo.

 Theo y học cổ truyền, các bộ phận của lạc là cây, lá, củ (hạt) và vỏ lụa hạt lạc… đều được dùng làm thuốc
Theo y học cổ truyền, các bộ phận của lạc là cây, lá, củ (hạt) và vỏ lụa hạt lạc… đều được dùng làm thuốc

Chữa thiếu máu, tim hồi hộp, đoản hơi khó thở, đau đầu, suy nhược, hấp thụ kém: Lạc nhân cả vỏ lụa 6-20kg, táo tàu 6-10 quả (bỏ hạt). Đem 2 thứ hầm với nhau quấy nhuyễn. Ngày dùng 1 thang chia 3 lần uống với nước hầm táo tàu. Nếu cho thêm 12-15g long nhãn để ăn càng có hiệu quả cao. Kinh nghiệm tốt cho trường hợp thiếu máu, thiếu sắt.

Chữa thiếu máu do huyết hư: Hạt lạc cả vỏ lụa 15g nấu với nước, chia làm 2 lần, ăn trong ngày. ăn liên tục 1 tháng sẽ có kết quả tốt.

Chữa mất ngủ: Rễ cây lạc tươi 30g, rửa sạch, bỏ trong ấm nước, dùng 150ml nước sôi để hãm, mỗi tối trước khi ngủ 1 giờ uống sạch, thường dùng 5-7 ngày sẽ thấy hiệu quả, sau khi đạt yêu cầu, liên tục dùng thêm 10 ngày càng hiệu quả.

Chữa tiểu cầu giảm, máu chậm đông: Lạc nhân rang để cả vỏ lụa 60g chia làm 4 lần, nhai ăn trong ngày. Có tác dụng bổ tỳ, ích vị, dưỡng huyết, cầm máu. Chữa đau khớp: Rễ cây lạc 60 g, nấu với một ít thịt lợn nạc thật nhừ rồi ăn.

Chữa di tinh: Vỏ bọc ngoài nhân lạc 6 g, nấu lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.

Trị đau dạ dày, tá tràng: Lạc nhân 30g, ngâm nước 30 phút sau đó giã nát, rồi cho 200ml mật ong vào trộn đều. Uống tối trước khi đi ngủ.

Trị chảy máu ngoài da: Vỏ lụa lạc nhân tán bột hoặc vò nát (nếu không tán được) rắc lên vết thương chảy máu. Thích hợp khi cấp cứu chảy máu nhẹ, sơ cứu trước khi đến bệnh viện.

Trị chảy máu cam: Lạc nhân cả vỏ lụa 250g sắc uống dần. Có thể lấy vỏ lụa lạc nhét vào mũi.

Trị tăng huyết áp: Lạc nhân cả vỏ lụa ngâm giấm trong 5-7 ngày. Nhai hằng ngày sáng tối mỗi lần 5-10 hạt, liệu trình 2 tuần. Hoặc làm nộm lạc cần tây ăn.

Trị viêm hốc mũi: Lạc nhân cả vỏ lụa 7-8 hạt cho vào 1 dụng cụ kim loại để lên bếp lửa cho cháy bốc khói xông mũi cho đến khi hết khói. Ngày một lần, liệu trình một tháng.

Những bài thuốc hay từ lạc 1

Chữa đi tiểu ra máu do vận động nhiều: Lạc nhân, hạt sen đã bỏ vỏ cứng và tâm sen mỗi thứ 30 g. Nấu sôi xong cho lửa nhỏ hầm thật nhừ, sau đó cho 1 thìa đường vào đun tiếp, một lúc sau đem ăn, 2 ngày ăn một lần.

Chữa đau họng do lạnh: Lạc nhân cả vỏ lụa 100g cho nước vào nấu chín, thêm gia vị, cách ngày ăn ngày 1 lần, ăn liên tục 10 ngày. Cần giữ ấm, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Chữa khàn tiếng: Lạc nhân (để cả màng mỏng ngoài nhân) 100g, nấu ăn trong ngày hoặc cho mật ong lượng vừa phải vào ăn cùng.

