Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới năm 2022

Như Ý (T/h) - 10:55, 21/04/2022

Năm 2022, nhiều trường đại học tiếp tục công bố phương thức tuyển sinh đại học chính quy. Trong đó, có nhiều trường tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội.

 Năm 2022 nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới. Ảnh minh họa
Năm 2022 nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới. Ảnh minh họa

Năm 2022, Trường Đại học Thương mại có tổng chỉ tiêu tất cả ngành, chương trình đào tạo là 4.150, tăng 150 so với năm ngoái. Trường có thêm ngành Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).

Với chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực. Trường Đại học Thương mại có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý; chương trình tích hợp ngành Kế toán.

Học viện Ngoại giao vừa có thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Theo đó, năm 2022, Học viện dự kiến xét tuyển 2200 chỉ tiêu (năm 2021 là 1350 chỉ tiêu). Học viện lấy hơn 50% thí sinh theo phương thức xét tuyển Chứng chỉ quốc tế.

Học viện tuyển sinh theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng và Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (3%); Xét tuyển kết hợp Chứng chỉ quốc tế và Kết quả học tập THPT (52%); Xét tuyển dựa trên Kết quả học tập THPT (15%); Xét tuyển dựa trên Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (25%) và Xét tuyển dựa trên Kết quả học tập THPT và Phỏng vấn (5%).

Trường hợp một phương thức không tuyển đủ chỉ tiêu thì số lượng chỉ tiêu còn lại được chuyển sang các phương thức khác. Điểm khác biệt trong việc mở ngành năm qua của Học viện Ngoại giao là ngành Truyền thông Quốc tế sẽ chia làm hai ngành đào tạo chuyên sâu là Truyền thông Marketing quốc tế và Truyền thông Quốc tế chuyên nghiệp.

Năm 2022, Học viện Ngoại giao cũng mở thêm hai ngành mới là: Châu Á - Thái Bình Dương học và ngành Luật thương mại quốc tế.

Đại học Giao thông vận tải vừa thông báo phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022 vào 31 ngành đào tạo. Với cơ sở Hà Nội, trường tuyển 4.150 chỉ tiêu cho các chương trình đại trà, tiên tiến, chất lượng cao và 60 chỉ tiêu cho các chương trình liên kết quốc tế. Tại phân hiệu ở TP.HCM, trường tuyển 1.470 chỉ tiêu (năm trước toàn trường tuyển 4.200 chỉ tiêu)

Đại học Giao thông vận tải sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; dựa vào kết quả học bạ THPT; xét kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; xét tuyển kết hợp thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên và tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp đạt 12 điểm trở lên (gồm Toán và một môn khác Ngoại ngữ). Trong số này, phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy là mới so với năm ngoái.

Năm ngoái, trường lấy điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là từ 15,4 đến 26,35. Trong đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Hà Nội lấy cao nhất, ngành Kỹ thuật môi trường tại phân hiệu TP.HCM thấp nhất.

Tuyển sinh đại học năm 2022: Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới 1

Đại học Ngoại thương lên kế hoạch tuyển sinh 3 ngành học mới gồm: Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp (ngành Marketing) và Kinh doanh số (ngành Kinh doanh quốc tế).

Đại học Dược Hà Nội dự kiến tuyển sinh 950 chỉ tiêu (nhiều hơn 190 chỉ tiêu so với năm 2021) cho 4 ngành, trong đó ngành Dược học, Hóa dược và Hóa học tuyển sinh theo khối A00 (Toán, Lý, Hóa) và Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) ngành Công nghệ sinh học.

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức là: Xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế và tuyển thẳng thí sinh có SAT hoặc ACT, Xét tuyển đối với học sinh giỏi các lớp chuyên của Trường THPT năng khiếu/chuyên cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố, xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trường bổ sung thêm 1 phương thức xét tuyển mới là xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Năm 2022, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển 3.820 cho cả hai cơ sở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tăng 300 so với năm ngoái.

Trường tuyển sinh theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh của Học viện (không giới hạn chỉ tiêu); xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (dự kiến 65%); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của Học viện (dự kiến 25%); xét tuyển dựa vào kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực (dự kiến 10%).

Thời gian dự kiến công bố kết quả xét tuyển kết hợp và xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực là tháng 6 năm nay.

Trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến tuyển 2.365 sinh viên trong năm 2022, tăng khoảng 300 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trường sẽ giữ 4 phương thức xét tuyển như năm trước với các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) và điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho từng phương thức.

4 phương thức cụ thể là: Xét tuyển các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam kết hợp cùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét học bạ; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tại cơ sở chính Hà Nội của tổ hợp C00 (văn, sử, địa) là 20, các tổ hợp còn lại là 18. Riêng với 2 ngành Luật thương mại quốc tế, Ngôn ngữ Anh, điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh không dưới 7. Tại phân hiệu Đắk Lắk, điểm sàn là 15, áp dụng cho mọi tổ hợp; Xét tuyển với thí sinh đăng ký xét tuyển vào chương trình liên kết với Trường đại học Arizona (Mỹ). Ngoài áp dụng tuyển sinh theo các phương thức trên, trường còn xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, tối thiểu 5.5 IELTS hoặc tương đương.

Đại học Kinh tế quốc dân mở 6 mã đào tạo mới từ năm 2022, trong đó trường tách mã các chương trình định hướng ứng dụng (POHE) để tuyển sinh theo 7 mã riêng; tách mã ngành Kinh tế thành 3 mã chuyên ngành; tuyển lại mã ngành Tài chính-Ngân hàng (bằng tiếng Việt); tạm dừng tuyển sinh các mã CT1/Ngân hàng, CT2/Tài chính công, CT3/Tài chính doanh nghiệp.

Năm nay, Học viện Tài chính tuyển 4.000 sinh viên, trong đó dành ít nhất 50% để tuyển thẳng và xét học sinh giỏi bậc THPT (bằng số chỉ tiêu tuyển năm 2021).

Ngoài tuyển thẳng và xét học sinh giỏi ở bậc THPT (tối thiểu 50%), Học viện Tài chính dành 5% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Số còn lại xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển kết hợp.

Với phương thức xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT, thí sinh được đăng ký vào tất cả ngành học nếu có hạnh kiểm ba năm THPT xếp loại tốt, từng tham gia thi chọn đội tuyển hoặc là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic, thi khoa học kỹ thuật quốc tế; hoặc đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Tiếng Anh, Văn.

Thí sinh có học lực giỏi ba năm THPT, trong đó kết quả lớp 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển không dưới 7 cũng được xét theo phương thức này.

Nếu chỉ có giỏi hai năm, trong đó với lớp 12, thí sinh cần đáp ứng thêm một trong các yêu cầu: có giải trong các kỳ thi cấp tỉnh môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn; có chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5, TOEFL iBT 55, SAT 1050/1600, ACT từ 22 điểm trở lên. Thí sinh học lực giỏi một năm lớp 12 và đạt yêu cầu trên chỉ đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào hai ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế.

Dự kiến, thời gian nhận hồ sơ đăng ký theo phương thức này là 28/5 - 8/6.

ĐH Thăng Long vừa công bố 23 ngành tuyển sinh của năm nay, nhưng không còn tuyển ngành Dinh dưỡng (nhóm Khoa học sức khỏe) nhưng có hai ngành Quản trị khách sạn (nhóm Kinh tế - Quản lý) và Thanh nhạc (nhóm Năng khiếu).

Tổng chỉ tiêu của trường là 3.130. Trường áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh.

Cụ thể: Thứ nhất, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và thi tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và D01 (Toán, Văn, tiếng Anh). Thí sinh cần đạt tối thiểu IELTS 5.5 (hoặc TOEFL iBT 51-60, TOEFL ITP 464-499) để quy đổi 8,5 điểm môn tiếng Anh trong hai tổ hợp xét tuyển. Trừ Thanh nhạc và Điều dưỡng không tuyển, các ngành còn lại đều dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này.

Thứ hai, ĐH Thăng Long xét tuyển kết hợp học bạ và thi năng khiếu để tuyển sinh viên ngành Thanh nhạc. Thí sinh phải đạt điểm trung bình môn Văn trong 3 năm THPT tối thiểu 5, hạnh kiểm lớp 12 không dưới khá.

Bài thi năng khiếu gồm hai phần: Hát và thẩm âm, tiết tấu. Điểm xét tuyển là tổng điểm hai môn năng khiếu.

