Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Như Thanh (Thanh Hóa): Người có uy tín xứng đáng là “điểm tựa của bản làng”

Quỳnh Trâm - 10:38, 24/11/2024

Ở địa phương, đội ngũ Người có uy tín được xem là cầu nối quan trọng giữa chính quyền và Nhân dân, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, họ cũng tích cực tham gia vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và bảo tồn văn hóa dân tộc...; Theo đó, những năm qua, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) luôn chú trọng triển khai đầy đủ các chính sách chăm lo, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ Người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS.

Huyện Như Thanh chú trọng công tác phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS (Trong ảnh: Hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế- xã hội huyện Như Thanh năm 2023)
Huyện Như Thanh chú trọng công tác phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS. (Trong ảnh: Hội nghị biểu dương gương điển hình tiên tiến đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế- xã hội huyện Như Thanh năm 2023)

Những tấm gương điển hình

Ông Trương Văn Đinh, dân tộc Mường, Người có uy tín ở thôn Đồng Tâm, xã Phượng Nghi, là một tấm gương điển hình về sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Từ năm 2017, với vai trò Người có uy tín, ông Đinh đã vận động bà con đóng góp công sức và kinh phí để xây dựng nông thôn mới. 

Trước năm 2021, hơn 1,2km đường giao thông trong thôn Đồng Tâm chỉ là đường đất, bà con đi lại khó khăn, giao thương không phát triển. Ông Đinh đã kiên trì vận động, thuyết phục người dân đóng góp 544 triệu đồng và hiến hơn 300 mét vuông đất để làm đường. Với sự ủng hộ đồng lòng, tuyến đường đã được bê tông hóa chỉ trong một năm, mang lại diện mạo mới cho thôn. Tiếp nối thành công, ông Đinh cùng Ban công tác Mặt trận thôn tiếp tục vận động xây dựng nhà văn hóa thôn, tạo không gian sinh hoạt chung ấm cúng, khang trang cho bà con.

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng nông thôn, ông Đinh còn tích cực vận động bà con phát triển kinh tế. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình trồng trọt và chăn nuôi để cải thiện đời sống. Nhờ có ông, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm giàu chính đáng đã lan tỏa trong cộng đồng.

Ông Trương Văn Đinh - người có uy tín thôn Đồng Tâm, xã Phượng Nghi chăm sóc vườn cây ăn quả.
Ông Trương Văn Đinh, Người có uy tín thôn Đồng Tâm, xã Phượng Nghi chăm sóc vườn cây ăn quả

Ông Vi Bá Tính, Người có uy tín ở thôn Hải Hòa, xã Hải Long, là một điển hình của sự nỗ lực và ý chí bền bỉ trong lao động sản xuất. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất quê hương, ông đã quyết tâm khai phá 7.000 mét vuông đất bỏ hoang, trồng hơn 80 gốc vải thiều và nhãn.

Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng) với hơn 200 con gà giống, 10 con lợn rừng. Mô hình này giúp gia đình ông có nguồn thu nhập đáng kể, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng.

Ngoài phát triển kinh tế, ông Tính còn gương mẫu tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động bà con hiến đất mở đường, đóng góp xây dựng thôn Hải Hòa trở thành thôn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đường làng ngõ xóm sạch đẹp, hệ thống chiếu sáng đầy đủ, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, là minh chứng cho sự đồng lòng và công sức của người dân dưới sự gương mẫu, dẫn dắt của ông Tính.

Một tấm gương tiêu biểu khác là ông Hà Nhật Quang, Người có uy tín ở thôn Thanh Trung, xã Thanh Kỳ. Ngoài việc gương mẫu tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Quang còn luôn giữ vai trò hòa giải, góp phần tạo sự đoàn kết trong cộng đồng. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn và Trưởng ban công tác Mặt trận, ông Quang luôn chú trọng việc giữ gìn nếp sống văn hóa, vận động bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn.

Trong công tác tuyên truyền, ông Quang cho rằng: “Muốn làm tốt vai trò Người có uy tín, bản thân mình phải gương mẫu, đi trước trong các phong trào. Khi bà con thấy mình làm, họ sẽ tin tưởng và làm theo”. Những đóng góp của ông Quang đã giúp thôn Thanh Kỳ đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Từ việc tuyên truyền, vận động của Người có uy tín, người dân đã tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc (Trong ảnh: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia -Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái, thôn Rộc Răm, huyện Như Thanh)
Từ việc tuyên truyền, vận động của Người có uy tín, người dân đã tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. (Trong ảnh: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia -Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái, thôn Rộc Răm, huyện Như Thanh)

Tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò Người có uy tín

Trong những năm qua, huyện Như Thanh đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ Người có uy tín, bao gồm: tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách, mở các lớp tập huấn và tổ chức các chương trình tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí từ Trung ương và ngân sách huyện, những Người có uy tín đã nhận được sự động viên và hỗ trợ thiết thực trong các dịp lễ, Tết; cấp báo, tạp chí, và biểu dương các cá nhân tiêu biểu là Người có uy tín. Những nỗ lực này đã tạo điều kiện để Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, góp phần tích cực vào các phong trào xây dựng đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ông Phạm Văn Sang, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Như Thanh, chia sẻ: “Do đặc thù vùng miền núi, giao thông còn khó khăn, dân trí có phần hạn chế, sự hiện diện của Người có uy tín càng có ý nghĩa to lớn. Họ là những người đứng mũi chịu sào trong mọi hoạt động cộng đồng, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thành công của huyện Như Thanh trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS không thể không kể đến vai trò quan trọng của đội ngũ Người có uy tín”.

Chính quyền huyện Như Thanh luôn ghi nhận và đánh giá cao vai trò của đội ngũ Người có uy tín, không chỉ ở việc tuyên truyền, vận động mà còn ở khía cạnh giữ gìn an ninh trật tự và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Để hỗ trợ thêm cho đội ngũ này, huyện đã tổ chức nhiều chương trình gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm và cung cấp thêm các kiến thức, thông tin mới. Đội ngũ Người có uy tín đã trở thành cánh tay nối dài của chính quyền, giúp phổ biến các chính sách và chủ trương đến từng gia đình trong đồng bào DTTS.

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết:  Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ và động viên Người có uy tín. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục dành nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để Người có uy tín phát huy tối đa vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, là địa phương có trên 97.630 người, với 4 dân tộc anh em Kinh, Thái, Mường, Thổ cùng sinh sống hòa thuận, gắn bó; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 43% dân số toàn huyện. Hiện địa phương có 109 người được công nhận là Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.