Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhìn lại 10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội năm 2022

Hồng Phúc - 17:30, 31/12/2022

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa công bố 10 kết quả nổi bật của ngành trong năm 2022. Mặc dù điều kiện thực hiện các chính sách bảo hiểm hết sức khó khăn nhưng trong năm 2022, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tích quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt công tác.

Nhìn lại 10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội năm 2022

1. Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện chính sách

Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi UBND 63 tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp: Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã; hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…

Đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn; 56 tỉnh đã đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội và 61 tỉnh đã đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế vào Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, nhiều tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước.

2. Hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia

Năm 2022, mặc dù trong điều kiện thực hiện hết sức khó khăn nhưng các chỉ tiêu bao phủ đều tăng so với năm 2021. Cụ thể, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% dân số.

Diện bao phủ tiếp tục được mở rộng đồng nghĩa với việc ngày càng có thêm nhiều người dân được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2022 (là năm đầu tiên) Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh 190 doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2017-2022.

3. Quyền lợi người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được đảm bảo đầy đủ, kịp thời

Trong năm 2022, toàn ngành đã giải quyết hơn 95.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; chi trả hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp…; 151,4 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú.

Đáng chú ý, năm 2022 có khoảng 61% số người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn lại 10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội năm 2022 1

4. Chi trả kịp thời hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp đến doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tính đến hết ngày 31/12/2022, toàn ngành đã triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động nâng tổng số tiền hỗ trợ đạt trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. Trong đó, có 99,3% người lao động nhận hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng trong tổng số trên 13 triệu người lao động được hưởng gói hỗ trợ bằng tiền mặt từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

5. Cùng ngành Y tế tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với ngành Y tế đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia theo Luật định.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và ngành, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Với sự vào cuộc đó, nhiều vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền của ngành đã được tháo gỡ kịp thời.

Mặt khác, ngành cũng phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh cải tiến, xử lý các vướng mắc về thủ tục khám chữa bệnh bằng hình ảnh thẻ bảo hiểm y té trên ứng dụng “VssID – Bảo hiểm xã hội số”; tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành.

Nhìn lại 10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội năm 2022 2

6. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện

Toàn ngành hiện có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20.000 tài khoản trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ; đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng trên 620.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng Dịch vụ công trên toàn quốc.

Hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử và Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến; kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương…

Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức an sinh xã hội hiện đại.

7. Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dân cư

Thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp người tham gia giảm thời gian, thủ tục khi đi khám chữa bệnh; triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Kết quả, cả nước đã có trên 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh (chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám chữa bệnh).

Việc tích hợp, triển khai các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng được tích cực, phối hợp triển khai như: Tích hợp các dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”, “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” (từ tháng 7/2022); liên thông và triển khai thí điểm 2 dịch vụ công “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Theo đó, đến hết tháng 12/2022, đã tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 50.000 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hơn 50.000 lượt giao dịch gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thành công.

8. Quyết liệt thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Trong năm 2022, cơ quan Công an và cơ quan Bảo hiểm xã hội tại 63 tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng, với số tiền thu hồi được trong năm đạt 500 tỷ đồng.

Toàn ngành tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động theo kế hoạch hoặc đột xuất. Đến hết tháng 12/2022, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị; phát hiện 74.000 trường hợp truy thu về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 90 tỷ đồng, bằng 160% so với năm 2021.

Kết quả, năm 2022 số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là trên 13.000 tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.

Nhìn lại 10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội năm 2022 3

9. Phát động tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 23/11/2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã phát động “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc - với mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội, đồng hành cùng ngành nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người yếu thế để ngày càng có nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, được chăm sóc sức khỏe bằng thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng số người thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.

Tính đến hết tháng 12/2022 đã có hàng ngàn doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại 63 tỉnh, thành phố chung tay cùng ngành trao tặng khoảng 16.000 sổ bảo hiểm xã hội và 120.000 thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 136.000 người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

10. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng

Năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế với Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng thế giới, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các tổ chức an sinh xã hội của Châu Âu,… để tham vấn ý kiến, kinh nghiệm quốc tế về các nội dung đề xuất xây dựng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.