Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều xã miền núi, xã vùng DTTS “rớt” chuẩn NTM

Khánh Ngân - 20:28, 07/08/2024

Các xã ở khu vực miền núi và vùng DTTS có điểm xuất pháp thấp trong xây dựng Nông thôn mới (NTM). Để về đích NTM đúng hẹn, chính quyền địa phương cùng đồng bào các DTTS đã có sự nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên, để duy trì tiêu chí trong xây dựng NTM mới qua các giai đoạn, là thách thức không nhỏ đối với chính quyền và Nhân dân ở miền núi, vùng DTTS. Trên thực tế, đã có không ít xã ở miền núi, xã vùng DTTS bị “rớt” tiêu chí, thậm chí có xã có nguy cơ “rớt” chuẩn NTM.

Chương trình MTQG xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam. Nhưng khi áp dụng Bộ tiêu chí mới, nhiều xã đã “rớt” chuẩn NTM. Ảnh: NT
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam. Nhưng khi áp dụng Bộ tiêu chí mới, nhiều xã đã “rớt” chuẩn NTM. Ảnh: NT

“Rớt” chuẩn NTM 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Nam, tính lũy kế từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh Quảng Nam có 130/193 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, có gần 100 xã được công nhận về đích NTM trong giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó, toàn tỉnh Quảng Nam cũng đã có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỷ lệ đạt 22,2%. 

Tuy nhiên, khi đối chiếu với Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Quảng Nam đã có đến 89 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước không duy trì được chuẩn NTM. Không chỉ “rớt” chuẩn NTM do một số chỉ tiêu, tiêu chí tăng (do Bộ tiêu chí mới) mà cả những tiêu chí cũ cũng đã “rớt” chuẩn.

Nguyên nhân là, sau khi đạt chuẩn NTM, các xã miền núi, xã vùng DTTS không còn được thụ hưởng chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, chế độ cho sinh viên... nên ảnh hưởng trực tiếp đời sống của Nhân dân dẫn đến giảm gần 50% chỉ tiêu đạt chuẩn so với trước đó.

Trên thực tế hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nhóm xã miền núi và vùng DTTS ở Quảng Nam, chỉ khoảng 30 triệu đồng/năm. Trong khi đó, theo tiêu chí chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 48 triệu đồng/năm trở lên. Như vậy, trung bình mỗi năm vùng miền núi và DTTS phải tăng thu nhập lên thêm 9 triệu đồng/người. Do đó, các xã vùng miền núi, xã vùng DTTS đã về đích NTM khó giữ tiêu chí này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Không riêng gì Quảng Nam, sụt giảm tiêu chí, “rớt” chuẩn NTM khi áp theo bộ tiêu chí đánh giá NTM giai đoạn 2021 - 2025 đang là thực tế chung ở nhiều tỉnh ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2019, thế nhưng khi áp dụng Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, xã Trúc Sớn, huyện huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang có nguy cơ bị rút quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM
Được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2019, thế nhưng khi áp dụng Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, xã Trúc Sơn, huyện huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang có nguy cơ bị rút quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM

Tại tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh đã có 40/60 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh có 30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Qua đánh giá tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh đã có 24 xã “rớt” tiêu chí NTM. Đáng lưu ý, khi áp dụng Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, ở tỉnh Đắk Nông có 2 xã là xã Trúc Sơn và xã Cư K'nia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) chỉ đạt 13/19 tiêu chí và có nguy cơ phải thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Trước đó, vào năm 2019, xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút) được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2020, xã Cư K'nia (huyện Cư Jút) cũng được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí xã NTM 2021 - 2025, thời điểm cuối năm 2023, xã Trúc Sơn và xã Cư K'nia chỉ đạt 13/19 tiêu chí.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản gửi xã Trúc Sơn và xã Cư K'nia, đến tháng 8/2024, nếu không đáp ứng các tiêu chí, những địa phương này sẽ bị rút quyết định công nhận NTM.

Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông đánh giá, nguyên nhân nhiều xã “rớt” tiêu chí là do thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM chỉ đạt mức tối thiểu theo quy định. Trong khi Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 các chỉ tiêu đều yêu cầu cao hơn giai đoạn trước…

Nên chăng cần điều chỉnh chính sách xây dựng NTM?

Qua 14 năm thực hiện chương trình MTQG, cả nước hiện đã có 6.239 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nông thôn, miền núi đã có bước đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là các xã về đích NTM phần lớn thuộc vùng đồng bằng, Trung du. Còn tỷ lệ các xã thuộc vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS về đích NTM còn thấp do điều kiện kinh tế - xã hội và điểm xuất phát thấp. Bên cạnh đó, áp dụng theo bộ tiêu chí mới thì các xã ở miền núi, vùng đồng bào DTTS về đích NTM nguy cơ “rớt” chuẩn NTM cũng đã hiện hữu.

Cũng sau chừng ấy năm thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã bộc lộ nhiều điểm chưa thật sự phù hợp. Đơn cử, vùng đồng bằng và vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS có điểm xuất phát xây dựng NTM khác nhau. Cùng với đó, các vùng cũng có điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và tốc độ phát triển không đồng đều. Tuy nhiên, Bộ tiêu chí trong xây dựng NTM lại áp dụng đồng nhất trên phạm vi cả nước. 

Bên cạnh đó, mức độ đầu tư cho xã về đích NTM cũng được cào bằng từ miền xuôi lên đến miền núi, điều này gây khó khăn và áp lực lớn đến các xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn trong quá trình hoàn thành Bộ tiêu chí NTM.

Để Chương trình MTQG xây dựng NTM thực sự tác động tích cực và mạnh mẽ ở vùng nông thôn, miền núi, thiết nghĩ cần phải có sự điều chỉnh cách thức thực hiện, hạn mức đầu tư kịp thời. Có thể là phân chia Bộ tiêu chí trong xây dựng NTM thành 3 bộ tiêu chí khác nhau, để áp dụng cho 3 nhóm xã đồng bằng, xã khó khăn và xã đặc biệt khó khăn. Cũng có thể để nguyên Bộ tiêu chí áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc, nhưng phân ra 3 hạn mức đầu tư khác nhau. 

 Nếu làm được như vậy, thì các xã ở miền núi, xã vùng DTTS mới có cơ hội về đích NTM đúng hẹn và giữ vững tiêu chí NTM qua các giai đoạn mà không không sợ “rớt” chuẩn và cũng là để các xã thoát được cảnh phải tiếp tục "khoác áo nghèo".

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.