Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều hậu thuẫn để hỗ trợ dòng tiền vẫn ưu tiên vào chứng khoán

PV - 15:00, 23/07/2021

Lãi suất vẫn trong xu hướng giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng dự báo vẫn duy trì, nên kênh tiền gửi sẽ giảm sức hút. Kênh bất động sản cũng hấp dẫn song đã rất “nóng”; vàng, hay một số kênh khác thì thiếu ổn định, rủi ro… Do đó, kênh chứng khoán có thể vẫn sẽ hút dòng tiền.

Thị trường chứng khoán vẫn được dự báo sẽ hấp dẫn dòng tiền tham gia. Ảnh: Duy Dũng.
Thị trường chứng khoán vẫn được dự báo sẽ hấp dẫn dòng tiền tham gia. Ảnh: Duy Dũng.

Dòng tiền sẽ vẫn ưu tiên chứng khoán

Tại Chương trình Tư vấn đầu tư chứng khoán do Công ty Chứng khoán SSI (SSI) tổ chức, bên cạnh các biến số về kinh tế vĩ mô, nhiều nhà đầu tư đã có câu hỏi mang tính chất dự báo dành cho các chuyên gia của SSI đó là xu hướng dòng tiền vào thị trường sẽ như thế nào, đặc biệt là dưới tác động của dịch Covid-19 như hiện nay.

Chia sẻ về điều này, ông Lê Quý Hải - Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ SSI cho hay, trên thực tế 2 năm trở lại đây, khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng khắp thế giới đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhưng hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới đều tăng. Theo ông Hải, một phần nguyên nhân xuất phát từ các quốc gia áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất đã tạo điều kiện cho dòng vốn rẻ tham gia thị trường chứng khoán. Đơn cử như lãi suất tiết kiệm như ở Việt Nam, năm 2020 có 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, áp trần với kỳ hạn ngắn và thực tế thị trường chứng khoán đã khởi sắc.

"Lãi suất giảm nên kênh truyền thống là gửi tiết kiệm ngân hàng không mang lại tỷ suất hấp dẫn nữa. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục duy trì ít nhất cho tới cuối năm. Do đó, dòng tiền trong nền kinh tế sẽ chuyển đầu tư các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, hay gần đây cũng có nhiều loại tài sản khác nữa… Bất động sản hấp dẫn nhưng vừa qua rất "nóng", thực tế đã phải có nhiều biện pháp kiểm soát tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Thời gian qua thanh khoản thị trường có những phiên trên 30 nghìn tỷ đồng và cũng có thể chứng khoán vẫn là xu hướng trong thời gian tới." - ông Lê Quý Hải nhận định.

Các ngành “nóng” liệu có giữ được nhiệt?

Thị trường chứng khoán duy trì lực tăng trưởng rất ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Theo đó, cổ phiếu nhiều ngành cũng đã tăng giá rất mạnh, đóng góp lớn cho đà tăng của VN-Index, điển hình là cổ phiếu các ngành: Ngân hàng, thép và chứng khoán. Hiện nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng, có vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất 34% trong rổ VN-Index nên có mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường và cổ phiếu các nhóm khác.

Nhận định về nhóm ngân hàng giai đoạn tới, bà Hoàng Việt Phương – Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI (SSI Research) chia sẻ: “Nửa đầu năm 2021 diễn biến cổ phiếu nhóm ngân hàng tốt. Điều này phản ánh cơ cấu hoạt động thay đổi tích cực đáp ứng được cả trong dịch bệnh, kết quả kinh doanh có chuyển biến tốt, tăng trưởng trên 50 - 60%. Tuy nhiên, nếu nhìn vào nửa cuối năm 2021, bức tranh ngân hàng sẽ hơi khác đi một chút, sẽ không còn thấy các con số trong nửa đầu năm nữa vì giá cổ phiếu cũng dần được phản ánh”.

Còn với nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, ông Nguyễn Chí Trung – Phó Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân SSI khẳng định, năm 2021, chứng khoán tiếp tục hưởng lợi. Thứ nhất về thanh khoản, trung bình trên 21.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có nhiều phiên trên 30.000 tỷ đồng, mức thanh khoản này gần gấp 3 - 4 lần so với cả năm 2020. Điều kiện thị trường như vậy sẽ giúp nguồn thu phí môi giới của các công ty chứng khoán sẽ tốt. Cùng với đó, thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh, chỉ số VN-Index tính từ đầu năm đã tăng trên 25%, nên kỳ vọng nguồn thu từ tự doanh của các công ty chứng khoán sẽ tích cực. Ngoài ra, theo chuyên gia này, các dịch vụ khác của công ty chứng khoán cũng mang lại nguồn thu ổn định trong năm nay.

“Tùy vào từng khẩu vị của nhà đầu tư, ngắn hạn thì có thể mua thấp bán cao rồi theo xu thế thị trường, nhưng khi thị trường hồi phục thì hoàn toàn có thể xem xét cổ phiếu nhóm chứng khoán.” - ông Nguyễn Chí Trung nói.

Riêng đối với cổ phiếu ngành thép, ông Nguyễn Chí Trung cho rằng, P/E (giá/lợi nhuận một cổ phiếu) ngành thép thường được duy trì thấp hơn nếu so với các nhóm ngành tăng trưởng như tài chính, bán lẻ, …Vì thép là nhóm có chu kỳ, sau khoảng thời gian tăng trưởng tốt thì các năm sau đó thường giảm. Vì vậy, P/E ngành thép ít tiệm cận với mức P/E chung của thị trường.

“Chất xúc tác rất quan trọng là giá thép tăng từ 2020 đến nay, qua đó dự báo kết quả kinh doanh ngành này tốt trong nửa đầu năm, giá cổ phiếu vì đó cũng đi theo kỳ vọng này. Đến hiện tại, mục tiêu lúc mua đã được đáp ứng, thì hành động chốt lời trong ngắn hạn là hoàn toàn bình thường trên thị trường chứng khoán.” – chuyên gia của SSI Research cho hay./.