Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 qua lăng kính nhân quyền: Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong đại dịch (Bài 4)

Sỹ Hào - 20:26, 23/11/2022

Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam đã pháp điển hóa quyền cơ bản này thông qua Luật tiếp cận thông tin. Trong đại dịch Covid-19, những quy định của Luật đã được thực thi, bảo đảm tất cả mọi người được TCTT liên quan đến dịch bệnh để có những giải pháp và nghĩa vụ trong việc phòng chống.

Công tác truyền thông được triển khai đều khắp, từ thành thị đến nông thôn.
Công tác truyền thông được triển khai đều khắp, từ thành thị đến nông thôn

Công khai toàn bộ tình hình dịch bệnh

Hiện nay, điều kiện để TCTT của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng. Một thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hơn 60% người dân Việt Nam sử dụng Internet, thời gian sử dụng Internet lên tới 7 giờ/ngày. Hầu hết người sử dụng Internet tại Việt Nam đều sử dụng mạng xã hội, khi có tới 60 triệu người dùng Facebook, 40 triệu người dùng Zalo.

Đặc biệt, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, dù đang là “vùng lõm” trong phát triển, nhưng mức độ TCTT của người dân đã cơ bản được đảm bảo. Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019 của Tổng cục Thống kê phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc thực hiện cho thấy, có 92,5% hộ gia đình DTTS có sử dụng điện thoại; 61,3% hộ gia đình DTTS có sử dụng Internet; 10,3% hộ gia đình DTTS sử dụng máy tính… Điều kiện sử dụng phương tiện TCTT cũng được bảo đảm, khi có 96,7% hộ gia đình DTTS có sử dụng điện lưới để thắp sáng.

Trong đại dịch Covid-19; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Vụ Tuyên truyền đã triển khai cập nhật tình hình diễn biễn dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hẳng ngày, hằng giờ; Báo Dân tộc và Phát triển tăng cường thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, với tinh thần truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh. Báo Dân tộc và Phát triển đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với đó là hệ thống báo, tạp chí in được cấp không thu tiền cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã thực hiện nhiệm vụ “phủ” thông tin chính thống đến với người dân. Ngoài ra, các chương trình phát thanh, truyền hình bằng cả tiếng Việt và 26 thứ tiếng dân tộc được phát sóng mở rộng tới các bản làng xa xôi… Đây chính là những “kênh truyền dẫn” tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc.

Cũng phải thấy rằng, trong đại dịch Covid-19, ngay từ đầu, Đảng, nhà nước ta chủ trương công khai toàn bộ tình hình dịch bệnh từ số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca nghi nhiễm được cập nhật liên tục hàng giờ đến toàn thể người dân thông qua các phương tiện truyền thông (qua các văn bản giấy được phát ở các tổ dân phố; qua các cơ quan báo chí chính thống, mạng xã hội, mạng viễn thông thông qua hình thức tin nhắn). Việc công khai tình hình dình dịch bệnh giúp người dân nắm được thông tin, tránh tình trạng giấu dịch dẫn đến hệ quả hết sức nghiêm trọng. Đồng thời, Việt Nam cũng triển khai các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến và đưa ra các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh cho người dân.

Đặc biệt, kể từ khi có thông tin dịch bệnh Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân để phòng, chống dịch. Trong các văn bản chỉ đạo đều có nêu tên dịch bệnh, thời gian xảy ra dịch; địa điểm và quy mô xảy ra dịch, nguyên nhân, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, đường lây, các biện pháp phòng, chống dịch, các cơ sở khám, chữa bệnh... Các văn bản đều được phổ biến rộng rãi đối với người dân, đặc biệt ở các cơ quan báo chí báo chính thống của quốc gia cũng như các trang thông tin điện tử của các bộ ngành, địa phương.

