Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhận thức của thế hệ trẻ đối với mô hình CNXH ở Việt Nam từ bài viết của Tổng Bí thư

PV - 16:09, 08/09/2021

Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021) và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 23/5/2021), đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài viết quan trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Ảnh: hanoi.edu.vn
Ảnh: hanoi.edu.vn

Bài viết đã thu hút sự quan tâm lớn của Nhân dân và nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Tất cả đều cho rằng đây là một bài viết rất hoàn chỉnh, toàn diện, sâu sắc về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với những nội dung căn bản và quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam kể từ khi đất nước được hòa bình, độc lập và thống nhất đến nay. Đó là vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam.

Trong bài viết, Tổng Bí thư đặt ra những câu hỏi và trả lời, giải quyết những vấn đề cốt yếu, quan trọng nhất, quyết định nhất của dân tộc Việt Nam hiện nay như: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”.

Đối với thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay, nội dung về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được tiếp cận qua nhiều phương thức khác nhau nhưng chủ yếu là thông qua quá trình học tập các môn học Mác - Lênin trong các nhà trường.Tuy nhiên, bài viết của Tổng Bí thư được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp cho rất nhiều các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận dễ dàng hơn về vấn đề hết sức quan trọng này. Vậy, những vấn đề nào về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà thế hệ trẻ cần nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn, chúng ta có thể điểm qua một vài vấn đề cơ bản như sau:

Trước hết, thế hệ trẻ cần phải nhận thức rõ và khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Thông qua bài viết của Tổng Bí thư và thực tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể thấy, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường phù hợp nhất, đúng đắn nhất. Sự lựa chọn này xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, đây là con đường duy nhất đã đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc và Nhân dân sau khi cách mạng Việt Nam đã thử qua rất nhiều con đường khác nhau. Yếu tố này đã được minh chứng trong lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Thứ hai, Tổng Bí thư khẳng định chủ nghĩa tư bản, cho dù hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, có thể coi là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất thì vẫn là một xã hội “không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái”. Hay nói cách khác, chủ nghĩa tư bản sẽ không phải là sự lựa chọn phù hợp với Việt Nam, không đáp ứng được yêu cầu và đem lại hạnh phúc thực sự cho Nhân dân.

Bài viết đã đưa ra những lập luận, phân tích và dẫn chứng cụ thể để minh chứng cho những lập luận đó. Ở chủ nghĩa tư bản hiện nay, mặc dù đã có nhiều điều chỉnh, còn tiềm năng phát triển nhưng vẫn không thể khắc phục những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Đó là những cuộc suy thoái, khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ, làm phơi bày ra những bất công trong xã hội tư bản: Thất nghiệp, khoảng cách giàu nghèo, xung đột sắc tộc… Kinh tế ảnh hưởng lớn đến xã hội, những xung đột xã hội xảy ra ở nhiều quốc gia, làm rung chuyển cả những thể chế tưởng chừng vững chắc nhất, vốn là niềm tự hào của chủ nghĩa tư bản. Chính vì vậy, ta có thể thấy, bên cạnh những quốc gia tư bản giàu có thì là hàng dài những quốc gia tư bản khác chìm trong đói nghèo, bất ổn và chiến tranh… Đó cũng là những quốc gia đã và đang bị tổn hại nghiêm trọng bởi chủ nghĩa tư bản.

Do vậy, chúng ta cần một con đường đưa ta đến một xã hội với cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc mà không phải là con đường chủ nghĩa tư bản như nhiều nước đang theo đuổi. Và chính xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi chính là câu trả lời về con đường, về xã hội mà chúng ta mong muốn. Sự đúng đắn của việc lựa chọn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta được thể hiện qua thành quả giữ nước, thành quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước ta trong những năm qua. Thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đem lại “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” chưa bao giờ có được như đất nước ta hiện nay.

Hai là, thế hệ trẻ hiện nay cần phải hiểu rõ hơn về bối cảnh, cách thức Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trình độ lực lượng sản xuất rất thấp… Do vậy, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài, khó khăn, phức tạp. Nói vậy để thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ, cần phải tiếp tục cống hiến để dựng xây đất nước, chứ không phải đòi hỏi nhanh chóng thụ hưởng những thành quả cách mạng.

Cùng với đó, Tổng Bí thư đã làm rõ quan điểm Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Tổng Bí thư đã khẳng định, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là chỉ bỏ qua những mặt hạn chế của chủ nghĩa tư bản như áp bức, bất công, bóc lột, thói hư tật xấu nhưng không bỏ qua những thành tựu giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa và có sự kế thừa chọn lọc. Chúng ta cần phải sáng suốt, tỉnh táo và kế thừa có chọn lọc những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được như công nghệ, kinh tế, y học… Đây là quan điểm rất rõ ràng, khoa học về việc Việt Nam bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. 

