Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại vụ việc khủng bố tại Đắk Lắk: Tiếp tục đầu tư nguồn lực giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân (Bài cuối)

Lê Hường - 09:30, 05/08/2023

Từ các chương trình, chính sách, dự án đầu tư của Nhà nước, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, với điểm xuất phát thấp, còn nhiều hạn chế nên đời sống của một bộ phần người dân vẫn còn khó khăn. Tập trung nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là các chương trình MTQG, giải quyết những nhu cầu thiết yếu về đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng đang tiếp tục được tỉnh Đắk Lắk thực hiện, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Công an huyện Ea H’leo tặng bò hỗ trợ sinh kế cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Công an huyện Ea H’leo tặng bò hỗ trợ sinh kế cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Dành nhiều sự quan tâm đến vùng đồng bào DTTS

Gần 2 năm qua, Công an huyện Ea H’leo đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ sinh kế giúp gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Điển hình như mô hình “3 đồng hành”: đồng hành cùng phát triển kinh tế; đồng hành xây dựng đời sống văn hóa; đồng hành trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự...đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Giữa tháng 7 vừa qua, Công an huyện Ea H’leo đã tổ chức trao tặng 6 cặp dê giống cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có thân nhân đặc biệt gồm người vượt biên hồi hương... những người đã từng lầm lỗi mong muốn làm lại cuộc đời, cống hiến cho xã hội trên địa bàn xã Ea H’leo.

Vui mừng nhận cặp dê giống từ Công an huyện Ea H’leo, ông Nay Y Mông, ở buôn Dang, xã Ea H’leo kể, ông đã từng nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, tham gia biểu tình và tổ chức vượt biên trái phép ra nước ngoài. Tòa án phán quyết tuyên phạt ông 8 năm tù. Nhưng nhờ được cán bộ giúp đỡ, giáo dục ông đã cải tạo tốt và được về sớm hơn thời gian chấp hành án. 

Thời gian chấp hành án, tôi được cán bộ khuyên bảo, động viên rất nhiều, cán bộ còn dạy tôi cách làm kinh tế hiệu quả. Về địa phương, được chính quyền quan tâm đạo điều kiện giúp đỡ để ông từng bước ổn định cuộc sống.

 "Bây giờ gia đình tôi lại được Công an huyện tặng dê để chăn nuôi, hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng dịch bệnh cho dê. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc để đàn dê phát triển. Từ bài học của mình, thời gian qua, tôi cũng đã khuyên bà con buôn làng không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, tập trung làm ăn", ông Nay Y Mông bộc bạch.

Theo báo cáo, từ tháng 8/2021 đến nay, mô hình “3 đồng hành” đã trao tặng 11 cặp dê, tặng 2 con bò giống cho 13 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ea Tir, Ea H’leo và Cư Amung. Đến nay, các cặp dê đã phát triển được hơn 30 con, trong đó các hộ dân đã tự nguyện trao tặng 5 cặp dê giống cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn khác; đối với  bò giống cũng đang phát triển tốt.

Phấn khởi, sau 2 năm triển khai, mô hình đã huy động được sự ủng hộ, tham gia của chính quyền địa phương, Nhân dân trên địa bàn và được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh ghi nhận và đánh giá đây là một mô hình dân vận khéo.

Các cơ quan, đơn vị tỉnh Đắk Lắk chăm lo phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS
Các cơ quan, đơn vị tỉnh Đắk Lắk chăm lo, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế


Theo báo cáo, hiện nay tỉnh Đắk Lắk có 159 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp tỉnh kết nghĩa với 163 buôn đồng bào DTTS; 132.102 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học cấp huyện kết nghĩa với 544 buôn; 112 Ban công tác Mặt trận vùng người Kinh kết nghĩa với 94 Ban công tác Mặt trật vùng DTTS; 122 chi đoàn thanh niên vùng người Kinh kết nghĩa với 78 chi đoàn vùng DTTS; 128 Hội Cựu chiến binh vùng người Kinh kết nghĩa với 88 Hội Cựu chiến binh vùng DTTS; 648 chi hội phụ nữ vùng người Kinh kết nghãi với 425 chi hội phụ nữ vùng DTTS; 36 xã đoàn vùng người Kinh kết nghĩa với 48 xã đoàn người DTTS….

Thượng tá Nguyễn Công Hòa, Trưởng Công an huyện Ea H’leo cho biết: Các hoạt động hướng về cơ sở được Công an huyện coi là việc làm thường xuyên, xuyên suốt để gần dân hơn. Năm 2023, Công an huyện đã tổ chức 14 đợt hướng về cơ sở, trao tặng hơn 750 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vật nuôi, hướng dẫn người dân cách làm thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững. Lồng ghép nội dung trong những đợt hướng về cơ sở, Công an huyện tuyên truyền sâu rộng về công tác đảm bảo an ninh, trật tự.

Không chỉ riêng lực lượng vũ trang, các cấp ngành, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng dành nhiều sự quan tâm phát triển vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, công tác kết nghĩa với các thôn buôn đồng bào DTTS đã có nhiều đóng góp thiết thực. Các đơn vị kết nghĩa triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế giúp đồng bào DTTS phát kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ: Công tác tổ chức kết nghĩa thôn buôn có ý nghĩa rất quan trọng, đơn vị kết nghĩa đó có trách nhiệm hỗ trợ vật chất và tinh thần cho người dân. Nhiều đơn vị xây dựng các mô hình hay, cách làm hiệu qủa giúp dân phát triển kinh tế. 

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực từ các đơn vị kết nghĩa, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS được được kết nghĩa đã cải thiện đáng kể. Phần lớn đồng bào DTTS tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội ở cơ sở.

Vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có những chuyển biến tích cực
Vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có những chuyển biến tích cực

Thực hiện hiệu quả chính sách trong vùng DTTS

Những năm qua, từ sự quan tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện. Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh còn 10,94%, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 23,08%, giảm 3,66% so với năm 2021. 

Tuy nhiên, dù tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm từng năm, song vẫn còn cao so với bình quân chung hộ nghèo toàn tỉnh. Do vậy, tập trung nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là các chương trình MTQG, giải quyết những nhu cầu thiết yếu về đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng đang tiếp tục được tỉnh Đắk Lắk thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I 2021-2025 (sau đây gọi là Chương trình MTQG 1719).

 

Đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk được quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa
Đồng bào DTTS tỉnh Đắk Lắk được quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa

Bà H’Yâo Knul, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc đang tiếp tục nắm bắt tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS, qua đó tham mưu giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh nhằm ổn định vùng đồng bào DTTS. Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719. 

"Chương trình MTQG 1719 là Chương trình quy mô lớn, nội dung bao quát mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… trong vùng đồng bào DTTS. Triển khai thực hiện tốt Chương trình, đời sống của đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn sẽ có những chuyển biến rõ rệt”, bà H’Yâo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở cơ sở, qua đó kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những hạn chế yếu kém, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án chính sách dân tộc…

Vụ việc khủng bố xảy ra tại huyện Cư Kuin đã khép lại, tuy nhiên qua đây cũng cho thấy, các đối tượng xấu vẫn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để dụ dỗ, lôi kéo, kích động người dân.

 Để không còn xảy ra những sự việc đáng tiếc như vậy, cả hệ thống chính trị cần phát huy vai trò, trách nhiệm, trong đó trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị tăng cường bám sát cơ sở, tổ chức triển khai các giải pháp đầu tư hỗ trợ, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, góp phần  thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.