Nhờ đó, người dân tiếp cận thông tin chính thống về dịch bệnh một cách đầu đủ, thường xuyên, từ đó chủ động phòng, chống. Một khảo sát gần đây của Nielsen Việt Nam (công ty nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu - Pv) cho thấy, hầu hết mọi người Việt Nam đều hiểu triệu chứng của bệnh. Người dân đồng lòng cùng Chính phủ trong chống dịch thông qua các bài đăng ủng hộ nhân viên y tế trên mạng xã hội hay các tranh vẽ tuyên truyền bằng khẩu hiệu: “Ở nhà là yêu nước”, “Đứng yên khi Tổ quốc cần”…

Vì một Việt Nam vững vàng

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh thế giới phẳng trên nền tảng công nghệ, với điều kiện TCTT được mở rộng, thì người dân cũng dễ tiếp cận những thông tin về dịch bệnh không chính xác, xuyên tạc. Những thông tin thất thiệt như: Không đủ lương thực thực phẩm cung cấp, số người chết do nhiễm Covid, có phương pháp tự điều trị tại nhà… khiến không ít người hoang mang.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có những biện pháp xử lý phù hợp nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật đã có những biện pháp tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Đa dạng hóa hình thức truyền thông để phát huy sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch Covid-19.
Đa dạng hóa hình thức truyền thông để phát huy sức mạnh tổng hợp phòng, chống dịch Covid-19

Với việc thực thi hiệu quả quyền TCTT của người dân, Việt Nam đã huy động được sức mạnh tổng hợp để phòng, chống dịch bệnh. Theo Báo cáo Kết quả 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/10/2021, dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi đó, theo số liệu của Ourworldindata (Thế giới Dữ liệu Toàn cầu) cập nhật ngày 28/11/2021, dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh tại nhiều khu vực, nhất là tại châu Âu với số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng gần 60% từ trung bình 226.000 ca/ngày trong tháng 10/2021 lên 358.000 ca/ngày vào cuối tháng 11/2021; tỷ lệ lây nhiễm tại một số nước châu Âu vẫn ở mức cao gấp từ 9 - 20 lần so với trung bình toàn thế giới.

Nhưng không vì thế mà ngủ quên trên chiến thắng. Bởi theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học thì dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.

Kết quả sau gần 2 tháng triển khai Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. (Nguồn: Bộ Y tế)
Kết quả sau gần 2 tháng triển khai Chiến dịch truyền thông “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. (Nguồn: Bộ Y tế)

Vì thế, công tác truyền thông phòng, chóng dịch Covid-19 tiếp tục được Việt Nam chú trọng, đẩy mạnh để nâng cao ý thức của mỗi người dân. Từ 12/9 đến 31/10/2022, Bộ Y tế đã phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. Mục tiêu của Chiến dịch là thông qua truyền thông để nâng cao ý thức thực hiện các hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe thông qua việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các Ban, ngành các cấp, đoàn thể và địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Qua hơn 1 tháng triển khai Chiến dịch, theo Báo cáo số 1518/BC-BYT ngày 10/11/2022 của Bộ Y tế, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia của hệ thống truyền thông y tế từ Trung ương đến địa phương, chiến dịch đã lan tỏa Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác (Thông điệp 2K+) đến gần 100 triệu người dân Việt Nam.

Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú trên các nền tảng mạng xã hội, hướng đến tất cả các nhóm đối tượng trong cộng đồng xã hội, Chiến dịch đã góp phần tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân, cùng nhau hướng đến “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”.

Cùng với công tác truyền thông để bảo đảm quyền TCTT đầy đủ, chính xác nhất về dịch bệnh, Việt Nam cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc chưa từng có tiền lệ. Để có nguồn vắc xin cho chiến dịch quy mô này, việc “ngoại giao vắc xin” được đánh giá có sứ mệnh xoay chuyển tình thế. Con đường ngoài giao đặc biệt trong bói cảnh đặc biệt này cho thấy uy tín của Việt Nam trong các đối tác quốc tế cũng như sự tận tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vì Nhân dân.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.