Vừa tránh được xu hướng “bài tư bản” một cách mù quáng để làm lỡ đi những cơ hội thúc đẩy khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế trên cơ sở kế thừa những thành tựu mà các quốc gia tư bản đã đạt được; đồng thời cũng chỉ ra rằng trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, nhân loại cũng đã đạt được một số thành tựu, giá trị văn minh nhưng không phải tất cả những giá trị đó đều phù hợp với Việt Nam, và việc kế thừa đó cần phải có sự chọn lọc phù hợp. Đây là quan điểm hết sức đúng đắn bởi vì con đường chúng ta đi là duy nhất, chưa có trong lịch sử vì vậy, cần lựa chọn những giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình đất nước; không vì mô hình này, mô hình kia thành công ở quốc gia khác mà nóng vội áp dụng một cách thiếu tính toán, chủ quan vào Việt Nam.

Thứ ba, bao trùm lên tất cả và mang tính đột phá trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là vấn đề nguồn nhân lực, trong đó con người được khẳng định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy và duy trì phát triển bền vững đất nước, có ý nghĩa quyết định đến mức độ thành công của quá trình thực hiện “Khát vọng Việt Nam”. Chính vì thế, trong bài viết lần này, Tổng Bí thư đã xác định và định hướng: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”. Đây chính là chiến lược phát triển vững bền nhất, lâu dài nhất và cũng là khó khăn, vất vả nhất. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần phải có con người xã hội chủ nghĩa. Do vậy, nhiệm vụ xây dựng con người, xây dựng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đất nước ta trong thời gian tới.

Để đảm bảo sự phát triển của nguồn nhân lực đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, những người sẽ gánh vác sứ mệnh của toàn dân tộc, mang theo khát vọng một Việt Nam hùng cường, phát triển trong tương lai. Đây là trách nhiệm, nhưng cũng là cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam viết nên kỳ tích của mình trong tiến trình phát triển của dân tộc - vốn rất tươi sáng trong những thập kỷ tới. Muốn vậy, thế hệ trẻ chúng ta hiện nay cần phải được quan tâm giáo dục, bồi dưỡng về nhiều mặt và bản thân mỗi đoàn viên thanh niên cũng cần ý thức rõ ràng hơn nữa về trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, chúng tôi suy nghĩ cần lưu ý mấy điểm sau:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, giúp thanh niên hiểu rõ tính đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Cần tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030” bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp.

Hai là, không ngừng giáo dục cho thanh niên nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của mình trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ thanh niên. Thanh niên là người thụ hưởng nhưng cũng là lực lượng chính, động lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì thế, việc tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kỹ năng là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của thanh niên với đất nước. Có những nhận thức đầy đủ đó, với sự cố gắng của thế hệ trẻ, cùng sự quan tâm của toàn xã hội là cơ sở quan trọng để xây dựng thế hệ thanh niên hiện đại, đáp ứng tốt những yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ba là, thanh niên phải là lực lượng xung kích, thông qua những hành động cụ thể kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng. Thành quả cách mạng hôm nay có được bảo vệ vẹn toàn và phát triển về sau hay không đều phụ thuộc vào thanh niên. Những hành động xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách, chống phá sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đều ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế và đời sống đang tiếp tục ấm no, hạnh phúc và dần tốt đẹp hơn của Nhân dân. Vì vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là bảo vệ quyền lợi cho thanh niên hôm nay và mai sau. Tất nhiên để bảo vệ được Đảng, Nhà nước và đấu tranh có hiệu quả với các thế lực chống phá thì mỗi thanh niên cần học tập, rèn luyện, trau dồi cho mình kiến thức, bản lĩnh và những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc.

Có thể thấy bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước hiện nay và trong thời gian tới. Bài viết đem lại cách nhìn cụ thể, rõ ràng hơn cho Nhân dân và nhất là thế hệ trẻ về những bước đi tiếp theo của trong quá trình phát triển của dân tộc. Từ đó, mỗi thanh niên sẽ lựa chọn cho mình những cách thức, phương pháp phù hợp để đóng góp cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng những cách thức, phương pháp đó đều phải dựa trên nền tảng là sự hiểu biết đầy đủ về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về điều kiện và tình hình cụ thể của đất nước trong từng thời kỳ. Đó chính là những giá trị quan trọng mà bài viết của Tổng Bí thư đem lại cho chúng ta./.

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.