Phương thức ba là xét tuyển học bạ, chỉ áp dụng để tuyển ngành Điều dưỡng. Trường yêu cầu thí sinh đạt điểm trung bình 3 môn Toán, Hóa, Sinh bậc THPT từ 6,5 trở lên, trong đó không môn nào dưới 5; hạnh kiểm lớp 12 tối thiểu đạt loại khá.

Bốn là xét tuyển dựa vào điểm học bạ môn Toán, áp dụng cho các ngành nhóm Toán - Tin học và Kinh tế - Quản lý. Thí sinh cần đạt điểm trung bình môn Toán bậc THPT từ 8 trở lên, yêu cầu về hạnh kiểm tương đương phương thức hai và ba.

Những phương thức còn lại gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên thành tích về nghệ thuật, thể thao. Trừ Thanh nhạc và Điều dưỡng, các ngành còn lại đều sử dụng các phương thức này.

Trường Đại học Y Dược Thái Bình tăng chỉ tiêu từ 990 lên 1.050 do từ năm 2022, trường mở thêm ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học với 60 chỉ tiêu.

Trường Đại học Y tế Công cộng dự kiến tuyển sinh 566 sinh viên, tăng hơn 100 so với năm 2021. Trường cũng mở thêm Khoa học dữ liệu từ năm 2022 với 50 sinh viên.

Trường ĐH Thành Đô tuyển 1.370 sinh viên cho 12 ngành trong năm 2022, trong đó có hai ngành mới là Luật và Luật kinh tế, mỗi ngành 100 chỉ tiêu.

Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021-2025. So với hiện tại, danh mục này có thêm nhiều ngành mới, trong đó bậc đại học 67 ngành được quy hoạch, thạc sĩ 118 và tiến sĩ 55.

Một số ngành, chuyên ngành sẽ sớm xuất hiện trong thời gian tới như Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lý đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kỹ thuật số...

Xu hướng mở thêm ngành mới không chỉ xuất hiện tại các trường khu vực phía Bắc mà còn ở phía Nam.

Tuyển sinh đại học năm 2022: Nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu, mở thêm ngành mới 2

Đại học Công nghệ TP. HCM xét tuyển 7.600 chỉ tiêu cho 59 ngành thuộc các nhóm Khoa học sức khỏe, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Khoa học xã hội, Sinh học - Môi trường - Nông lâm, Ngoại ngữ, Luật, Kiến trúc - Mỹ thuật ứng dụng và Truyền thông - Nghệ thuật.

Trong đó, trường này dự kiến mở chín ngành mới, gồm: Kinh tế quốc tế, Tài chính quốc tế, Digital Marketing, Quản trị sự kiện, Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường, Chăn nuôi, Nghệ thuật số, Công nghệ điện ảnh, truyền hình.

Với 35 ngành trong năm nay, Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM mở sáu ngành học mới là Quản trị văn phòng, Quản trị sự kiện, Kiểm toán, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Truyền thông đa phương tiện.

Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tuyển hai ngành mới gồm Giáo dục mầm non và Quản lý bệnh viện, nâng tổng số ngành của trường lên 50 với tổng chỉ tiêu 8.000. 

Đại học Gia Định mở thêm chương trình đào tạo tài năng với năm ngành học: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Marketing và Ngôn ngữ Anh.

Đại học Kinh tế TP. HCM năm nay tăng 10% chỉ tiêu, tuyển 32 chương trình đào tạo, với ba chương trình mới.

Trong đó, hai chương trình Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số nhằm đón đầu xu thế đào tạo, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế số. Chương trình Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế ICAEW CFAB plus nhằm định hướng nghề nghiệp quốc tế, giải quyết bài toán nhân sự chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế ở lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây là một trong tám lĩnh vực được dịch chuyển tự do trong khu vực ASEAN theo thỏa thuận khi Việt Nam gia nhập AEC.

Tại phân hiệu Vĩnh Long, trường này cũng bổ sung hai chương trình mới Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính.

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, dự kiến mở thêm ngành Luật, Sư phạm công nghệ, An toàn thông tin và Công nghệ Kỹ thuật ôtô điện.

Đại học Cần Thơ dự kiến mở nhiều ngành mới: Kỹ thuật phần mềm, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện./.