Chữa phụ nữ bị hư lao, ho lâu: Dây lạc phơi khô sắc với bột lộc giác sương (Bã gạc hươu), uống mỗi lần 4g vào buổi sáng.

Chữa tiểu ra máu, xuất huyết tử cung, chảy máu chân răng: Lạc nhân (cả vỏ lụa) 30g, hạt sen (bỏ vỏ cứng và tâm sen) 30g, táo đỏ 30g; đường đỏ vừa đủ, thêm nước hầm nhừ, ngày ăn 2 lần/ ngày, ăn liên tục 7-10 ngày.

Chữa loét dạ dày và hành tá tràng: Lạc nhân 100g, thịt lợn nạc 100g, nấu thành canh. Mỗi buổi sáng sau khi đánh răng, rửa mặt, ăn 2 thìa lạc đã nấu, 30 phút sau bắt đầu ăn sáng, dùng liên tục 10-15 ngày là 1 liệu trình.

Chữa phù thũng 2 chân: Lạc nhân cả vỏ lụa 100g, tỏi 30g thái lát, táo tàu 15g, dầu ăn 15g. Đun nóng dầu cho tỏi vào phi thơm rồi mới cho lạc, táo và nước vào nấu cho đến khi nhừ nát. Chia 2 lần ăn trong ngày.

Những bài thuốc hay từ lạc 2

Chữa đau họng mạn tính, khản tiếng: Canh lạc dùng 100g lạc nhân cả vỏ lụa cho nước nấu chín thêm gia vị. Ngày ăn một lần. Có thể phối hợp với giá đậu xanh cho vào canh trước khi nhắc ra (ăn tái).

Chữa ho khan, lâu ngày, khản tiếng: Lạc nhân 30g sắc lên rồi cho vào 30g mật ong. Có thể thêm táo tàu 30g sắc lên ăn cái uống nước.

Hỗ trợ người mới ốm dậy, sút cân và phụ nữ ít sữa: Lạc rang với ít muối giã nhỏ, nấu với củ mài và gạo nếp thành cháo, ăn liền vài tuần vào mỗi buổi sáng.

Giúp bổ khí huyết, thông sữa: 100g mực, 50g lạc nhân cả vỏ lụa, đun chín thêm gia vị.

Hỗ trợ điều trị hen suyễn: Lạc nhân cả vỏ lụa 15g, lá dâu 15g, đường phèn vừa đủ. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ ngập nước sắc kỹ, chia làm 2 - 3 lần ăn trong ngày, khi ăn có thể ăn cả lá dâu hoặc bỏ lá dâu. Dùng 1 tháng.

Hỗ trợ bổ khí dưỡng huyết: Canh gân bò, đỗ, lạc. Gân chân bò 100g, lạc cả vỏ lụa 100-150g. Hầm cho nhừ nhuyễn lạc là ăn được.

Hỗ trợ tăng tiết sữa: Hạt lạc cả vỏ lụa 50g, 1 cái chân giò nhỏ, nấm hương 20g, gia vị vừa đủ. Cách chế biến: Chân giò lọc lấy thịt nạc, bỏ bớt mỡ thái miếng nhỏ, xương chặt nhỏ ướp với gia vị vừa vặn đem hầm nhừ cùng với lạc. Sau đó thêm nấm hương, gia vị vừa vặn cách ngày ăn một lần. Ăn khoảng 7 - 10 lần.

Những bài thuốc hay từ lạc 3

Lưu ý:

Một số người không nên ăn lạc: Người bị bệnh gout, người bị bệnh tiểu đường, người bị bệnh mỡ máu, người có bệnh dị ứng…

Khi đang bị tiêu chảy, trạng thái hàn, có thấp trệ (không tiêu), người vừa cắt túi mật không nên dùng. Không nên ăn lạc cùng dưa chuột và cua./.