Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại để đi tới

PV - 14:50, 22/03/2019

Cách đây 5 năm, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II năm 2014, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%/năm, thu nhập đầu người đạt 20 triệu đồng/năm… Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng, đồng sức của đồng bào các dân tộc anh em, sau 5 năm, Cao Bằng đã đạt và vượt những mục tiêu đề ra.

Còn nhớ, tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Cao Bằng lần thứ II năm 2014 (được tổ chức ngày 31/10), ông Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (hiện là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) đã bày tỏ hy vọng sau đại hội, các đại biểu tham dự sẽ tiếp tục là tấm gương trong hành động và việc làm để đưa Cao Bằng phát triển về mọi mặt. Ông cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ để giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng xóa đói giảm nghèo, vươn lên; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc…

 Cao Bằng đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp 4%/năm, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao. (Trong ảnh: Mô hình trồng lúa nếp chất lượng cao tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh) Cao Bằng đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp 4%/năm, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao. (Trong ảnh: Mô hình trồng lúa nếp chất lượng cao tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh)

Những kỳ vọng của người đứng đầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lúc đó đã được cấp ủy, chính quyền các cấp cùng đồng bào các dân tộc tỉnh hiện thực hóa bằng những việc làm thiết thực, có hiệu quả. Sau 5 năm tính từ thời điểm Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II, tỉnh Cao Bằng đã đạt được những thành tựu vượt bậc; những chỉ tiêu được đề ra tại đại hội như: dự kiến đến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm trên 4%/năm, thu nhập đầu người đạt 20 triệu đồng/năm, 80% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”… đều đạt và vượt.

Trong chuyến thăm Cao Bằng nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019 (ngày 25/1), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội Hà Ngọc Chiến đã được nghe những tin vui của tỉnh trong phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh việc hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội thì năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách đạt gần 1.900 tỷ đồng (bằng 168% dự toán Trung ương giao), thu hút tổng vốn đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng. Sự kiện Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu cũng giúp Cao Bằng thu hút khách du lịch (năm 2018, tỉnh đón hơn 1,2 triệu lượt du khách, tăng 26% so năm 2017). Đặc biệt, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 24,9 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm 4,1%/năm…

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Chỉ tính trong năm 2018, tỉnh đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh thực sự đã thay đổi rõ rệt. Dẫu còn đó những khó khăn nhưng nhất định Cao Bằng sẽ vươn lên mạnh mẽ để trở thành tỉnh khá trong khu vực và của cả nước.

Niềm tin của ông Hùng là hoàn toàn có cơ sở bởi những thành tựu sau đại hội lần thứ II năm 2014 là cơ sở để tin tưởng rằng, sức lan tỏa của Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, tỉnh lần thứ III năm 2019 sẽ là động lực để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vươn lên mạnh mẽ.

Đồng thời, trong lĩnh vực công tác dân tộc, tỉnh Cao Bằng lại có thêm thời cơ mới khi chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg và Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc rất ít người theo Quyết định 2086/QĐ-TTg đã được Chính phủ đồng ý cấp vốn thực hiện. Đây là hai chính sách tích hợp, khi có vốn thực hiện được kỳ vọng là “cú hích” để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng.

SỸ HÀO