Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều cơ hội xuất khẩu tôm sang EU

PV - 09:34, 12/04/2018

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

Thị trường EU chiếm gần 19% lượng tôm XK của Việt Nam Thị trường EU chiếm gần 19% lượng tôm XK của Việt Nam

 

Những tháng đầu năm, thời tiết thuận lợi, người nuôi tôm thu được sản lượng cao, bên cạnh đó nhu cầu thị trường vẫn cao, giá tôm thế giới ổn định hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu (XK) tôm. XK tôm Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 440,5 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay 10 thị trường nhập khẩu (NK) chính của tôm Việt Nam bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Canada, ASEAN, Đài Loan, Thụy Sĩ, chiếm 88,6% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam.

Trong 8 thị trường chính, trừ Nhật Bản, XK sang tất cả các thị trường còn lại đều tăng trưởng dương trong đó XK sang Australia tăng mạnh nhất 76,2%. Hàn Quốc cũng là thị trường có mức tăng trưởng tốt 40,2%. XK sang Nhật Bản trong tháng 2/2018 giảm 38% do tồn kho còn cao nên XK cả 2 tháng đầu năm nay giảm 68,2 triệu USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, chiếm 69,6%, tôm sú chiếm 19,4% và tôm biển 11%. Trung Quốc là thị trường NK tôm sú lớn nhất của Việt Nam với giá trị NK 23,3 triệu USD tôm sú từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay. Trong khi Mỹ là thị trường NK tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam với 45,8 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay.

Đối với tôm chân trắng, giá trị XK tôm chân trắng chế biến và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh tăng lần lượt 28% và 29%. Đối với tôm sú, giá trị XK tôm sú chế biến giảm 38% và tôm sú sống/tươi/đông lạnh giảm 16%. XK tôm khác khô tăng mạnh nhất 178%.

VASEP cũng cho biết hiện nay EU vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 18,6% tổng XK tôm Việt Nam đi các thị trường. XK tôm sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 81,9 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang 3 thị trường chính trong khối (Hà Lan, Đức và Bỉ) đều tăng trưởng ở mức 2 con số. XK sang Hà Lan và Đức tăng lần lượt 62,6% và 42,5% trong khi XK sang Bỉ tăng trưởng thấp hơn đạt 31,8%.

EU được coi là thị trường “năng động” nhất của tôm Việt Nam trong năm 2017. Bước sang năm 2018, XK sang thị trường này vẫn duy trì được đà đi lên. XK tôm Việt Nam sang thị trường EU hiện khá thuận lợi do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) gặp khó khăn trên thị trường EU và đối mặt với nguy cơ EU cấm NK nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Bên cạnh đó, tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có.

XK sang Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2017. XK sang Mỹ tháng 2/2018 đạt trên 75 triệu USD, tăng 6,6%. Nhờ tăng trưởng nên Mỹ đã vươn lên vị trí thứ 2 về NK tôm Việt Nam sau khi đứng ở vị trí thứ 4 trong năm 2017. Cùng với đó, Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm 15,5% tổng kim ngạch XK tôm của Việt Nam đi các thị trường. Giá trị XK sang Nhật Bản trong 2 tháng đầu năm nay đạt 68,2 triệu USD, giảm 15,8% do tồn kho còn cao. Nhật Bản được coi là thị trường có sức tiêu thụ ổn định nhất trong số các thị trường chính NK tôm Việt Nam. Các doanh nghiệp XK có nhiều cải thiện về chất lượng và quy cách chế biến sản phẩm nên ngày càng “thu hút” thị trường Nhật Bản.

THEO CHÍNH PHỦ