Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhiều chỉ số dự báo giá điện sẽ tăng

Sỹ Hào - 09:15, 04/04/2024

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa được cho phép rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong bối cảnh nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến nguồn nước ở các hồ thủy điện xuống thấp; giá xăng dầu, than tăng;... thì dự báo giá điện sẽ tăng, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng cao.

Nhiều chỉ số dự báo giá điện sẽ tăng
Sau những lần điều chỉnh gần đây, giá điện chỉ tăng, không giảm. (Ảnh minh họa)


Ngày 26/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.

Một điểm đáng chú ý là, Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg cho phép EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. So với trước đây thì thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã được rút ngắn.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 06 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Lần gần đây nhất EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là ngày 9/11/2023, theo Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 8/11/2023 của đơn vị này. Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân trước thời điểm ngày 9/11/2023.

Giá thành điện của chúng ta chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thuỷ điện cũng là tài nguyên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống.
Ông Nguyễn Anh Tuấn
Tổng Giám đốc EVN

Chiếu theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg thì dự kiến, EVN sẽ được phép điều chỉnh giá điện trong trung tuần tháng 5/2024 (06 tháng kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất). 

Sau khi Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg có hiệu lực (ngày 15/5/2024), EVN có thể tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong tháng 8/2024 (tối thiểu 3 tháng kể từ lần điều chỉnh gần đây nhất).

Nhiều chỉ số cho thấy, giá điện bán lẻ bình quân trong lần điều chỉnh tới đây sẽ tiếp tục tăng chứ không giảm. Ngay trong năm 2023, với 02 lần điều chỉnh, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng tổng cộng 7,5% so với trước khi chưa điều chỉnh.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa hè năm 2024 khả năng nhiều đợt nắng nóng hơn và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì ở miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5. Trong tháng 7 - 8 cần đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Vì vậy, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở các hồ thủy điện được dự báo sẽ gay gắt hơn trong năm 2023. Thuỷ điện là năng lượng chiếm tỷ trọng cao nhất trong nguồn cung ứng điện của cả nước, với sản lượng hằng năm đạt 35% hoặc cao hơn. Nhưng trong năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%.

Nhiều chỉ số dự báo giá điện sẽ tăng 2
Năm 2023, do hạn hán, nhiều hồ thuỷ điện về mực nước chết, nên sản lượng của nguồn thuỷ điện chỉ đạt 28,4%. (Trong ảnh: Tháng 6/2023, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ - Nghệ An chỉ cao hơn mực nước chết tầm hơn 1m)

Cùng với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thủy điện thì việc nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao, có thể khiến EVN điều chỉnh giá điện.

Riêng mặt hàng xăng, từ đầu năm đến nay, liên Bộ: Công thương – Tài chính đã 13 lần điều chỉnh giá bán. Trong ngày 4/4/2024, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh lần thứ 14, theo hướng tăng lần thứ 3 liên tiếp, “cán mốc” 25 nghìn đồng/lít.

Tại buổi công bố tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I/2024 (ngày 29/3), bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong thời gian tới, mặt bằng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu có thể biến động mạnh, ảnh hưởng nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng như: lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, xăng dầu, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…

Ngoài ra, vào ngày 1/7, Việt Nam sẽ cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu. Những chỉ số điều chỉnh này sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên.

“Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas... để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường”, bà Hương khuyến nghị.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, CPI tăng 3,77%. Trong đó, nhiều mặt hàng và giá cả dịch vụ tăng mạnh trong quý, như: Gạo, giá nước dịch vụ, nhóm thuốc và dịch vụ y tế,... Tổng cục Thống kê đưa ra 3 kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.