Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều ý kiến đóng góp vào quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG

Nhóm PV - 09:08, 30/06/2022

Sáng 29/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Tham dự Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc triển khai công tác dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG). Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi một số ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị.

Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai
Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Bà Giàng Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn sự nghiệp cả giai đoạn theo từng dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Tại Lào Cai, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong phạm vi Quyết định 1719/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện chính sách cho Người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ được cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện triển khai hiệu quả.

Theo bà Giàng Thị Dung, xuất phát từ thực tế, tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn sự nghiệp cả giai đoạn theo từng dự án thành phần thuộc Chương trình để địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả.

Điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giai đoạn 2022 - 2025 và riêng năm 2022 phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của địa phương. Các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định 1719/QĐ-TTg.

Đề nghị Trung ương khi giao dự toán nguồn kinh phí sự nghiệp cho các địa phương không giao theo lĩnh vực mà giao theo dự án, cho phép địa phương được chủ động phân bổ sử dụng kinh phí phù hợp nhu cầu thực tế đảm bảo đúng nội dung chi và định mức chi theo quy định.

Ông Phan Đình Hiến - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông
Ông Phan Đình Hiến - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông

Ông Phan Đình Hiến - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông: Cần tăng cường hướng dẫn các địa phương để triển khai thực hiện chương trình hiệu quả

Theo ông Phan Đình Hiến, để triển khai Chương trình MTQG, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng tờ trình thực hiện nghị quyết xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của địa phương. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu HĐND tỉnh đã thông qua kế hoạch phân bổ vốn của công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời thông qua phân bổ vốn ngân sách của năm 2022.

Hiện nay, Ban Dân tộc đang phối hợp với các sở, ngành xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các huyện để thực hiện Chương trình. Ban Dân tộc cũng đã rà soát toàn bộ các danh mục cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở các thôn buôn đặc biệt khó khăn trình UBND tỉnh.

Tuy nhiên, ông Phan Đình Hiến cho biết, Chương trình MTQG là chương trình mới, nên cơ quan công tác dân tộc các tỉnh nói chung và Đắk Nông nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, Ban Dân tộc Đắk Nông đề xuất Văn phòng điều phối Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cần xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình này, tổ chức tập huấn cho địa phương, vùng miền cụ thể.  Sớm ban hành thông tư hướng dẫn, các bộ ngành Trung ương phân bổ vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương chủ động xây dựng thực hiện nguồn vốn sự nghiệp này.

Ông Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng
Ông Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng

Ông Lâm Sách - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Tăng cường hỗ trợ cho địa phương tiếp cận với các đối tác hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS.

Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,46%; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh được giữ vững.

Với Chương trình MTQG, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động triển khai, sớm hoàn thành việc rà soát các đối tượng, các mô hình, các công trình, dự án của chương trình MTQG. Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND ban hành Nghị quyết và Kế hoạch để triển khai thực hiện, tham mưu HĐND để ban hành tiêu chí, nguyên tắc nguồn vốn phân bổ Chương trình MTQG.

Tuy nhiên, theo ông Lâm Sách, Chương trình MTQG là chương trình mới và lớn cần ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân bổ nguồn vốn vào thời điểm giữa năm nên gặp không ít khó khăn. Cũng như các tỉnh khác trong công tác tham mưu xây dựng kế hoạch, Sóc Trăng cũng đang gặp khó khi thiếu căn cứ lập Kế hoạch; việc triển khai vốn tín dụng đang rất khó, khi triển khai theo các dự án thành phần, do các đối tượng đã vay theo vốn của chương trình khác, nên khi lập hồ sơ vay theo Chương trình MTQG thì trùng lặp…

Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương sớm ban hành các văn bản để các tỉnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG; kiến nghị UBDT tham mưu cấp thẩm quyền và ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách với xã, phường thuộc khu vực III, thuộc huyện, thị xã được công nhận và đạt chuẩn Nông thôn mới; tăng cường hỗ trợ cho tỉnh tiếp cận với các đối tác hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, phù hợp với đặt điểm tập quán cho đồng bào…

Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn
Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Khả năng giải ngân Chương trình MTQG trong năm 2022 là rất khó khăn

Trong 6 tháng đầu năm, công tác dân tộc được tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Theo đó, các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe được quan tâm, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào được phát huy, đời sống đồng bào từng bước vươn lên…

Đối với Chương trình MTQG, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành 2 nghị quyết về chương trình này là Nghị quyết về giao vốn chuẩn bị đầu tư cho các nội dung của Chương trình MTQG bằng nguồn ngân sách của địa phương và Nghị quyết nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ của Chương trình MTQG. Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Ban chỉ đạo và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG…

Tuy nhiên, theo ông Phạm Duy Hưng, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn khó khăn khi chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các dự án, tiểu dự án; cụ thể như Dự án 01, Tiểu dự án 2 của Dự án 3; Dự án 4… Theo đó, tỉnh Bắc Kạn cũng như các địa phương khác đang rất cần sự phối hợp của UBDT và các bộ, ngành để việc triển khai Chương trình MTQG đạt được hiệu quả.

Ông Phạm Duy Hưng đề nghị UBDT kiến nghị với Chính phủ cho kéo dài thời hạn giải ngân sang giữa năm 2023 vì khả năng giải ngân đối với Chương trình MTQG trong năm 2022 của các địa phương là rất khó khăn; cho phép kéo dài thực hiện chế độ chính sách đối với các xã, thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới…